Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên tịch 13-TT/LB năm 1966 giải thích và hướng dẫn thi hành Điều lệ về kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước do Bộ Lao động- Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 13-TT/LB
Ngày ban hành 30/08/1966
Ngày có hiệu lực 14/09/1966
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Nội vụ
Người ký Nguyễn Hữu Khiếu,Ung Văn Khiêm
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-LB/TT

Hà Nội , ngày 30 tháng 8 năm 1966

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - NỘI VỤ SỐ 13-LB/TT NGÀY 30 THÁNG 8 NĂM 1966 GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG TRONG CÁC XÍ NGHIỆP, CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi:

 

Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Các Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh.

Ngày 31 tháng 12 năm 1964, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 195-CP ban hành điều lệ về kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước.

Nay liên bộ Lao động - Nội vụ, sau khi đã thống nhất ý kiến với Tổng công đoàn Việt Nam, ra Thông tư này giải thích và hướng dẫn thi hành điều lệ trên.

I- MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA, PHƯƠNG CHÂM

Kỷ luật lao động là điều kiện cần thiết để bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất và trình công tác trong các xí nghiệp, cơ quan; đồng thời nó cũng biểu hiện một cách tập trung trình độ giác ngộ về chính trị, ý thức tổ chức và tinh thần làm chủ của công nhân, viên chức.

Kỷ luật lao động được quy định thành chế độ của Nhà nước, có một ý nghĩa quan trọng về chính trị cũng như về kinh tế. Năm điều kỷ luật được ban hành là những căn cứ cụ thể để cho công nhân, viên chức phấn đấu năng suất lao động, cống hiến nhiều nhất cho chủ nghĩa xã hội, nhất là trong giai đoạn vừa sản xuất, vừa chiến đấu một cách khẩn trương để chống Mỹ, cứu nước hiện nay; đó cũng là những căn cứ cụ thể để công nhân viên chức rèn luyện trở thành con người mới và đấu tranh chống những hiện tượng thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành kế hoạch sản xuất, chương trình công tác, làm ra hàng hỏng, hàng xấu không đảm bảo phẩm chất, làm việc tuỳ tiện không phục tùng cấp trên, lãng phí nguyên vật liệu, đi muộn về sớm, chây ỳ công tác, tự do bỏ việc...

Phương châm chủ yếu của kỷ luật lao động là giáo dục cho mọi người tự giác chấp hành những điều kỷ luật và coi đó là nghĩa vụ của mình, vì vậy thủ trưởng xí nghiệp, cơ quan, tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên lao động cần phải quan tâm và không ngừng bồi dưỡng ý thức chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động cho công nhân, viên chức; mặt khác cần khen thưởng kịp thời những người có nhiều thành tích và xử lý nghiêm minh những người phạm lỗi để đề cao kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan.

II- NỘI DUNG KỶ LUẬT LAO ĐỘNG

Nội dung cụ thể của 5 điều kỷ luật lao động là:

1- "Thực hiện đúng định mức lao động, hoàn thành kế hoạch sản xuất, chương trình công tác với chất lượng tốt nhất". Yêu cầu trước hết của kỷ luật lao động là mỗi công nhân, viên chức phải thực hiện tốt nghĩa vụ lao động của mình, mà cụ thể phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Như vậy, trong sản xuất, công nhân phải đảm bảo hoàn thành định mức về số lượng và chất lượng sản phẩm, những bộ phận chưa có định mức phải hoàn thành kế hoạch sản xuất, hoặc nội dung nhiệm vụ cán bộ, nhân viên phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao và hoàn thành chương trình công tác. Những sản phẩm làm ra và công tác khi hoàn thành phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đã quy định (chất lượng tốt theo quy định của Nhà nước).

2- "Nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và chế độ trách nhiệm được quy định trong sản xuất và công tác, tôn trọng các quy phạm, quy trình về công nghệ, về kỹ thuật và an toàn lao động". Điều này đòi hỏi công nhân, viên chức phải tôn trọng tổ chức, tôn trọng những quy định của Nhà nước trong sản xuất và công tác. Cho nên công nhân, viên chức khi được chỉ thị, nghị quyết của cấp trên phải chấp hành nghiêm chỉnh, nếu thấy trở ngại không thi hành được phải báo cáo, thỉnh thị kịp thời. Trong sản xuất và công tác mỗi người phải làm đầy đủ trách nhiệm theo cương vị của mình. Các quy phạm, quy trình về công nghệ, về kỹ thuật và an toàn lao động sau khi được phổ biến và học tập, mọi người phải chấp hành một cách nghiêm chỉnh để bảo đảm chất lượng của sản phẩm, tránh lãng phí nguyên liệu, vật liệu, động lực... và tránh được tai nạn lao động.

3- Thực hiện nghiêm chỉnh nội quy xí nghiệp cơ quan, sử dụng đầy đủ và hợp lý thì giờ làm việc của Nhà nước quy định". Muốn đảm bảo cho việc thực hiện tốt các chế độ, thể lệ của Nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động, xí nghiệp, cơ quan nào cũng phải có nội quy. Nội quy xí nghiệp, cơ quan phải căn cứ vào những luật lệ, chế độ hiện hành của Nhà nước, kết hợp với tình hình cụ thể của cơ sở để xây dựng.

Ở các đơn vị sản xuất và công tác (phân xưởng, tổ sản xuất, cục, vụ, viện, phòng, v.v...) thì nội dung chủ yếu của nội quy là quy định cụ thể trách nhiệm của từng người (từ người phụ trách đến cán bộ, công nhân, nhân viên); nêu rõ lề lối làm việc và mối quan hệ giữa những người cùng đơn vị trong sản xuất và công tác. Nội quy do tập thể công nhân, viên chức trong đơn vị xây dựng và thủ trưởng ban hành, và khi đã ban hành thì mỗi người phải nghiêm chỉnh thực hiện. Công nhân, viên chức phải triệt để sử dụng thời gian làm việc Nhà nước đã quy định, không được đi muộn về sớm; trong giờ làm việc mọi người phải tận dụng đầy đủ, không để lãng phí, không được làm việc riêng, không được tự bỏ việc hoặc rời nơi làm việc của mình nếu không được phép.

Trong hoàn cảnh vừa sản xuất vừa chiến đấu hiện nay, điều kỷ luật này phải được chấp hành thật đầy đủ, hiện tượng tự do bỏ việc, nghỉ việc không xin phép phải được xử lý nghiêm khắc và kịp thời.

4- "Bảo vệ của công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nguyên liệu, vật liệu, thời gian, đề cao cảnh giác cách mạng, giữ gìn bí mật Nhà nước". Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, máy móc, nhà cửa, nguyên liệu, vật liệu v.v... đều là của công, ai cũng có trách nhiệm phải bảo vệ, không để mất mát, hư hỏng, người nào xâm phạm đều là phạm pháp. Khi sử dụng nguyên liệu, vật liệu phải sử dụng hợp lý và hết sức tiết kiệm. Nếu thấy người nào xâm phạm của công, làm lãng phí nguyên liệu, vật liệu... phải báo cáo lên cấp trên để xử lý.

Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, kẻ địch luôn luôn tìm cách phá hoại thành quả lao động của chúng ta, vì vậy mọi người đều phải đề cao cảnh giác, nếu thấy người nào có hành động xấu đáng nghi ngờ như mưu đồ phá hoại máy móc, công trình, đánh cắp tài liệu, phao tin đồn nhảm... phải báo cáo cho những người có trách nhiệm để kịp thời ngăn chặn. Công nhân, viên chức có trách nhiệm giữ bí mật tài liệu và những tin tức, số liệu có liên quan đến hoạt động xí nghiệp, cơ quan trong phạm vi quy định về bí mật Nhà nước.

5- "Giữ gìn trật tự, vệ sinh nơi làm việc". Trong sản xuất cũng như trong công tác, nơi làm việc phải có trật tự, nghĩa là không ai được làm ồn ào (ngoài yêu cầu của sản xuất và công tác), không đi lại lộn xộn làm trở ngại công việc của người khác. Máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu và các phương tiện làm việc khác trong xí nghiệp, cơ quan cần sắp xếp trật tự, gọn gàng và bảo quản tốt. Nơi làm việc, nơi sản xuất cần được giữ gìn sạch sẽ. Thủ trưởng xí nghiệp, cơ quan quy định cụ thể việc bảo quản và giữ gìn vệ sinh; có phân công người chịu trách nhiệm.

Để bảo đảm cho hoạt động của xí nghiệp, cơ quan vào nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh sản xuất và công tác, tất cả công nhân, viên chức có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh 5 điều kỷ luật kể trên. Các cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo phải gương mẫu chấp hành, đồng thời phải tổ chức lao động được hợp lý, cung cấp kịp thời những phương tiện vật chất, kỹ thuật, tài liệu cần thiết để bảo đảm sản xuất và công tác khỏi bị gián đoạn, thi hành nghiêm chỉnh những luật lệ, chế độ lao động để cải thiện điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần cho công nhân, viên chức. Đó là những điều kiện quan trọng để bảo đảm cho công nhân, viên chức thực hiện nghiêm chỉnh kỷ luật lao động xã hội chủ nghĩa.

Để cho nội dung của 5 điều kỷ luật lao động luôn luôn phù hợp với yêu cầu sản xuất, công tác và tình hình cụ thể của xí nghiệp, cơ quan, giám đốc xí nghiệp hay thủ trưởng cơ quan phải thường xuyên lấy ý kiến của quần chúng bổ sung nội quy, hoàn thiện những quy phạm, quy trình trong sản xuất hoặc những chế độ, thể lệ, chương trình công tác.

III- KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

1- Khen thưởng. Điều 4 của Điều lệ quy định "Công nhân, viên chức có nhiều thành tích trong việc chấp hành kỷ luật lao động sẽ được khen thưởng theo chế độ khen thưởng chung". Như vậy, những người có thành tích trong việc chấp hành kỷ luật lao động thể hiện trên thành tích hoàn thành vượt mức nhiệm vụ sản xuất, công tác, bảo vệ tài sản Nhà nước, có nhiều sáng kiến trong sản xuất, công tác, sẽ được khen thưởng để khuyến khích những người có thành tích từng mặt hoặc một số mặt trong việc chấp hành kỷ luật lao động. Tuỳ theo mức độ về thành tích của mỗi người, giám đốc xí nghiệp hoặc thủ trưởng cơ quan sẽ thống nhất với Ban chấp hành công đoàn để khen thưởng. Hình thức khen thưởng là biểu dương trong tổ sản xuất, trong phân xưởng, trong phòng, vụ, cục, viện, trong toàn xí nghiệp, cơ quan; cấp giấy khen, bằng khen của cơ sở, đề nghị Uỷ ban hành chính hoặc Bộ chủ quản cấp giấy khen, bằng khen, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước cấp bằng khen; nếu có thành tích lớn thì đề nghị Chính phủ tặng huân chương, v.v...

Ngoài việc khen thưởng cho cá nhân, những đơn vị có nhiều thành tích trong việc chấp hành kỷ luật lao động cũng được khen thưởng theo các hình thức kể trên. Việc biểu dương, khen thưởng đơn vị do cấp lãnh đạo trực tiếp của đơn vị quyết định, hoặc đề nghị lên trên theo chế độ phân cấp khen thưởng hiện hành.

2- Kỷ luật. Điều 5 của điều lệ quy định "Công nhân viên chức vi phạm khuyết điểm trong việc chấp hành kỷ luật lao động thì tuỳ theo mức độ sai lầm nặng hay nhẹ mà phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

1- Khiển trách.

2- Cảnh cáo.

[...]