Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Bộ Y tế - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Toà án nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu | Khongso |
Ngày ban hành | 19/10/2017 |
Ngày có hiệu lực | |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Cơ quan ban hành | Bộ Công An,Bộ Quốc phòng,Bộ Tư pháp,Bộ Y tế,Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Người ký | ***,Lê Quý Vương |
Lĩnh vực | Dịch vụ pháp lý,Trách nhiệm hình sự |
BỘ CÔNG AN -
BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TƯ PHÁP - BỘ Y TẾ - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TOÀ
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2017/TTLT-BCA-BQP-BTP-BYT-VKSNDTC-TANDTC |
Hà Nội, ngày tháng năm 2017 |
DỰ THẢO 2 |
|
HƯỚNG DẪN VỀ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
Căn cứ Luật giám định tư pháp năm 2012;
Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về hoạt động giám định tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về một số hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.
Thông tư liên tịch này hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về hoạt động giám định tư pháp.
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cá nhân, tổ chức giám định tư pháp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.
Điều 3. Giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể
1. Khi xảy ra các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, liên quan đến thương tích, tổn hại sức khỏe của người bị hại, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải khẩn trương thu thập các thông tin, tài liệu có liên quan đến thương tích, tổn hại sức khỏe của người bị hại như: lập biên bản xem xét dấu vết thân thể, biên bản mô tả về thương tích, chụp ảnh vết thương… để làm căn cứ giải quyết sau này. Đưa ngay người bị thương tích, tổn hại sức khỏe đến cơ sở khám, chữa bệnh nếu người đó chưa vào cơ sở khám, chữa bệnh để điều trị.
2. Thời điểm giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể:
a) Việc giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể được tiến hành ngay sau khi người bị thương tích hoặc bị gây tổn hại về sức khỏe đã được điều trị ổn định do cơ sở khám, chữa bệnh xác nhận.
Trường hợp để đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ án cơ quan có thẩm quyền có thể trưng cầu giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể tạm thời đối với người bị thương tích, người bị gây tổn hại về sức khỏe khi người đó vừa bị xâm hại hoặc đang điều trị. Quyết định trưng cầu giám định yêu cầu kết luận về tỷ lệ tổn thương cơ thể ở mức tối thiểu và mức tối đa có thể đối với thương tích hoặc tổn hại sức khỏe. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sử dụng kết luận về tỷ lệ tổn thương cơ thể ở mức tối thiểu làm căn cứ ban đầu để giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc vụ án hình sự.
Ví dụ: tổn thương xương ức biến dạng lồng ngực nhiều, tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 16-20% thì kết luận tỷ lệ thương tật mức tối thiểu là 16% và mức tối đa là 20%, cơ quan tiến hành tố tụng lấy tỉ lệ thương tật là 16% làm căn cứ ban đầu để giải quyết...
3. Giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể trong trường hợp người bị hại từ chối đi giám định:
Trường hợp người bị thương tích, người bị tổn hại về sức khỏe hoặc người đại diện của họ có văn bản từ chối không đi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể mà có nghi ngờ tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe do hành vi vi phạm cấu thành tội phạm khác không thuộc các tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139 Bộ luật hình sự 2015 thì Cơ quan điều tra phối hợp với người có chứng chỉ hành nghề thuộc cơ sở khám, chữa bệnh đã điều trị cho người bị hại hoặc người giám định tư pháp căn cứ hồ sơ bệnh án do cơ sở khám, chữa bệnh cấp, đối chiếu với bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể áp dụng trong giám định pháp y theo quy định của pháp luật hiện hành để xác định tỷ lệ thương tật theo hướng có lợi cho người đã gây thương tích, tổn hại sức khỏe (xem ví dụ tại điểm a khoản 2 Điều này).
Sau khi đối chiếu xác định hành vi không cấu thành tội phạm hoặc cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139 Bộ luật hình sự 2015 mà không có yêu cầu của người bị hại thì quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Nếu có cơ sở nghi ngờ hành vi vi phạm cấu thành tội phạm khác (không thuộc các tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139 Bộ luật hình sự 2015) thì triệu tập người bị thương tích hoặc tổn hại về sức khỏe đến trụ sở Cơ quan điều tra, giải thích cho họ về quy định pháp luật có liên quan, yêu cầu họ giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể để xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, nếu có thể thì kết hợp với cơ quan giám định tiến hành giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể ngay tại trụ sở Cơ quan điều tra. Trường hợp người bị thương tích hoặc tổn hại về sức khỏe vẫn từ chối giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể thì tiến hành trưng cầu giám định thương tích trên cơ sở hồ sơ bệnh án do cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp và các thông tin, tài liệu thu thập được về người bị gây thương tích hoặc tổn hại về sức khỏe (như ảnh chụp vết thương, biên bản xem xét thân thể, biên bản mô tả về thương tích…). Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sử dụng kết quả giám định này làm căn cứ tạm thời để giải quyết vụ án. Việc giám định thương tật trên hồ sơ bệnh án được tiến hành theo hướng có lợi cho người đã gây thương tích, tổn hại sức khỏe.
Điều 4. Giám định xác định tuổi
1. Nếu tuổi của người bị buộc tội, người bị hại có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó thì phải trưng cầu giám định tuổi.
2. Trường hợp có tài liệu xác định thời gian sinh hoặc có kết luận giám định tuổi nhưng chưa xác định rõ ngày, tháng sinh của người bị buộc tội, người bị hại thì xác định như sau:
a) Nếu xác định được tháng cụ thể, nhưng không xác định được ngày nào trong tháng đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh để xem xét trách nhiệm hình sự;
b) Nếu xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong quý đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng của quý đó làm ngày sinh để xem xét trách nhiệm hình sự;
c) Nếu xác định được cụ thể nửa đầu năm nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong nửa đầu năm thì lấy ngày 30 tháng 6 của năm đó làm ngày sinh để xem xét trách nhiệm hình sự;
d) Nếu xác định được cụ thể nửa cuối năm nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong nửa cuối năm thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh để xem xét trách nhiệm hình sự;
đ) Nếu không xác định được nửa năm nào, quý nào, tháng nào trong năm thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh để xem xét trách nhiệm hình sự.