Thông tư liên tịch 22-LB/TT năm 1968 quy định tiêu chuẩn biên chế các trường Trung học chuyên nghiệp sư phạm do Bộ Nội vụ-Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp-Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 22-LB/TT
Ngày ban hành 10/12/1968
Ngày có hiệu lực 10/12/1968
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp,Bộ Giáo dục,Bộ Nội vụ
Người ký Hoàng Xuân Tuỳ,Lê Liêm,Tô Quang Đẩu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP-BỘ GIÁO DỤC-BỘ NỘI VỤ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-LB/TT

Hà Nội , ngày 10 tháng 12 năm 1968

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ NỘI VỤ - ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP - GIÁO DỤC SỐ 22/TT-LB NGÀY 10-12-1968 VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN BIÊN CHẾ CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP SƯ PHẠM

Thi hành Chỉ thị số 53-TT/VG ngày 27-5-1968 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các trường Đại học và trung học chuyên nghiệp, căn cứ thông tư số 7/LB ngày 13-5-1968 của Liên bộ Nội vụ - Đại học và Trung học chuyên nghiệp hướng dẫn thực hiện chỉ thị trên, nay liên Bộ Nội vụ - Đại học và Trung học chuyên nghiệp - Giáo dục ban hành thông tư này quy định tiêu chuẩn biên chế cho các trường trung học chuyên nghiệp sư phạm.

I- MỤC ĐÍCH

Mục đích của việc quy định tiêu chuẩn biên chế lần này nhằm:

- Tăng cường đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các trường Trung học chuyên nghiệp sư phạm, tạo điều kiện cần thiết để người thầy giáo không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của ngành. Làm cho trường Trung học chuyên nghiệp sư phạm thể hiện được đặc điểm của mình là công nghiệp nặng của ngành, là nơi đào tạo những người thầy cho thế hệ trẻ tương lai, thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta.

- Làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên; đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. - Làm cơ sở cho việc lập kế hoạch lao động và quản lý lao động được tốt nhằm không ngừng nâng cao hiệu suất lao động.

II- NHỮNG CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN

A/ ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN

1- Giờ giảng dạy trên lớp của giáo viên.

- Các trường ở miền xuôi:

+ Mỗi tuần giảng dạy trên lớp 10 giờ:

Giáo viên dạy các môn: Văn, Giáo dục học, Chính trị.

+ Mỗi tuần giảng dạy trên lớp 12 giờ:

Giáo viên dạy các môn: Toán, Vật lý, Hoá, Lịch sử, Địa lý, Sinh vật,

Kỹ thuật Nông nghiệp, Nhạc.

+ Mỗi tuần giảng trên lớp 14 giờ:

Giáo viên dạy các môn: Thể dục, Hoạ, nữ công, mộc, rèn.

- Các trường ở miền núi:

Do tình hình, đặc điểm ở miền núi có khác với miền xuôi, giáo viên tất cả các bộ môn mỗi tuần được giảm 2 giờ giảng dạy trên lớp so với giáo viên giảng dạy cùng môn ấy ở các trường sư phạm miền xuôi.

2- Số giờ giáo viên làm các công tác kiêm nhiệm:

- Làm giáo viên chủ nhiệm lớp mỗi tuần được trừ 3 giờ giảng dạy.

- Làm tổ trưởng chuyên môn mỗi tuần được trừ 2 giờ giảng dạy.

- Phụ trách ngoại khoá môn lao động toàn trường, phụ trách ngoại khoá môn văn nghệ toàn trường mỗi tuần được trừ 2 giờ giảng dạy.

Trung bình giờ giảng dạy (kể cả công tác tổ trưởng và chủ nhiệm) các trường ở miền núi mỗi tuần 8 giờ, các trường ở miền xuôi mỗi tuần là 9 giờ 30.

3- Số giờ học trên lớp của giáo sinh:

-Mỗi tuần học trên lớp 26 giờ.

- Mỗi năm học 34 tuần. 4- Quy mô trường lớp:

[...]