Xây dựng phân hiệu Đại học Ngoại Thương ở đâu Bắc Ninh? Đất xây dựng phân hiệu đại học Ngoại Thương có phải nộp tiền sử dụng đất không?
Mua bán nhà đất tại Bắc Ninh
Nội dung chính
Xây dựng phân hiệu Đại học Ngoại Thương ở đâu Bắc Ninh?
UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch Trường Đại học Ngoại Thương tại Quyết định 127/QĐ-UBND năm 2025, theo đó:
Trường Đại học Ngoại Thương là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quốc gia nhưng hiện tại cơ sở vật chất và khuôn viên của nhà trường tại 3 cơ sở (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh) còn hạn chế. Dự kiến, trong vòng 10 năm nữa, quy mô toàn trường tiếp tục tăng lên.
Việc lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở thực hiện dự án mở rộng cơ sở đào tạo của Trường Đại học Ngoại Thương tại tỉnh Bắc Ninh là phù hợp và cần thiết.
Khu vực lập quy hoạch chi tiết Trường Đại học Ngoại Thương thuộc phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn, có ranh giới cụ thể:
- Phía Đông Bắc giáp với đường tỉnh ĐT.287 và đất nhóm ở thuộc dự án đang triển khai;
- Phía Tây Nam giáp đường tỉnh ĐT.295;
- Phía Đông Nam giáp đường tỉnh ĐT.295C (dự án ĐTXD đường dọc kênh B2) và
- Phía Tây Bắc giáp đất nhóm ở thuộc dự án đang triển khai.
Diện tích khoảng 33,66ha, trong đó đất xây dựng dự án khoảng 32,68ha.
Thời gian khởi công dự kiến vào đầu năm 2027 với kinh phí giai đoạn 1 khoảng 1.150 tỷ đồng.
Quy mô đào tạo:
- Giai đoạn 2026–2030: Khoảng 5.500 sinh viên.
- Giai đoạn 2030–2040: Khoảng 12.000 sinh viên.
Bao gồm các hạng mục chính: Khu hành chính – hiệu bộ, giảng đường, thư viện, ký túc xá, hội trường, trung tâm thể dục thể thao, nhà đa năng, công viên và các công trình phụ trợ khác.
Xây dựng phân hiệu Đại học Ngoại Thương ở đâu Bắc Ninh? Đất xây dựng phân hiệu đại học Ngoại Thương có phải nộp tiền sử dụng đất không? (hình từ internet)
Đất xây dựng phân hiệu đại học Ngoại Thương có phải nộp tiền sử dụng đất không?
Theo khoản 44 Điều 3 Luật Đất đai 2024, tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc các trường hợp sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào Điều 118 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Điều 118. Giao đất không thu tiền sử dụng đất
1. Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật này.
2. Đất xây dựng trụ sở cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật và được Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên; đất quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, đất cơ sở lưu giữ tro cốt không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 của Luật này; đất tín ngưỡng để bồi thường cho trường hợp Nhà nước thu hồi đất tín ngưỡng.
3. Người sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
4. Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp.
5. Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này.
6. Cơ quan, tổ chức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở.
7. Đồng bào dân tộc thiểu số không phải là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng thuộc đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất theo chính sách quy định tại Điều 16 của Luật này.
8. Tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước.
9. Việc giao đất quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 124 của Luật này.
Và theo Điểm d khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định:
Điều 9. Phân loại đất
[...]
3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
[...]
d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
[...]
Như vậy, đất xây dựng phân hiệu đại học Ngoại Thương là đất xây dựng công trình sự nghiệp và Trường đại học Ngoại Thương là trường đại học công lập. Vì vậy, đất xây dựng phân hiệu đại học Ngoại Thương sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất.
Điều kiện, thủ tục cho phép phân hiệu đại học hoạt động đào tạo là gì?
Căn cứ theo Điều 100 Nghị định 125/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện, thủ tục cho phép phân hiệu đại học hoạt động đào tạo gồm:
- Điều kiện để phân hiệu đại học hoạt động đào tạo:
+ Có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập phân hiệu của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
+ Có cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động đối với ngành, lĩnh vực dự kiến đào tạo, quy mô dự kiến tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
+ Có chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập đáp ứng yêu cầu hoạt động đối với các ngành, lĩnh vực dự kiến đào tạo, quy mô dự kiến tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
+ Có đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý đủ về số lượng và đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của ngành, lĩnh vực dự kiến đào tạo và quy mô dự kiến tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
+ Có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động của phân hiệu theo đúng cam kết trong đề án thành lập phân hiệu;
+ Có quy chế tổ chức và hoạt động của phân hiệu, gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Vị trí pháp lý; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phân hiệu; tổ chức bộ máy; hoạt động đào tạo; nhiệm vụ và quyền của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động; nhiệm vụ và quyền của người học; các vấn đề khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của phân hiệu.
- Thủ tục để cho phép phân hiệu đại học hoạt động đào tạo thực hiện như thủ tục cho phép trường đại học hoạt động đào tạo quy định tại Điều 97 Nghị định 125/2024/NĐ-CP.