Thông tư 01/TT 1977 về chế độ tập sự và tuyển vào biên chế cho những giáo viên được đào tạo sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng do Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 01/TT
Ngày ban hành 13/01/1977
Ngày có hiệu lực 13/01/1977
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Hồ Trúc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/TT

Hà Nội, ngày 13 tháng 1 năm 1977

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 01/TT NGÀY 13 THÁNG 01 NĂM 1977 HƯỚNG DẪN VỀ CHẾ ĐỘ TẬP SỰ VÀ TUYỂN VÀO BIÊN CHẾ CHO NHỮNG GIÁO VIÊN ĐƯỢC ĐÀO TẠO SAU NGÀY MIỀN NAM HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục trong vùng giải phóng, thời gian qua, các tỉnh, thành phố phía Nam đã đào tạo một đội ngũ giáo viên cho các trường phổ thông theo chương trình của Bộ Giáo dục quy định.

Nay Bộ Giáo dục, với sự thoả thuận của Bộ Lao động (tại công văn số 1729-LĐ/LHCSN ngày 7-12-1976), hướng dẫn chế độ tập sự, tuyển vào biên chế và xếp lương cho những giáo viên được đào tạo sau giải phóng, như sau:

I- MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Mọi giáo viên được đào tạo và tạm tuyển sau ngày giải phóng (30-4-1975) nhất thiết phải qua một thời gian tập sự nghề nghiệp nhằm tiếp tục học tập về đường lối, quan điểm giáo dục của Đảng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, tiến tới làm tốt hơn nữa công tác giáo dục và giảng dạy.

Đối với các cơ quan quản lý giáo dục và các trường học, đây là thời gian để trực tiếp giúp đỡ và đánh giá một cách toàn diện đối với người giáo viên tập sự trước khi tuyển vào biên chế chính thức.

II- NỘI DUNG TẬP SỰ

Trong thời gian tập sự, người giáo viên sẽ thực hiện những nội dung công việc sau đây:

1. Người giáo viên phải luôn luôn cố gắng rèn luyện bản thân về tư cách đạo đức, tác phong công tác, hăng say lao động, khiêm tốn học hỏi anh chị em giáo viên có nhiều kinh nghiệm, tích cực tham gia công tác xây dựng nhà trường, không ngừng học tập và bồi dưỡng để nâng cao nhận thức về đường lối, quan điểm giáo dục của Đảng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

2. Thực hiện công tác giáo dục và giảng dạy đối với học sinh một cách toàn diện: giảng dạy trên lớp, làm chủ nhiệm lớp, tổ chức và hướng dẫn học sinh tham gia lao động sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội và sinh hoạt tập thể.

3. Tìm hiểu để nắm được chức năng, nhiệm vụ của trường học, của các tổ chức và các thành viên trong nhà trường; tìm hiểu tình hình kinh tế, chính trị và phong tục, tập quán của địa phương trường đóng.

III- THỜI GIAN TẬP SỰ, CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG TRONG VÀ SAU THỜI GIAN TẬP SỰ

1. Thời gian tập sự:

a) Đối với những giáo viên được đào tạo sau ngày giải phóng theo đúng tiêu chuẩn quy định tại chỉ thị 221/CT-TW ngày 17-6-1975 của Ban Bí thư trung ương Đảng thì áp dụng chế độ tập sự như quy định tại quyết định 256/TTg ngày 15-7-1975 của Thủ tướng Chính phủ cụ thể là:

- Giáo viên tốt nghiệp trung học sư phạm, tập sự 18 tháng;

- Giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, tập sự 24 tháng;

- Giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm, tập sự 24 tháng.

b) Riêng đối với những giáo viên được các trường sư phạm thuộc các tỉnh, thành phố đào tạo sau ngày giải phóng, với thời gian học ngắn hơn so với thời gian quy định tại chỉ thị 221-CT/TW, thì áp dụng thời gian tập sự thống nhất như sau:

- Giáo viên cấp 1, cấp 2 tốt nghiệp trung học sư phạm (có trình độ văn hoá tốt nghiệp lớp 12 phổ thông hay tú tài toàn phần được đào tạo trong các trường sư phạm trên dưới một năm học) tập sự 18 tháng.

- Giáo viên cấp 1 tốt nghiệp sơ học sư phạm (có trình độ văn hoá chưa tốt nghiệp lớp 12 phổ thông hay tú tài toàn phần trở xuống, được đào tạo trong các trường sư phạm trên dưới một năm học) tập sự 9 tháng (một năm học).

2- Chế độ tiền lương:

a) Trong thời gian tập sự, giáo viên được hưởng 85% lương khởi điểm của bậc lương giáo viên phổ thông hiện nay.

b) Sau khi hết thời gian tập sự, được công nhận chính thức thì giáo viên được hưởng 100% lương khởi điểm:

- 36 đồng cho giáo viên cấp 1 tốt nghiệp sơ học sư phạm, nếu trước khi vào học sư phạm có trình độ văn hoá lớp 9 phổ thông (hệ 12 năm) trở xuống, và 40 đồng nếu có trình độ văn hoá chưa tốt nghiệp lớp 12 phổ thông hay tú tài toàn phần trở xuống.

- 45 đồng cho giáo viên cấp 1, cấp 2 tốt nghiệp trung học sư phạm, nếu có thời gian đào tạo dưới 9 tháng (một năm học) và 50 đồng, nếu có thời gian đào tạo từ 9 tháng (một năm học) trở lên (kể cả học sinh tốt nghiệp hệ 9 + 3).

- 55 đồng cho giáo viên cấp 2 tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

- 60 đồng cho giáo viên cấp 3 tốt nghiệp đại học sư phạm.

[...]