Cầu Rạch Dơi mới dự kiến khởi công khi nào? Đất xây dựng cầu Rạch Dơi tại TP HCM thuộc nhóm đất gì?
Nội dung chính
Cầu Rạch Dơi mới dự kiến khởi công khi nào?
Dự án cầu Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương là một trong các dự án sẽ được TPHCM ưu tiên đầu tư thời gian tới để tăng kết nối với tỉnh Long An.
Cầu Rạch Dơi hiện hữu được xây dựng trước năm 1975, sau nhiều năm khai thác đã xuống cấp nghiêm trọng. Các trụ sắt của cầu đã bị gỉ sét, nhiều vị trí bị thủng lỗ, trong khi lưu lượng xe cộ, bao gồm cả xe tải chở hàng nặng, vẫn liên tục qua lại.
Bên dưới cầu, tàu thuyền, sà lan chở đầy cát và hàng hóa thường xuyên di chuyển qua lại. Đáng lo ngại, một số sà lan cỡ lớn vẫn cố luồn lách qua cầu, làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông.
Dự án xây cầu Rạch Dơi mới đã được HĐND TPHCM thông qua từ năm 2016 với tổng mức đầu tư 781 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn trong cân đối ngân sách, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai.
Theo kế hoạch, cầu Rạch Dơi sẽ có chiều dài khoảng 452m, rộng 15m. Phần đường dẫn dài khoảng 300m, rộng 29m.
Đoạn qua địa phận TPHCM có chi phí giải phóng mặt bằng là 265 tỉ đồng. Trong khi đoạn qua tỉnh Long An có kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 85 tỷ đồng do địa phương này đảm nhận.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM đang phấn đấu khởi công cầu Rạch Dơi vào cuối năm 2025.
Như vậy, cầu Rạch Dơi mới dự kiến khởi công vào cuối năm 2025.
Cầu Rạch Dơi mới dự kiến khởi công khi nào? Đất xây dựng cầu Rạch Dơi tại TP HCM thuộc nhóm đất gì? (Hình từ internet)
Công trình xây dựng theo tuyến có được miễn giấy phép xây dựng không?
Việc miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng theo tuyến được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) như sau:
Điều 89. Quy định chung về cấp giấy phép xây dựng
[...]
2. Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:
[...]
e) Công trình xây dựng nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
g) Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật này;
h) Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
i) Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;
[...]
Như vậy, theo quy định trên thì công trình xây dựng theo tuyến thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng nếu công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đất xây dựng cầu Rạch Dơi tại TP HCM thuộc nhóm đất gì?
Căn cứ tại điểm e khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định về phân loại đất như sau:
Điều 9. Phân loại đất
[...]
3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
[...]
e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;
Bên cạnh đó, căn cứ tại điểm a khoản 6 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết loại đất công trình giao thông bao gồm:
- Đường ô tô cao tốc, đường ô tô, đường trong đô thị, đường nông thôn (kể cả đường tránh, đường cứu nạn và đường trên đồng ruộng phục vụ nhu cầu đi lại chung của mọi người),
- Điểm dừng xe, điểm đón trả khách, trạm thu phí giao thông, công trình kho bãi, nhà để xe ô tô, bãi đỗ xe; bến phà, bến xe, trạm thu phí, trạm dừng nghỉ;
- Các loại hình đường sắt, nhà ga đường sắt; đường tàu điện; các loại cầu, hầm phục vụ giao thông; công trình đường thủy nội địa, công trình hàng hải;
- Cảng hàng không, kể cả đất xây dựng trụ sở các cơ quan nhà nước hoạt động thường xuyên và đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, khu vực cất, hạ cánh và sân đỗ tàu bay; tuyến cáp treo và nhà ga cáp treo;
- Cảng cá, cảng cạn; các công trình trụ sở, văn phòng, cơ sở kinh doanh dịch vụ trong ga, cảng, bến xe; hành lang bảo vệ an toàn công trình giao thông mà phải thu hồi đất để lưu không;
- Các kết cấu khác phục vụ cho hoạt động giao thông vận tải và các công trình, hạng mục công trình khác theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải;
Như vậy, đất xây dựng cầu Rạch Dơi tại TP HCM là đất công trình giao thông thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.