Thông tư liên tịch 27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 28/10/2010
Ngày có hiệu lực 12/12/2010
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo,Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Đàm Hữu Đắc,Bùi Văn Ga
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2010

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG TỪ TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP NGHỀ, CAO ĐẲNG NGHỀ LÊN TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG VÀ ĐẠI HỌC

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ - CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ - CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ - CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học, bao gồm: đối tượng, điều kiện đào tạo liên thông và thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học; nhiệm vụ và quyền hạn của các trường trong đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học; nhiệm vụ và quyền của người học.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề (sau đây gọi chung là trường).

Chương II

ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG VÀ THẨM QUYỀN GIAO NHIỆM VỤ ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG TỪ TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP NGHỀ, CAO ĐẲNG NGHỀ LÊN TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, ĐẠI HỌC

Điều 2. Đối tượng tuyển sinh đào tạo liên thông

Những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề cùng ngành nghề đào tạo được dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông lên trình độ cao đẳng và đại học theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, nếu chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở phải học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa trung học phổ thông đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 3. Tuyển sinh đào tạo liên thông

Công tác tuyển sinh đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học được thực hiện theo quy định hiện hành về đào tạo liên thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 4. Điều kiện đào tạo liên thông

Trường cao đẳng, trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học phải bảo đảm các điều kiện sau:

1. Có quyết định giao nhiệm vụ mở ngành trình độ cao đẳng, đại học đối với những ngành đăng ký đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Có quyết định thông báo chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

3. Đã xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học theo quy định hiện hành về đào tạo liên thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Có quyết định cho phép đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học của cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

Điều 5. Hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông

Hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông gồm có:

1. Tờ trình đăng ký đào tạo liên thông. Nội dung tờ trình phải nêu rõ ngành và trình độ đăng ký đào tạo liên thông; nhu cầu đào tạo; tổ chức quá trình đào tạo; tiêu chí, hình thức và điều kiện tuyển sinh; dự kiến chỉ tiêu đào tạo; điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và những cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo.

2. Bản sao hợp lệ các quyết định giao nhiệm vụ mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học hệ chính quy đối với những ngành đăng ký đào tạo liên thông.

3. Bảng đối chiếu chương trình đào tạo của các nghề ở trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề với chương trình đào tạo của các ngành tương ứng ở trình độ cao đẳng, đại học để làm căn cứ xây dựng chương trình đào tạo liên thông.

4. Chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học của ngành đào tạo.

5. Thuyết minh các điều kiện bảo đảm chất lượng về đội ngũ giảng viên, kỹ thuật viên và nhân viên thí nghiệm cơ hữu; số lượng và diện tích giảng đường, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thư viện, giáo trình, sách tham khảo; các loại máy móc thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo.

[...]