Dự án khu công nghiệp Vĩnh Lập được xây dựng ở đâu?
Mua bán nhà đất tại Bình Dương
Nội dung chính
Dự án khu công nghiệp Vĩnh Lập được xây dựng ở đâu?
Vừa qua tại Bình Dương vừa tổ chức Kỳ họp thứ 24 để xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng trong đó nổi bật là việc thông qua quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp Vĩnh Lập với tỷ lệ 1/5.000.
Theo quy hoạch, dự án khu công nghiệp Vĩnh Lập sẽ được xây dựng tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương được định hướng trở thành khu công nghiệp tập trung đa ngành nghề ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Ranh giới quy hoạch khu công nghiệp Vĩnh Lập, cụ thể như sau:
- Phía Đông giáp đất cao su, khu vực dự kiến phát triển đô thị.
- Phía Tây giáp đường ĐH.502 và trục Tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng (quy hoạch Quốc lộ 13C);
- Phía Nam giáp suối Vàm Vá, sông Bé và đất cao su, nơi định hướng các cụm công nghiệp tương lai;
- Phía Bắc giáp đường ĐH.501 (quy hoạch Quốc lộ 56B), đất cao su, các cụm công nghiệp và khu đô thị theo quy hoạch vùng huyện.
Dự án được chia thành 2 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 (2021 đến 2030) với mục tiêu triển khai 497 ha và giai đoạn 2 (2030 – 2050) với mục tiêu mở rộng thêm 253 ha.
Như vậy, dự án khu công nghiệp Vĩnh Lập được xây dựng tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Khi hoàn thành, khu công nghiệp Vĩnh Lập dự kiến thu hút khoảng 37.000 người lao động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương
Dự án khu công nghiệp Vĩnh Lập được xây dựng ở đâu? (Hình từ Internet)
Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp được quy định ra sao?
Căn cứ tại Điều 61 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp như sau:
(1) Hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất phải phù hợp với quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(2) Đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc giao cho đơn vị sự nghiệp có thu làm nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất.
(3) Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế được thực hiện các hoạt động sau:
- Xây dựng nhà xưởng, văn phòng, kho bãi để bán hoặc cho thuê;
- Định giá cho thuê đất, giá cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; các loại phí sử dụng hạ tầng; giá cho thuê, giá bán nhà xưởng, văn phòng, kho bãi và các loại phí dịch vụ khác theo quy định của pháp luật và đăng ký với Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế về khung giá và các loại phí sử dụng hạ tầng. Việc đăng ký khung giá và các loại phí sử dụng hạ tầng thực hiện định kỳ 06 tháng hoặc trong trường hợp có sự điều chỉnh khác so với khung giá và các loại phí sử dụng hạ tầng đã đăng ký;
- Thu các loại phí sử dụng hạ tầng;
- Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất và cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế cho nhà đầu tư khác theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản;
- Các hoạt động khác theo quy định của Luật Đầu tư 2020, Nghị định 31/2021/NĐ-CP, quy định của Chính phủ về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và pháp luật có liên quan.
Việc sử dụng đất khu công nghiệp Vĩnh Lập được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 93 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định về đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp như sau:
(1) Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2024 thì được cho thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng.
Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy định của Luật Đất đai.
(2) Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp
- Khi ký hợp đồng cho thuê đất, thuê lại đất phải xác định cụ thể tiến độ sử dụng đất theo tiến độ thực hiện dự án đầu tư; kiểm tra, theo dõi, đôn đốc bên thuê đất, thuê lại đất đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ đã giao kết trong hợp đồng;
- Hằng năm, chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và công bố công khai diện tích đất chưa cho thuê, cho thuê lại trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên trang thông tin điện tử của chủ đầu tư, cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất.
(3) Trường hợp bên thuê đất, thuê lại đất không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ đã ký kết trong hợp đồng thuê đất, thuê lại đất, trừ trường hợp bất khả kháng thì chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp có trách nhiệm như sau:
- Yêu cầu bên thuê đất, thuê lại đất thực hiện các biện pháp để đưa đất vào sử dụng;
- Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng và công khai trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(4) Trường hợp chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 3 Điều 93 Nghị định 102/2024/NĐ-CP mà bên thuê đất, thuê lại đất vẫn không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định tại khoản 8 Điều 81 Luật Đất đai 2024 thì đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê đất, cho thuê lại đất và kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đối với diện tích đất vi phạm của bên thuê đất, thuê lại đất để bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Việc xử lý quyền và nghĩa vụ có liên quan giữa chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và bên thuê đất, thuê lại đất thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
(5) Đối với trường hợp thuê đất, thuê lại đất của chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp bất khả kháng thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất đối với các trường hợp sau:
- Không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng quá 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tiến độ sử dụng đất đã ký kết trong hợp đồng thuê đất, thuê lại đất;
- Không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng quá 24 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với trường hợp nội dung hợp đồng thuê đất, thuê lại đất không quy định về tiến độ đưa đất vào sử dụng.
(6) Trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 93 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định 102/2024/NĐ-CP.
(7) Phần diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp không phải nộp tiền thuê đất quy định tại khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai 2024 bao gồm các công trình giao thông, hệ thống cung cấp điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông, đất cây xanh, mặt nước sử dụng chung cho toàn khu, công trình xử lý nước thải trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
(8) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền và xử lý đối với trường hợp thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất.