Thông tư liên tịch 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT hướng dẫn Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ - Ủy ban Dân tộc ban hành

Số hiệu 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT
Ngày ban hành 07/04/2008
Ngày có hiệu lực 05/05/2008
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo,Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Nội vụ,Bộ Tài chính,Uỷ ban Dân tộc
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn,Đàm Hữu Đắc,Phạm Vũ Luận,Trần Hữu Thắng,Bế Trường Thành
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ NỘI VỤ-ỦY BAN DÂN TỘC
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT

Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2008

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 134/2006/NĐ-CP NGÀY 14/11/2006 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ CỬ TUYỂN VÀO CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN

Căn cứ Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 134/2006/NĐ-CP), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định nêu trên gồm: đối tượng, tiêu chuẩn được hưởng chế độ cử tuyển; tổ chức thực hiện việc cử tuyển; tổ chức tiếp nhận sau tốt nghiệp và bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

I. ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ CỬ TUYỂN

1. Đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển

a) Đối với các đối tượng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP:

- Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được xác định theo các văn bản sau:

+ Quyết định số 106/2004/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;

+ Quyết định số 163/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn hoàn thành cơ bản mục tiêu chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (được thực hiện đến hết năm 2008);

+ Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ “về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010”;

+ Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa giai đoạn 1999 – 2005, bổ sung các xã, thôn, bản vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II và xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006- 2010;

Nếu trong quá trình thực hiện, danh sách các xã đặc biệt khó khăn được bổ sung, thay đổi thì thực hiện theo các Quyết định bổ sung, thay đổi của Thủ tướng Chính phủ.

b) Tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển của một tỉnh không vượt quá 15% chỉ tiêu cử tuyển được giao cho tỉnh đó.

c) Đối với các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP: các xã khu vực I, II, III xác định theo quy định tại Quyết định số 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27/11/2006 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Hàng năm, Uỷ ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong việc xác định đối tượng cử tuyển này.

2. Tiêu chuẩn được hưởng chế độ cử tuyển

Biên chế Nhà nước quy định tại khoản 4 Điều 6 của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP được hiểu là biên chế hành chính và biên chế sự nghiệp Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 71/2003/NĐ-CP ngày 19/6/2003 của Chính phủ về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp Nhà nước.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VIỆC CỬ TUYỂN

1. Quy trình tuyển chọn

a) Trước ngày 31 tháng 5 của năm trước năm tuyển sinh, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp) hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với cử tuyển vào cao đẳng nghề và trung cấp nghề) văn bản đề xuất nhu cầu cử tuyển theo ngành, nghề, trình độ đào tạo kèm theo kế hoạch bố trí công tác sau khi tốt nghiệp để làm căn cứ giao chỉ tiêu.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (tùy theo trình độ đào tạo), Bộ Tài chính, Uỷ ban Dân tộc, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng chỉ tiêu cử tuyển trong năm.

c) Căn cứ vào chỉ tiêu cử tuyển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Uỷ ban Dân tộc để giao chỉ tiêu tuyển sinh theo chế độ cử tuyển cho các tỉnh trước ngày 15 tháng 7 của năm trước năm tuyển sinh, trong đó giao riêng chỉ tiêu đối với đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP.

d) Căn cứ vào văn bản giao chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng tuyển sinh theo chế độ cử tuyển để giúp Uỷ ban thực hiện công tác tuyển sinh. Tuỳ theo yêu cầu của tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thể giao cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng tuyển sinh cấp huyện để thực hiện việc sơ tuyển tại địa bàn.

đ) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tuyển chọn người học theo chế độ cử tuyển đúng đối tượng, tiêu chuẩn, trình độ đào tạo theo quy định, tổ chức ký hợp đồng đào tạo với các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề (sau đây gọi là cơ sở giáo dục), bàn giao hồ sơ của người được cử tuyển cho các cơ sở giáo dục quản lý (hồ sơ của người được cử tuyển được lưu giữ tại địa phương 01 bộ và giao cho cơ sở giáo dục 01 bộ).

e) Trước ngày 31 tháng 7 của năm tuyển sinh, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Danh sách học sinh cử tuyển đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xét duyệt, Danh sách các cơ sở giáo dục được Uỷ ban nhân dân tỉnh hợp đồng đào tạo.

g) Các cơ sở giáo dục tổ chức tiếp nhận người học theo chế độ cử tuyển theo hợp đồng đào tạo đã ký kết, bố trí người học vào học dự bị hoặc học chính thức; tổ chức đào tạo theo hợp đồng đã ký với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và đảm bảo yêu cầu về đào tạo của từng trình độ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Việc tổ chức học dự bị, xét tuyển vào học chính thức, tổ chức học, thi, kiểm tra, tốt nghiệp đối với người học theo chế độ cử tuyển thực hiện theo quy định tương ứng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

2. Hồ sơ đăng ký học theo chế độ cử tuyển

a) Hồ sơ đăng ký học theo chế độ cử tuyển gồm:

[...]