Thông tư liên tịch 151/1998/TTLT-BTC-BYT hướng dẫn chế độ quản lý tài chính quỹ bảo hiểm y tế do Bộ tài chính - Bộ y tế ban hành

Số hiệu 151/1998/TTLT-BTC-BYT
Ngày ban hành 20/11/1998
Ngày có hiệu lực 01/01/1999
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Bộ Y tế
Người ký Lê Ngọc Trọng,Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Bảo hiểm,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 151/1998/TTLT-BTC-BYT

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ Y TẾ SỐ 151/1998/TTLT-BTC-BYT NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH QUỸ BẢO HIỂM Y TẾ

Căn cứ vào Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế, liên Bộ Tài chính - Y tế hướng dẫn chế độ quản lý tài chính quỹ bảo hiểm y tế như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Chế độ quản lý tài chính quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) quy định tại Thông tư này áp dụng đối với hệ thống Bảo hiểm y tế Việt Nam, bao gồm:

- Bảo hiểm y tế Việt Nam.

- Bảo hiểm y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHYT tỉnh), Bảo hiểm y tế ngành trực thuộc BHYT Việt Nam.

- Chi nhánh bảo hiểm y tế quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chi nhánh Bảo hiểm y tế huyện).

2. Quỹ BHYT được hình thành từ các nguồn: tiền đóng BHYT, một phần tiền sinh lời từ hoạt động bảo toàn, tăng trưởng quỹ và thu khác. Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống Bảo hiểm y tế Việt Nam, hạch toán độc lập với Ngân sách Nhà nước và được Nhà nước bảo hộ.

3. Quỹ BHYT dùng để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, chi quản lý bộ máy của hệ thống Bảo hiểm y tế Việt Nam.

4. Trong giai đoạn đầu, hệ thống BHYT Việt Nam được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm được duyệt.

5. Hệ thống BHYT Việt Nam mở tài khoản tiền gửi quỹ BHYT tại các Ngân hàng Thương mại quốc doanh. Số tiền dư trên các tài khoản gửi tiền của hệ thống BHYT ở ngân hàng Thương mại quốc doanh được hưởng lãi theo mức lãi suất tiền gửi quy định.

6. Tiền tạm thời nhàn rỗi (nếu có) của quỹ BHYT được mua tín phiếu, trái phiếu do Kho bạc Nhà nước, các Ngân hàng Thương mại quốc doanh phát hành và được thực hiện các biện pháp khác nhằm bảo toàn, tăng trưởng quỹ BHYT nhưng phải đảm bảo nguồn chi trả khi cần thiết.

II. QUẢN LÝ BHYT BẮT BUỘC

A. NGUỒN HÌNH THÀNH QUỸ

Quỹ BHYT bắt buộc được hình thành từ các nguồn sau đây:

- Tiền đóng BHYT của các đối tượng bắt buộc quy định tại Điều 2 của Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13/8/1998 của Chính phủ.

- Một phần tiền sinh lời từ hoạt động bảo toàn và tăng trưởng quỹ (bao gồm cả lãi tiền gửi Ngân hàng).

- Thu từ tài trợ, viện trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Lãi của số tiền chậm nộp BHYT.

- Thu khác (nếu có).

B. THU BẢO HIỂM Y TẾ

1. Thu BHYT bắt buộc theo Điều 12, Điều 13 của Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13/8/1998 của Chính phủ.

2. Cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý kinh phí của đối tượng tham gia BHYT có trách nhiệm trích trước tiền đóng BHYT phần do cơ quan, đơn vị đóng và thu tiền đóng BHYT của người lao động để nộp vào quỹ BHYT đầy đủ, kịp thời đúng quy định theo định kỳ ít nhất 3 tháng một lần. Cơ quan BHYT có thể ký hợp đồng nhờ thu BHYT với cơ quan Tài chính, cơ quan thuế và các cơ quan có liên quan. BHYT Việt Nam được hạch toán vào chi phí quản lý bộ máy của hệ thống BHYT để chi trả lệ phí thu BHYT bằng 0,1% đến 0,5% tổng số tiền thu BHYT. Tổng giám đốc BHYT Việt Nam quyết định tỷ lệ chi trả lệ phí thu BHYT đối với từng đối tượng, khu vực cụ thể. Cơ quan BHYT và cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động có thể ký hợp đồng về việc nộp tiền và cấp thẻ BHYT dài hạn nhưng phải đảm bảo không để thất thoát nguồn thu.

3. Bảo hiểm y tế các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thu BHYT của tất cả các đối tượng tham gia BHYT đúng kỳ, đủ số lượng theo đúng quy định.

4. Trường hợp cơ quan, đơn vị quản lý kinh phí, người sử dụng lao động chậm nộp tiền BHYT thì phải nộp:

- Số tiền đóng BHYT mà cơ quan, đơn vị quản lý kinh phí, người sử dụng lao động và người lao động chưa nộp. Số tiền truy thu này được chuyển vào quỹ BHYT. Trong thời gian chậm nộp thủ trưởng đơn vị phải có trách nhiệm dùng kinh phí của cơ quan đơn vị mình để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh thuộc cơ quan đơn vị mình quản lý theo giá viện phí.

- Lãi của số tiền chậm nộp tính theo lãi suất tiền vay quá hạn theo quy định của Ngân hàng Thương mại quốc doanh tại thời điểm truy nộp. Số tiền lãi này được chuyển vào quỹ dự phòng khám, chữa bệnh.

[...]