Thông tư liên tịch 22/1999/TTLT-BLĐTBXH-BTC về việc quyết toán tiền lương theo thực tế thực hiện bình quân từ trên 2 lần đến 3 lần mức tiền lương bình quân chung của các Doanh nghiệp được giao đơn giá tiền lương do Bộ Lao động,thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 22/1999/TTLT-BLĐTBXH-BTC
Ngày ban hành 18/09/1999
Ngày có hiệu lực 18/09/1999
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính
Người ký Lê Duy Đồng,Trần Văn Tá
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/1999/TTLT-BLĐTBXH-BTC

Hà Nội , ngày 18 tháng 9 năm 1999

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TÀI CHÍNH SỐ 22/1999/TTLT-BLĐTBXH-BTC NGÀY 18 THÁNG 9 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN QUYẾT TOÁN TIỀN LƯƠNG THEO THỰC TẾ THỰC HIỆN BÌNH QUÂN TỪ TRÊN 2 LẦN ĐẾN 3 LẦN MỨC TIỀN LƯƠNG BÌNH QUÂN CHUNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP ĐƯỢC GIAO ĐƠN GIÁ TIỀN LƯƠNG

Thi hành khoản 2, Điều 5, Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 của Chính phủ và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 753/VPCP-VX ngày 22/7/1999 của Chính phủ, Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn việc quyết toán tiền lương theo thực tế thực hiện bình quân từ trên 2 lần đến 3 lần mức tiền lương bình quân chung của các doanh nghiệp được giao đơn giá tiền lương như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp nhà nước được giao đơn giá tiền lương quy định tại Thông tư số 13/LĐTBXH-TT ngày 10/4/1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 của Chính phủ về việc đổi mới quản lý tiền lương và thu nhập trong các doanh nghiệp nhà nước.

II. ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG

Các doanh nghiệp khi quyết toán quỹ tiền lương thực hiện theo đơn giá do cơ quan có thẩm quyền đã thẩm định, có mức tiền lương thực tế thực hiện bình quân cao hơn 2 lần mức tiền lương bình quân chung của các doanh nghiệp được giao đơn giá tiền lương, có đủ các điều kiện dưới đây được quyết toán theo thực tế thực hiện nhưng không vượt quá 3 lần mức tiền lương bình quân chung của các doanh nghiệp được giao đơn giá tiền lương:

1/ Đơn giá tiền lương của doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý đã thẩm định phải gắn với chỉ tiêu kế hoạch nộp ngân sách nhà nước và lợi nhuận không thấp hơn năm trước liền kề.

2/ Có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại (tính theo số lao động làm ngành, nghề sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số lao động của doanh nghiệp) quy định tại các bản danh mục " Nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm" và "Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm" ban hành kèm theo các Quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3/ Hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, vượt mức kế hoạch nộp ngân sách từ 5% trở lên và lợi nhuận vượt từ 5% trở lên.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1/ Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị) có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

2/ Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký để xác định quỹ tiền lương thực hiện của các doanh nghiệp từ năm 1998 trở đi.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, đề nghị các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.

Lê Duy Đồng

(Đã ký)

Trần Văn Tá

(Đã ký)