Quy hoạch khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa giai đoạn 1 thế nào?
Mua bán nhà đất tại Thanh Hóa
Nội dung chính
Quy hoạch khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa giai đoạn 1 thế nào?
Khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa giai đoạn 1 được quy hoạch với mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa và vùng phụ cận.
Dự án thuộc địa phận các xã Đông Yên, Đông Văn (TP Thanh Hóa) và xã Đồng Tiến, Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn) có quy mô diện tích 167 ha và là giai đoạn đầu trong tổng thể quy hoạch 645,2 ha.
Trong quy hoạch sử dụng đất, phần lớn diện tích được ưu tiên cho hoạt động công nghiệp. Cụ thể:
- Diện tích đất dành cho xây dựng nhà máy, xí nghiệp chiếm gần 68% tổng diện tích khu công nghiệp - tức hơn 113 ha.
- Phần còn lại được quy hoạch cho các hạng mục hỗ trợ và hạ tầng kỹ thuật như đất hành chính - dịch vụ, hệ thống giao thông nội khu, cây xanh cách ly, hồ điều hòa và các công trình phụ trợ khác.
Thiết kế nhằm bảo đảm tính đồng bộ, xanh - sạch - hiện đại cho khu công nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Dự án Thăng Long Thanh Hóa hướng tới việc thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao và doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Với định hướng rõ ràng, khu công nghiệp kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hình thành một hệ sinh thái sản xuất hiện đại thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tăng khả năng liên kết chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đây cũng là một phần trong chiến lược thu hút đầu tư chất lượng cao của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2025 - 2030.
Tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng cho khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 9 năm 2025. Ngay sau đó, chủ đầu tư sẽ bắt đầu khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật vào quý IV/2025 và hoàn thành các hạng mục chính trong khoảng thời gian từ cuối năm 2025 đến năm 2027.
Toàn bộ hạ tầng khu công nghiệp sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế bảo đảm khả năng vận hành ổn định và an toàn trong dài hạn.
Quy hoạch khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa giai đoạn 1 thế nào? (hình từ internet)
Chủ đầu tư khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa giai đoạn 1 là ai?
Tại Quyết định 1316/QĐ-UBND ngày 29/4/2025 thì UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa (giai đoạn 1) tại huyện Triệu Sơn và thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Căn cứ theo Điều 1Quyết định 1316/QĐ-UBND năm 2025 quy định như sau:
Điều 1. Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với nội dung như sau:
1. Nhà đầu tư
a) Tên doanh nghiệp: Sumitomo Corporation; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0100-01-008692 do Cục Pháp lý Tokyo, Nhật Bản cấp ngày 24/12/1919.
b) Địa chỉ trụ sở: 3-2 Otemachi 2-Chome, Chiyoda-ku, Tokyo, Nhật Bản; điện thoại: +81-3-6285-5000.
c) Website: https://www.sumitomocorp.com.
d) Email: kenta.kawanabe@tlipgroup.com.
2. Tên dự án: Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa (giai đoạn 1).
3. Mục tiêu dự án: Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
[...]
Như vậy, Chủ đầu tư khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa giai đoạn 1 được chấp thuận là Công ty Sumitomo Corporation Nhật Bản.
Chức năng của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 67 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định chức năng của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế như sau:
- Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Tại Nghị định này gọi chung là Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, trừ trường hợp có quy định riêng đối với Ban quản lý khu kinh tế.
- Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế, chương trình kế hoạch công tác và kinh phí hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý về ngành, lĩnh vực có liên quan;
Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; làm nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi được phân cấp, ủy quyền; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế có tư cách pháp nhân; tài khoản và con dấu mang hình quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hằng năm và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.