Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên tịch 1/TTLT năm 1984 hướng dẫn thi hành Nghị định 46-HĐBT quy định xử lý bằng biện pháp hành chính các hành vi đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép do Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 1/TTLT
Ngày ban hành 25/01/1984
Ngày có hiệu lực 01/02/1984
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Bộ Tư pháp
Người ký Phạm Thị Mai Cương,Phùng Văn Tửu
Lĩnh vực Thương mại,Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1/TTLT

Hà Nội , ngày 25 tháng 1 năm 1984

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TƯ PHÁP - TÀI CHÍNH SỐ 1/TTLT NGÀY 25-1-1984 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 46-HĐBT NGÀY 10-5-1983 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG QUY ĐỊNH VIỆC XỬ LÝ BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI ĐẦU CƠ, BUÔN LẬU, LÀM HÀNG GIẢ, KINH DOANH TRÁI PHÉP.

Thi hành Nghị định số 46-HĐBT ngày 10-5-1983 của Hội đồng bộ trưởng quy định việc xử lý bằng biện pháp hành chính các hành vi đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, sau khi nhất trí với các ngành có liên quan, liên Bộ Tư pháp - Tài chính hướng dẫn về thẩm quyền xử lý, giải quyết tang vật phạm pháp và chi trả tiền thưởng cho những người có thành tích phát hiện, truy bắt vụ vi phạm như sau:

Phần 1:

THẨM QUYỀN XỬ LÝ CÁC VỤ VI PHẠM

I. ĐỐI VỚI CÁC LOẠI VI PHẠM ĐÃ CÓ VĂN BẢN HIỆN HÀNH CỦA NHÀ NƯỚC QUY ĐỊNH CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN XỬ LÝ

Đối với các vi phạm nhỏ về buôn lậu, tàng trữ trái phép vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ trong nội địa; buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển trái phép lâm sản; buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển trái phép hàng hoá ngoại hối qua biên giới; vi phạm pháp luật thuế công thương nghiệp, đã có văn bản hiện hành quy định cơ quan có thẩm quyền xử lý thì nay thẩm quyền xử lý vẫn thuộc về các cơ quan ấy. Nhưng về hình thức xử phạt và mức xử phạt mà các cơ quan nói trên áp dụng phải căn cứ vào những quy định của Nghị định số 46-HĐBT như hướng dẫn dưới đây.

1. Đối với các vụ vi phạm nhỏ về buôn lậu, tàng trữ trái phép (ở nội địa) vàng, bạc, kim khí quý, đá quý nói ở điều 5 Nghị định số 46-HĐBT, thẩm quyền xử lý quy định như sau:

a) Các cấp có thẩm quyền:

- Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (dưới đây gọi tắt là huyện) xử lý các vụ vi phạm có trị giá hàng phạm pháp dưới 5000 đồng;

- Uỷ ban nhân dân huyện xử lý các vụ vi phạm có trị giá hàng phạm pháp dưới 10.000 đồng;

- Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương (dưới đây gọi tắt là tỉnh) xử lý các vụ vi phạm có giá trị hàng phạm pháp dưới 15.000 đồng;

- Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý các vụ vi phạm có giá trị hàng phạm pháp dưới 20.000 đồng.

b) Biện pháp xử phạt:

Tất cả các cấp có thẩm quyền nói trên có quyền xử phạt như sau:

- Tịch thu toàn bộ tang vật phạm pháp và phương tiện mà người vi phạm chuyên dùng để cất giấu, vận chuyển hàng phạm pháp:

- Phạt tiền từ 1 đến 2 lần trị giá hàng phạm pháp nếu là vi phạm lần đầu.

- Phạt tiền từ 3 đến 5 lần trị giá hàng phạm pháp nếu là tái phạm.

- Ngoài các biện pháp xử phạt trên, Uỷ ban nhân dân huyện và Uỷ ban nhân dân tỉnh còn có quyền quyết định thu hồi có thời hạn hoặc không thời hạn giấy phép kinh doanh.

2. Đối với các vụ vi phạm nhỏ về buôn lậu, tàng trữ trái phép (ở nội địa) các loại ngoại tệ, chứng từ, giấy tờ có giá trị ngoại tệ do ngân hàng phát hành nói ở điều 5 Nghị định số 46-HĐBT thẩm quyền xử lý quy định như sau:

a) Các cấp có thẩm quyền:

- Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước huyện xử lý các vụ vi phạm có trị giá ngoại tệ phạm pháp dưới 5000 đồng (tính theo tỷ giá trên thị trường không có tổ chức)

- Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh xử lý các vụ vi phạm có trị giá ngoại tệ phạm pháp dưới 20.000 đồng (tính theo tỉ giá trên thị trường không có tổ chức)

b) Biện pháp xử phạt:

- Tịch thu toàn bộ tang vật phạm pháp và phương tiện mà người vi phạm chuyên dùng để cất giấu, vận chuyển tang vật phạm pháp:

- Phạt tiền từ 1 đến 2 lần trị giá ngoại tệ phạm pháp nếu là vi phạm lần đầu.

- Phạt tiền từ 3 đến 5 lần trị giá ngoại tệ phạm pháp nếu là tái phạm. - Nếu thấy cần thu hồi giấy phép kinh doanh của người vi phạm thì phải đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh xét, quyết định.

3. Đối với các vụ vi phạm nhỏ về buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại lâm sản nói ở điều 5 Nghị định số 46-HĐBT, thẩm quyền xử lý quy định như sau:

[...]