Địa chỉ trụ sở xã mới Thanh Trì Hà Nội? Cấp xã được giao những thẩm quyền gì trong lĩnh vực đất đai từ ngày 1 7?
Nội dung chính
Địa chỉ trụ sở xã mới Thanh Trì Hà Nội
Ngày 25/6/2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Thông báo 729/TB-UBND về địa điểm trụ sở làm việc của 126 phường, xã sau sắp xếp thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội.
Địa chỉ trụ sở xã mới huyện Thanh Trì Hà Nội cụ thể:
[1] Xã Thanh Trì được thành lập trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Tứ Hiệp, Yên Mỹ, Ngũ Hiệp (thuộc huyện Thanh Trì); một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã: thị trấn Văn Điển, Duyên Hà, Vĩnh Quỳnh, Vạn Phúc (thuộc huyện Thanh Trì); phường Yên Sở (thuộc quận Hoàng Mai).
Địa chỉ trụ sở xã Thanh Trì:
Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Thanh Trì: Số 12, Đường Nguyễn Bặc, xã Thanh Tri (địa chỉ cũ: số 12, Đường Nguyễn Bặc, thị trấn Văn Điền, huyện Thanh Trì)
[2] Xã Đại Thanh được thành lập trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh (thuộc huyện Thanh Trì); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Kiến Hưng (thuộc quận Hà Đông); các xã: Thanh Liệt, Tam Hiệp, thị trấn Văn Điển (thuộc huyện Thanh Trì).
Địa chỉ trụ sở xã Đại Thanh :
- Trụ sở Đảng ủy xã Đại Thanh
Thôn Huỳnh Cung, xã Đại Thanh (địa chỉ cũ: thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Tri)
- Trụ sở UBND xã Đại Thanh
Thôn Quỳnh Đô, xã Đại Thanh (địa chỉ cũ: thôn Quỳnh Đô, xã Vinh Quỳnh, huyện Thanh Tri)
[3] Xã Nam Phù được thành lập trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Vạn Phúc, Ngũ Hiệp, Duyên Hà, Đông Mỹ (thuộc huyện Thanh Trì); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Yên Mỹ, Liên Ninh (thuộc huyện Thanh Trì); Ninh Sở, Duyên Thái (thuộc huyện Thường Tín).
- Trụ sở Đảng ủy xã Nam Phù
Thôn Đại Lan, xã Nam Phù địa chỉ cũ: thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì)
- Trụ sở UBND xã Nam Phù
Thôn 2 Đồng Mỹ, xã Nam Phù (địa chỉ cũ: thôn 2, xã Đồng Mỹ, huyện Thanh Trì)
[4] Xã Ngọc Hồi được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Ngọc Hồi (thuộc huyện Thanh Trì); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Đại Áng, Liên Ninh (thuộc huyện Thanh Trì); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Khánh Hà, Duyên Thái (thuộc huyện Thường Tín).
- Trụ sở Đảng ủy xã Ngọc Hồi
Số 189 Đường Vĩnh Khang, xã Ngọc Hồi (địa chỉ cũ: số 189, Đường Vĩnh Khang, thôn Yên Kiện, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì)
- Trụ sở UBND xã Ngọc Hồi
Thôn Đại Áng, xã Ngọc Hồi (địa chỉ cũ: thôn Đại Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì)
[5] Xã Thanh Liệt được thành lập trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Thanh Liệt, Tân Triều (thuộc huyện Thanh Trì); một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Tả Thanh Oai (thuộc huyện Thanh Trì); các phường: Đại Kim (thuộc quận Hoàng Mai); Hạ Đình, Thanh Xuân Bắc (thuộc quận Thanh Xuân); Văn Quán (thuộc quận Hà Đông).
- Trụ sở Đảng ủy phường Thanh Liệt
Thôn Trang, phường Thanh Liệt (địa chỉ cũ: thôn Trang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì)
- Trụ sở UBND phường Thanh Liệt
Thôn Triều Khúc, phường Thanh Liệt (địa chỉ cũ: Thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì).
>>> Xem thêm một số tin rao bán bất động sản Thanh Trì Hà Nội: Tại đây
Địa chỉ trụ sở xã mới Thanh Trì Hà Nội? Cấp xã được giao những thẩm quyền gì trong lĩnh vực đất đai từ ngày 1 7? (Hình từ Internet)
Cấp xã được giao những thẩm quyền gì trong lĩnh vực đất đai từ ngày 1 7?
[1] UBND cấp xã có quyền cấp sổ đỏ
Căn cứ điểm h khoản 1 Điều 5 Nghị định 151/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, quy định như sau:
Điều 5. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai chuyển giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện, bao gồm:
[...]
h) Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 136 và điểm d khoản 2 Điều 142 Luật Đất đai;
[...]
Theo đó, từ 01/7/2025 UBND cấp xã có quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trong một số trường hợp nhất định:
- Đối tượng: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định.
- Điều kiện: Đất không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch, không vi phạm pháp luật về đất đai.
Lưu ý: Trước ngày 01/7/2025, việc cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
[2] Thẩm quyền về đất đai do UBND cấp huyện chuyển giao cho Chủ tịch UBND cấp xã
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 151/2025/NĐ-CP, một số nội dung quan trọng về thẩm quyền do UBND cấp huyện chuyển giao cho Chủ tịch UBND cấp xã như:
(i) Phê duyệt phương án sử dụng đất
- Đối với đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế (theo khoản 6 Điều 45 Luật Đất đai 2024).
- Đối với đất lúa của cá nhân (theo khoản 7 Điều 45 Luật Đất đai 2024).
(ii) Quyết định và thông báo thu hồi đất
- Quyết định thu hồi đất theo khoản 2 Điều 83, điểm b khoản 3, khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 87 và khoản 7 Điều 91 Luật Đất đai 2024;
- Thông báo thu hồi đất theo điểm a khoản 2 Điều 87 Luật Đất đai 2024.
(iii) Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (theo điểm c khoản 3 Điều 87 Luật Đất đai 2024).
(iv) Phê duyệt phương án và kinh phí cưỡng chế thu hồi đất (theo điểm b khoản 5 Điều 89 Luật Đất đai 2024).
[3] Thẩm quyền về đất đai của UBND cấp xã: Quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất
Căn cứ Điều 10 Nghị định 151/2025/NĐ-CP, UBND cấp xã có quyền:
- Giao đất không thu tiền sử dụng đất (theo Điều 118 Luật Đất đai 2024).
- Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với cá nhân hoặc cộng đồng dân cư (theo Điều 123 và Điều 178 Luật Đất đai 2024).
[4] Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại cấp xã
Căn cứ Phần VIII Phụ lục I Nghị định 151/2025/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai khi:
- Các bên không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất;
- Không đủ điều kiện khởi kiện ra Tòa án.
Thời hạn giải quyết: Tối đa 45 ngày kể từ ngày thụ lý (có thể gia hạn thêm 10 ngày với xã miền núi, biên giới, hải đảo…).
[5] Trách nhiệm của cấp xã trong quản lý Nhà nước về đất đai
(i) Đối với UBND cấp xã
Theo Điều 14 Nghị định 151/2025/NĐ-CP, trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai đối với UBND cấp xã như sau:
- Cho ý kiến về quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
- Lập, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp xã.
- Quản lý thông tin hồ sơ địa chính, cập nhật biến động đất đai.
- Tham gia hòa giải tranh chấp đất đai.
(ii) Đối với Chủ tịch UBND cấp xã
Theo Điều 15 Nghị định 151/2025/NĐ-CP, trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai đối với Chủ tịch UBND cấp xã như sau:
- Tổ chức cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thu hồi đất, trưng dụng đất.
- Phê duyệt và tổ chức thực hiện cưỡng chế hành vi vi phạm pháp luật đất đai.
- Tham gia Hội đồng xác định giá đất cụ thể tại địa phương.
- Xử lý, ngăn chặn vi phạm trong sử dụng đất.
Nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai được quy định ra sao?
Tại Điều 2 Nghị định 151/2025/NĐ-CP quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai như sau:
(1) Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp; phù hợp với các nguyên tắc, quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp của Luật Tổ chức Chính phủ 2025, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025.
(2) Bảo đảm phân quyền nhiệm vụ, phân cấp triệt để các nhiệm vụ giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ, quyền điều hành của người đứng đầu Chính phủ đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai.
(3) Bảo đảm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô; xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.
(4) Bảo đảm phân định rõ thẩm quyền giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân; phân định rõ thẩm quyền chung của Ủy ban nhân dân và thẩm quyền riêng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và năng lực của cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, phân cấp.
(5) Bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, không bỏ sót hoặc chồng lấn, giao thoa nhiệm vụ; bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan; đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương; ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
(6) Bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các thủ tục theo quy định của pháp luật.
(7) Bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(8) Nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được phân quyền, phân cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định.