Thông tư 11-LĐ/TT-1969 hướng dẫn Quyết định 119-CP năm 1969 về một số biện pháp bảo đảm thời gian lao động của công nhân, viên chức Nhà nước do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 11-LĐ/TT
Ngày ban hành 22/10/1969
Ngày có hiệu lực 06/11/1969
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Hữu Khiếu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 1969 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 119-CP NGÀY 19 THÁNG 07 NĂM 1969 VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỜI GIAN LAO ĐỘNG CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Ngày 19 tháng 07 năm 1969, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 119-CP về một số biện pháp bảo đảm thời gian lao động của công nhân viên chức Nhà nước. Tại quyết định trên, Hội đồng Chính phủ đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của thời gian lao động, yêu cầu cấp bách phải tiết kiệm thời gian lao động và quyết định một số biện pháp cụ thể cần thực hiện ngay để quản lý chặt chẽ thời gian lao động nhằm không ngừng nâng cao năng suất lao động.

Thông tư này hướng dẫn thực hiện quyết định trên của Hội đồng Chính phủ.

I. Ý NGHĨA QUAN TRỌNG CỦA VIỆC TIẾT KIỆM THỜI GIAN LAO ĐỘNG

Từ ngày hoà bình lập lại đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định về thời gian lao động và nghỉ ngơi của công nhân, viên chức tại những văn bản chủ yếu sau đây :

- Thông tư số 05-LĐ/TT ngày 09 tháng 03 năm 1955 và Thông tư số 16-LĐ/TT ngày 01 tháng 09 năm 1957 về thời gian làm việc tại các xí nghiệp quốc doanh và công trường ;

- Nghị định số 028-TTg ngày 28 tháng 01 năm 1959 và Thông tư số 14-TT/LB ngày 21 tháng 03 năm 1959 hướng dẫn thi hành Nghị định số 028-TTg về những ngày lễ chính thức, chế độ nghỉ phép năm và nghỉ phép về việc riêng ;

- Quyết định số số 118-TTg ngày 17 tháng 12 năm 1963 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 01-LĐ/TT ngày 01 tháng 03 năm 1965 hướng dẫn thi hành Quyết định số 118-TTg quy định việc hội họp, học tập của cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước ;

- Nghị định số 195-CP ngày 31 tháng 12 năm 1964 ban hành điều lệ kỷ luật lao động, Thông tư số 13-TT/LB ngày 30 tháng 08 năm 1966 giải thích và hướng dẫn thi hành và Thông tư số 02-TT/LB ngày 14 tháng 03 năm 1968 hướng dẫn về tăng cường kỷ luật lao động ;

- Thông tư số 05-TT/LB ngày 01 tháng 06 năm 1968 quy định những công việc có nhiều yếu tố độc hại, những công việc quá nặng nhọc không sử dụng lao động nữ và hướng dẫn thêm chế độ bảo vệ sức khoẻ nữ công nhân, viên chức.

Do việc phổ biến và tổ chức thực hiện các văn bản trên đây, nhất là về mặt sử dụng thời gian lao động, còn thiếu nghiêm chỉnh, việc kiểm tra thiếu chặt chẽ, nên việc quản lý thời gian lao động bị buông lỏng, gây ra nhiều lãng phí. Trong nhiều ngành sản xuất và xây dựng trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, kỷ luật lao động lỏng lẻo cộng thêm việc tổ chức sản xuất tổ chức lao động và tổ chức đời sống của công nhân, viên chức có nhiều thiếu sót, khó khăn, nên số ngày công thực tế, bình quân của một công nhân, viên chức cao nhất chỉ bằng khoảng 80% mức quy định. Ngày nghỉ việc, giờ ngừng việc còn nhiều. Tỷ lệ ngày nghỉ không lý do, nghỉ về việc riêng còn cao. Tình trạng hội họp, học tập trong giờ làm việc quá nhiều và trái với chế độ. Hiện tượng vi phạm kỷ luật giờ giấc như đến muộn về sớm, nghỉ giữa giờ kéo dài… còn xảy ra ở nhiều nơi. Thời gian hoạt động có ích của máy móc bị giảm sút, hạn chế việc phát huy khả năng của thiết bị. Trong khi số giờ lao động theo chế độ trong ngày chưa tận dụng hết thì nhiều cơ sở lại huy động công nhân, viên chức làm thêm giờ, làm đêm, làm thêm ca, thêm kíp, làm cho quỹ tiền lương phải chi thêm hàng triệu đồng mà còn làm mệt mọi công nhân, viên chức, nhất là vào những tháng cuối quý, cuối năm.

Tất cả những tình hình đó đã ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành kế hoạch và hạn chế việc phát huy khả năng tiềm tàng trong lao động, trong sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất lao động.

Tình hình đó đặt ra cho chúng ta một vấn đề vừa quan trọng vừa cấp bách là phải làm cho mọi người lao động, trước hết là cán bộ quản lý, quán triệt sâu sắc ý nghĩa to lớn của việc tiết kiệm thời gian lao động, đồng thời phải thi hành nhiều biện pháp tổ chức và kỹ thuật cụ thể để sử dụng đầy đủ nhất và hợp lý nhất sức lao động và thời gian lao động.

Không ngừng nâng cao năng suất lao động là quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội và cũng là mục tiêu phấn đấu cụ thể hàng ngày và cơ bản nhất của mỗi người lao động. Khôi phục năng suất lao động bằng mức trước chiến tranh - trước hết trong những ngành sản xuất chủ yếu – đang là một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất mà nhân dân lao động ta phải giải quyết để đẩy nhanh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng và đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc tiếp tục tiến lên.

Nâng cao năng suất lao động là tăng thêm được số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc giảm bớt được hao phí thời gian cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm. Vì vậy, tăng năng suất lao động là biểu hiện cụ thể của sự tiết kiệm lao động xã hội và trực tiếp gắn chặt với việc tiết kiệm thời gian lao động. Cho nên phương hướng cơ bản của mọi biện pháp tăng năng suất lao động là phải hướng mọi cố gắng vào việc tiết kiệm lao động, sử dụng thời gian làm việc đầy đủ nhất, hợp lý nhất, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Sử dụng thời gian làm việc đầy đủ, hợp lý nhất là bảo đảm độ dài ngày lao động và số ngày công lao động trong tháng, trong năm phấn đấu giảm đến mức thấp nhất thời gian ngừng việc và nghỉ việc trong sản xuất, trong công tác; quý trọng từng phút, từng giây thời gian làm việc để đạt đến kết quả lao động cao.

Sử dụng thời gian làm việc đầy đủ, hợp lý nhất có tác dụng xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tự giác lao động, tác phong nghiêm túc và lề lối làm việc khẩn trương, chính xác của giai cấp công nhân. Đó là nghĩa vụ của mỗi người cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước phải thực hiện nhằm cống hiến khả năng lao động của mình vào sự nghiệp bảo vệ đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội với hiệu suất cao.

Quản lý chặt chẽ và chấp hành nghiêm chỉnh chế độ thời gian lao động và nghỉ ngơi của công nhân, viên chức còn nhằm bảo đảm cho người lao động có thời gian cần thiết để nghỉ ngơi, tăng cường sức khoẻ, giải trí, học tập, nâng cao trình độ văn hoá, chính trị, nghiệp vụ và chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái.

Cho nên, quán triệt sâu sắc ý nghĩa to lớn của việc tiết kiệm thời gian lao động trong toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước ở các cấp, các ngành là cơ sở nhận thức bảo đảm thực hiện tốt các biện pháp trong việc sử dụng thời gian lao động đầy đủ nhất, hợp lý nhất để không ngừng nâng cao năng suất lao động.

II. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA CÁC BIỆN PHÁP TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 119-CP

a) Thời gian làm việc.

1. Quyết định của Hội đồng Chính phủ đã ghi rõ : mỗi người phải bảo đảm làm việc đủ 8 giờ một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần lễ. Đó là thời gian làm việc tiêu chuẩn.

2. Trường hợp sản xuất theo ca, hoặc do tính chất sản xuất, công tác, điều kiện thời tiết, thời vụ khẩn trương hoặc do trường hợp đột xuất khác phải phân bố lại số giờ làm việc trong ngày hoặc số giờ và số ngày làm việc trong tuần, trong tháng cho thích hợp thì tính chung phải làm việc bình quân đủ 8 giờ trong một ngày và bảo đảm đủ số ngày nghỉ theo chế độ.

3. Những trường hợp có thể làm đến 10 giờ một ngày đã được quy định tại Thông tư số 05-LĐ/TT ngày 09 tháng 03 năm 1955 về thời gian làm việc tại các xí nghiệp, công trường.

4. Những trường hợp do điều kiện lao động đặc biệt cần rút bớt thời gian làm việc hàng ngày xuống dưới 8 giờ hoặc cần có thì giờ nghỉ giải lao giữa ca, sẽ có quy định riêng.

5. Tại thời điểm bắt đầu ngày làm việc, người công nhân, viên chức đã phải có mặt và bắt đầu làm việc tại địa điểm sản xuất hoặc công tác của mình. Ví dụ : thợ tiện có mặt tại máy tiện của mình, thợ mỏ hầm lò tại cửa lò, lái xe tại nhà để xe, nhân viên kế toán tại phòng làm việc…

[...]