Thông tư liên tịch 71/2014/TTLT-BTC-BNV về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước do Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 71/2014/TTLT-BTC-BNV
Ngày ban hành 30/05/2014
Ngày có hiệu lực 18/07/2014
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Công Nghiệp,Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH -
BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/2014/TTLT-BTC-BNV

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2014

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ SỬ DỤNG KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước như sau:

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính (sau đây gọi là chế độ tự chủ) đối với các cơ quan nhà nước trực tiếp sử dụng kinh phí quản lý hành chính do ngân sách nhà nước cấp, có tài khoản và con dấu riêng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao biên chế và kinh phí quản lý hành chính (sau đây gọi là cơ quan thực hiện chế độ tự chủ), thuộc các cơ quan:

a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

b) Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước.

c) Tòa án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

d) Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

đ) Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

e) Các cơ quan hành chính khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập.

g) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

2. Các cơ quan thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được cơ quan có thẩm quyền giao biên chế và kinh phí quản lý hành chính căn cứ vào chế độ tự chủ quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này để xem xét tự quyết định việc thực hiện chế độ tự chủ.

3. Các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được ngân sách nhà nước cấp kinh phí quản lý hành chính không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư này.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Cơ quan thực hiện chế độ tự chủ phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

1. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2. Không tăng kinh phí quản lý hành chính được giao, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư này.

3. Quản lý, sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện công khai, dân chủ và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động.

Chương 2

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

[...]