Tiến độ phá dỡ Hàm Cá Mập mới nhất tháng 7/2025
Nội dung chính
Tiến độ phá dỡ Hàm Cá Mập mới nhất tháng 7/2025
Dưới đây là cập nhật về tiến độ phá dỡ Hàm Cá Mập (số 7 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong tháng 7/2025:
Công tác chuẩn bị phá dỡ được triển khai từ tháng 5/2025, khi rào chắn an toàn được dựng xung quanh tòa nhà. Các cơ sở kinh doanh đã bàn giao mặt bằng dọn đường cho việc tháo dỡ toàn bộ khối chính cùng các phần phụ như mái che, biển hiệu và nhà hàng Thủy Tạ liền.
Hà Nội xác định giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8/2025 là thời điểm phá dỡ chính thức. Quận Hoàn Kiếm đã lên kế hoạch tháo bỏ toàn bộ khối trung tâm thương mại số 7 và công trình phụ thuộc thuộc dự án chỉnh trang quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Thành phố đã cấp kinh phí khoảng 18 tỷ đồng, trong đó bao gồm chi phí tháo dỡ và di dời trạm biến áp.
Đến giữa tháng 7/2025, các đội phá dỡ đã tiến hành hạ giải cấu kiện lớn, vận chuyển phế thải và đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực. Mục tiêu là bàn giao mặt bằng để tiếp tục cải tạo quảng trường, kịp bàn giao mặt bằng cho việc cải tạo quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và không gian quanh Hồ Hoàn Kiếm trước dịp lễ Quốc khánh.
Tiến độ phá dỡ Hàm Cá Mập mới nhất tháng 7/2025:
(Hình từ internet)
Tiến độ phá dỡ Hàm Cá Mập mới nhất tháng 7/2025 (hình từ internet)
Chi tiết kế hoạch cải tạo quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục
Theo Mục 2 Thông báo 102/TB-VP được UBND Thành phố Hà Nội ban hành ngày 05/03/2025 đề ra nội dung nghiên cứu ý tưởng, định hướng giải pháp cải tạo quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục như sau:
- Tán thành phương án đề xuất phá bỏ tòa nhà “Hàm cá mập”, đề xuất không gian ngầm tại khu vực quảng trường hiện có và không gian mở rộng (sau khi phá bỏ tòa nhà “Hàm cá mập”); nghiên cứu khoảng 03 tầng hầm, đề xuất cụ thể chức năng sử dụng tầng hầm (nên bố trí không gian văn hóa, thương mại tại tầng hầm 1, khu vực đỗ xe tại tầng hầm 2,3);
Trường hợp không bố trí đỗ xe, có thể sử dụng thành không gian lưỡng dụng. Lưu ý bố trí góc vát (tại phố Đinh Tiên Hoàng và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) hợp lý, phù hợp Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thiết kế...
- Việc tổ chức đường lên xuống hầm đơn thuần và tại phía Bắc Quảng trường (khu Cầu Gỗ) có thể ảnh hưởng một phần không gian phía Bắc Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục; giảm diện tích Quảng trường, chia cắt sự giao tiếp, liên kết mặt phẳng không gian Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với tuyến phố Cầu Gỗ - không gian đi bộ;
Đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu hướng tiếp cận từ tuyến phố Đinh Liệt, bố trí hệ thống bàn nâng cơ giới hóa (có thể kết hợp thang bộ) tại vị trí giáp sát phố Đinh Tiên Hoàng (vị trí phá bỏ tòa nhà “Hàm cá mập”), nghiên cứu việc sử dụng mái sảnh khán đài.
- Nghiên cứu việc tác động thay đổi cảnh quan đối với khu vực mặt đứng tòa nhà Long Vân - Hồng Vân; khu vực cảnh quan công trình tòa nhà Thủy tọa, Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm và khu vực nhà dân hiện có giữ lại tiếp giáp phố Cầu Gỗ; thống nhất việc nghiên cứu không gian quảng trường tràn đến vỉa hè các khu vực xung quanh, gắn kết với tổng thể không gian chung của khu vực quảng trường.
- Nghiên cứu vị trí bố trí sân khấu tại Quảng trường và trên các trục đường hướng tâm Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, các vị trí khán đài phù hợp (xem xét các vị trí phía Bắc tòa nhà Thủy Tọa, nhà điều hành nhà ga tàu điện cũ (vị trí tòa nhà “Hàm cá mập”), sảnh của Nhà hát múa rối Thăng Long...).
- Nghiên cứu, đánh giá kỹ hiện trạng cây xanh, phương án bố trí, sắp xếp cây xanh tại khu vực quảng trường (có giải pháp phù hợp đối với các cây di sản).
- Nghiên cứu, khảo sát cụ thể vị trí đặt tháp ánh sáng, phương án chiếu sáng, nghiên cứu kết hợp việc bố trí thang bộ tại khu vực chân tháp.
Thực hiện phá dỡ công trình xây dựng như thế nào?
Căn cứ theo Điều 118 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi Khoản 44 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có quy định về phá dỡ công trình xây dựng như sau:
(1) Việc phá dỡ công trình xây dựng được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình mới hoặc công trình xây dựng tạm;
- Công trình có nguy cơ sụp đổ ảnh hưởng đến cộng đồng và công trình lân cận; công trình phải phá dỡ khẩn cấp nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Công trình xây dựng trong khu vực cấm xây dựng theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật này;
- Công trình xây dựng sai quy hoạch theo pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng;
- Công trình xây dựng lấn chiếm đất công, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;
- Nhà ở riêng lẻ có nhu cầu phá dỡ để xây dựng mới.
(2) Việc phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường và thực hiện theo trình tự như sau:
- Lập phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng. Trường hợp công trình thuộc diện phải có quyết định phá dỡ, cưỡng chế phá dỡ thì phải có quyết định phá dỡ hoặc quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng;
- Thẩm tra, phê duyệt thiết kế phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng đối với công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng;
- Tổ chức thi công phá dỡ công trình xây dựng;
- Tổ chức giám sát, nghiệm thu công tác phá dỡ công trình xây dựng.
(3) Trách nhiệm của các bên trong việc phá dỡ công trình xây dựng được quy định như sau:
- Chủ đầu tư, chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình hoặc người được giao nhiệm vụ chủ trì phá dỡ công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo trình tự quy định tại khoản 2 Điều này; tự thực hiện nếu có đủ điều kiện năng lực hoặc thuê tổ chức tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện lập, thẩm tra thiết kế phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng và thực hiện thi công phá dỡ công trình xây dựng; chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
- Nhà thầu được giao thực hiện việc phá dỡ công trình có trách nhiệm lập biện pháp thi công phá dỡ công trình phù hợp với phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt; thực hiện thi công phá dỡ công trình theo đúng biện pháp thi công và quyết định phá dỡ hoặc quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng (nếu có); thực hiện theo dõi, quan trắc công trình; bảo đảm an toàn cho con người, tài sản, công trình và các công trình lân cận; chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
- Người có thẩm quyền quyết định phá dỡ công trình chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả do không ban hành quyết định, ban hành quyết định không kịp thời hoặc ban hành quyết định trái với quy định của pháp luật;
- Tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc đang sử dụng công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ phải chấp hành quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp không chấp hành thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ.
(4) Chính phủ quy định chi tiết về phá dỡ công trình xây dựng và phá dỡ công trình xây dựng trong trường hợp khẩn cấp.