09:13 - 22/05/2025

Hầm chui HC1 nút giao An Phú dự kiến sẽ được đưa vào khai thác cuối tháng 6 2025

Hầm chui HC1 nút giao An Phú dự kiến sẽ được đưa vào khai thác cuối tháng 6 2025? Phạm vi bảo vệ công trình hầm đường bộ được xác định như thế nào?

Nội dung chính

    Hầm chui HC1 nút giao An Phú dự kiến sẽ được đưa vào khai thác cuối tháng 6 2025

    Dự án hầm chui HC1-01 tại nút giao An Phú, thành phố Thủ Đức (TP.HCM) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sẽ được đưa vào khai thác vào cuối tháng 6 năm 2025.

    Đây là một trong những hạng mục trọng điểm thuộc tổng thể dự án cải tạo nút giao thông An Phú, có vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết nối giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông TP.HCM.

    Hầm HC1-01 có chiều dài khoảng 480 mét, thiết kế 4 làn xe và tổng mức đầu tư lên đến 341 tỷ đồng.

    Hầm nằm tại vị trí giao nhau giữa đại lộ Mai Chí Thọ và đường Đồng Văn Cống – nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông do lưu lượng phương tiện lớn.

    Theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, hiện nhà thầu đã cơ bản hoàn tất nhiều hạng mục quan trọng của hầm HC1.

    Các công đoạn như trải thảm mặt đường, sơn vạch kẻ đường, lắp đặt biển báo và dải phân cách hai đầu hầm đã được triển khai.

    Tuy nhiên, do một số phần việc như hệ thống thoát nước vẫn đang được hoàn thiện nên thời gian thông xe được điều chỉnh sang cuối tháng 6 thay vì mốc ban đầu là trước ngày 30/4.

    Sau khi hầm HC1 chính thức được đưa vào hoạt động, các gói thầu khác thuộc dự án nút giao An Phú – trong đó có hầm HC1-02 và cầu N2 nối từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ra đại lộ Mai Chí Thọ – sẽ tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.

    Nút giao An Phú đóng vai trò chiến lược trong mạng lưới giao thông khu vực phía Đông TP.HCM khi kết nối trực tiếp với các tuyến đường huyết mạch như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định, Lương Định Của và Đồng Văn Cống.

    Việc đưa vào sử dụng hầm chui HC1 không chỉ góp phần giảm ùn tắc mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông liên vùng và phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

    Hầm chui HC1 nút giao An Phú dự kiến sẽ được đưa vào khai thác cuối tháng 6 2025

    Hầm chui HC1 nút giao An Phú dự kiến sẽ được đưa vào khai thác cuối tháng 6 2025 (Hình từ Internet)

    Phạm vi bảo vệ công trình hầm đường bộ được xác định như thế nào?

    Căn cứ vào khoản 3 Điều 17 Luật Đường bộ 2024 có quy định như sau:

    Điều 17. Phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ
    1. Phạm vi bảo vệ trên không của phần đường theo phương thẳng đứng không thấp hơn chiều cao tĩnh không của đường. Đối với đoạn đường có dự phòng chiều cao tăng cường lớp mặt đường, chiều cao bù lún và các trường hợp cần dự phòng tôn cao mặt đường thì phải cộng chiều cao này với chiều cao tĩnh không.
    2. Phạm vi bảo vệ trên không của cầu đường bộ được quy định như sau:
    a) Phạm vi bảo vệ trên không của cầu đường bộ tính từ điểm cao nhất của kết cấu trên các mặt cắt ngang cầu trở lên theo phương thẳng đứng là 02 mét nhưng không thấp hơn chiều cao tĩnh không quy định tại khoản 1 Điều này;
    b) Cầu đường bộ xây dựng vượt đường sắt, đường bộ khác phải bảo đảm tĩnh không của đường sắt, đường bộ bên dưới;
    c) Cầu đường bộ xây dựng trên khu vực có hoạt động giao thông đường thủy nội địa, giao thông hàng hải phải bảo đảm khổ thông thuyền cho tàu, thuyền lưu thông an toàn theo quy định của pháp luật về đường thủy nội địa và pháp luật về hàng hải.
    3. Phạm vi bảo vệ công trình hầm đường bộ được xác định từ các bộ phận kết cấu của hầm đường bộ ra xung quanh đủ để bảo đảm an toàn đối với công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình, an toàn trong vận hành, khai thác, sử dụng và bảo đảm tuổi thọ công trình theo thiết kế; phạm vi bảo vệ bên ngoài của hầm đường bộ là khoảng không đủ để bảo đảm an toàn cho vận hành, khai thác và sử dụng hầm đường bộ và các thiết bị của hầm đường bộ.
    4. Giới hạn theo phương thẳng đứng của đường dây thông tin, viễn thông đi phía trên đường bộ không nhỏ hơn 5,5 mét tính từ điểm thấp nhất của đường dây thông tin, viễn thông đi qua đường bộ tới điểm cao nhất trên mặt đường. Trường hợp đường dây đi phía trên cầu đường bộ phải đáp ứng đồng thời quy định tại khoản này và điểm a khoản 2 Điều này.
    [...]

    Như vậy, phạm vi bảo vệ công trình hầm đường bộ được xác định từ các bộ phận kết cấu của hầm đường bộ ra xung quanh đủ để bảo đảm an toàn đối với công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình, an toàn trong vận hành, khai thác, sử dụng và bảo đảm tuổi thọ công trình theo thiết kế.

    Phạm vi bảo vệ bên ngoài của hầm đường bộ là khoảng không đủ để bảo đảm an toàn cho vận hành, khai thác và sử dụng hầm đường bộ và các thiết bị của hầm đường bộ.

    Có được lùi xe trong hầm đường bộ không?

    Căn cứ vào Điều 16 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có quy định như sau:

    Điều 16. Lùi xe
    1. Khi lùi xe, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải quan sát hai bên và phía sau xe, có tín hiệu lùi và chỉ lùi xe khi bảo đảm an toàn.
    2. Không được lùi xe ở đường một chiều, khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, trên đường cao tốc.

    Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được lùi xe trong hầm đường bộ.

    Trần Thị Thu Phương
    Từ khóa
    Hầm chui HC1 Hầm chui HC1 nút giao An Phú Nút giao An Phú Công trình hầm đường bộ Hầm đường bộ
    36