Định nghĩa về Hometel? Hometel thuộc loại hình cơ sở lưu trú du lịch nào?
Nội dung chính
Định nghĩa về Hometel
Hometel, hay Home-tel, là sự kết hợp giữa "Home" (nhà ở) và "Hotel" (khách sạn), một loại hình bất động sản độc đáo. Hometel là căn hộ hoặc nhà ở tích hợp đầy đủ các tiện nghi và dịch vụ đạt tiêu chuẩn khách sạn 5 sao cao cấp, nhưng có quy mô nhỏ hơn so với khách sạn truyền thống.
*Đặc điểm nổi bật của Hometel
- Tính linh hoạt: Hometel có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, vừa là nơi ở lâu dài như căn hộ thông thường, vừa có thể cho thuê ngắn hạn như khách sạn để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách.
- Tiện nghi và dịch vụ: Hometel được trang bị đầy đủ các tiện nghi cao cấp như hồ bơi, phòng gym, spa, nhà hàng, khu vui chơi giải trí... và cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp như lễ tân, dọn phòng, hỗ trợ khách hàng 24/7.
- Quyền sở hữu: Người sở hữu Hometel có quyền sử dụng và quyết định hoàn toàn đối với tài sản của mình, bao gồm cả việc cho thuê hoặc bán lại.
- Thời hạn sở hữu: Hometel thường có thời hạn sở hữu lâu dài, tương tự như căn hộ chung cư.
Định nghĩa về Hometel. Hometel thuộc loại hình cơ sở lưu trú du lịch nào? (Hình từ Internet)
Hometel thuộc loại hình cơ sở lưu trú du lịch nào?
Căn cứ Điều 21 Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định:
Các loại hình cơ sở lưu trú du lịch
1. Khách sạn: Cơ sở lưu trú du lịch bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch; bao gồm: Khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường, khách sạn nổi và khách sạn thành phố.
a) Khách sạn nghỉ dưỡng: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ, ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp;
b) Khách sạn bên đường: Cơ sở lưu trú du lịch gần đường giao thông, có bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài;
c) Khách sạn nổi: Cơ sở lưu trú du lịch neo đậu trên mặt nước và có thể di chuyển khi cần thiết;
d) Khách sạn thành phố: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng tại các đô thị phục vụ khách du lịch.
2. Biệt thự du lịch: Biệt thự có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê và có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.
3. Căn hộ du lịch: Căn hộ có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.
4. Tàu thủy lưu trú du lịch: Phương tiện vận tải thủy có phòng ngủ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch.
5. Nhà nghỉ du lịch: Cơ sở lưu trú có trang thiết bị, tiện nghi cần thiết phục vụ khách du lịch.
6. Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê: Nhà ở có khu vực được bố trí trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú; khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà.
7. Bãi cắm trại du lịch: Khu vực được quy hoạch ở nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có kết cấu hạ tầng, có cơ sở vật chất và dịch vụ cần thiết phục vụ khách cắm trại.
Như đã trình bày, Hometel đa dạng trong loại hình bất động sản, có thể là căn hộ hoặc cả nhà ở. Tuy vậy, Hometel là nhà ở vẫn chiếm số lượng rất nhiều, nên đối với Hometel là nhà ở thì ta có thể xem nó là loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.
Như vậy, Hometel có thể là căn hộ du lịch hoặc là nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.
Kiểm tra, giám sát điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch (hometel) như thế nào?
Căn cứ Điều 29 Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định kiểm tra, giám sát điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch (hometel) như sau:
- Trước khi đi vào hoạt động chậm nhất 15 ngày, cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản tới Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có cơ sở lưu trú du lịch về những nội dung sau:
+ Tên, loại hình, quy mô cơ sở lưu trú du lịch;
+ Địa chỉ cơ sở lưu trú du lịch, thông tin về người đại diện theo pháp luật;
+ Cam kết đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định tại Điều 49 Luật Du lịch 2017 và Nghị định 168/2017/NĐ-CP.
- Căn cứ kế hoạch công tác được phê duyệt hoặc trong trường hợp đột xuất theo quy định của pháp luật, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm tổ chức kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc công tác kiểm tra, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải gửi thông báo bằng văn bản về kết quả kiểm tra đến cơ sở lưu trú du lịch.
Trường hợp cơ sở lưu trú du lịch không đáp ứng điều kiện tối thiểu tương ứng với loại hình cơ sở lưu trú du lịch theo quy định tại Nghị định 168/2017/NĐ-CP, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu cơ sở lưu trú du lịch bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng điều kiện tối thiểu hoặc thay đổi loại hình cơ sở lưu trú du lịch phù hợp. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng điều kiện tối thiểu hoặc thay đổi loại hình cơ sở lưu trú du lịch.
- Trong trường hợp cơ sở lưu trú nộp hồ sơ đề nghị xếp hạng cùng thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh thì cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Du lịch 2017 kết hợp kiểm tra điều kiện tối thiểu và thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.