Đồ án Quy hoạch chung thị trấn Dầu Tiếng đến năm 2040
Mua bán nhà đất tại Bình Dương
Nội dung chính
Đồ án Quy hoạch chung thị trấn Dầu Tiếng đến năm 2040
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1415/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng với mục tiêu định hướng phát triển đến năm 2040.
Theo quyết định, quy hoạch được lập trên toàn bộ địa giới hành chính của thị trấn Dầu Tiếng với tổng diện tích hơn 2.632 ha.
[1] Ranh giới quy hoạch được xác định như sau:
Phía Đông: giáp xã Định Hiệp
Phía Tây: tiếp giáp huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) qua sông Sài Gòn
Phía Nam: giáp xã Thanh An
Phía Bắc: giáp xã Định Hiệp và xã Định Thành
[2] Định hướng phát triển:
Thị trấn Dầu Tiếng được xác định là trung tâm hành chính, kinh tế và xã hội của huyện. Quy hoạch hướng đến hình thành đô thị dịch vụ ven sông Sài Gòn với chức năng đa dạng như dịch vụ đô thị, hỗ trợ công nghiệp, phát triển du lịch và nông nghiệp đô thị.
[3] Lộ trình phát triển đô thị:
Giai đoạn đến năm 2025: hoàn thiện các tiêu chí để đạt đô thị loại IV
Giai đoạn 2026 – 2040: từng bước nâng cao chất lượng đô thị theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường và nâng cao đời sống người dân
Quy mô dân số dự kiến:
Đến năm 2030: khoảng 52.000 – 62.000 người
Đến năm 2040: khoảng 65.000 – 70.000 người
UBND huyện Dầu Tiếng chịu trách nhiệm về tính pháp lý và tính chính xác của các dữ liệu, bản vẽ và hồ sơ quy hoạch. Đồng thời, huyện có trách nhiệm công bố rộng rãi thông tin quy hoạch được duyệt, lưu trữ hồ sơ theo quy định và triển khai thực hiện quy hoạch để làm cơ sở quản lý xây dựng, phát triển đô thị trong thời gian tới.
Đồ án Quy hoạch chung thị trấn Dầu Tiếng đến năm 2040 (Hình từ Internet)
Quy hoạch chung là gì? Nội dung của kế hoạch thực hiện quy hoạch chung gồm những gì?
Căn cứ tại khoản 11 Điều 2 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, giải thích về quy hoạch chung là việc xác định mục tiêu, định hướng phát triển tổng thể, kế hoạch phát triển dài hạn; tổ chức không gian, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, nhà ở cho một thành phố, thị xã, thị trấn, đô thị mới hoặc một huyện, một xã hoặc một khu chức năng.
Căn cứ tại Điều 51 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, quy định về kế hoạch thực hiện quy hoạch chung như sau:
(1) Căn cứ quy hoạch chung đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổ chức lập và ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch chung, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Đối với quy hoạch chung thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập và ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch chung.
(2) Yêu cầu về kế hoạch thực hiện quy hoạch chung bao gồm:
- Phù hợp nội dung quy hoạch đã được phê duyệt, quy định quản lý theo quy hoạch đã được ban hành;
- Bảo đảm tính khả thi về thời gian, nguồn lực và các điều kiện tổ chức thực hiện;
- Xác định rõ, cụ thể về tiến độ, trách nhiệm của các cơ quan trong tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật;
- Đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện và chế độ báo cáo kết quả công tác thực hiện quy hoạch.
(3) Nội dung kế hoạch thực hiện quy hoạch chung bao gồm:
- Xác định danh mục, tiến độ triển khai lập các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, thiết kế đô thị, quy hoạch không gian ngầm và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc trung ương theo kế hoạch 05 năm và hằng năm;
- Dự kiến nhu cầu vốn hằng năm cho công tác tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn; đề xuất các cơ chế chính sách bố trí, huy động nguồn lực thực hiện theo kế hoạch;
- Phân công trách nhiệm các cơ quan thực hiện;
- Kế hoạch kiểm tra, giám sát;
- Quy định nội dung, tiêu chí đánh giá kết quả, chế độ báo cáo kết quả công tác tổ chức thực hiện quy hoạch;
- Nội dung khác có liên quan.
Lưu ý: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.