Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư liên tịch 06/2006/TTLT-BTNMT-BNV-BNG-BQP hướng dẫn quản lý công tác đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính và biên giới quốc gia do Bộ Tài nguyên môi trường - Bộ nội vụ - Bộ ngoại giao - Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 06/2006/TTLT-BTNMT-BNV-BNG-BQP
Ngày ban hành 13/06/2006
Ngày có hiệu lực 16/07/2006
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại giao,Bộ Nội vụ,Bộ Quốc phòng,Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Đặng Hùng Võ,Phùng Quang Thanh,Vũ Dũng,Trần Hữu Thắng
Lĩnh vực Bất động sản,Bộ máy hành chính

BỘ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG - BỘ NỘI VỤ - BỘ NGOẠI GIAO - BỘ QUỐC PHÒNG
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Số: 06/2006/TTLT-BTNMT-BNV-BNG-BQP

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2006

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ CÔNG TÁC ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ VỀ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH VÀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA

Căn cứ Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22/01/2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;
Để thống nhất quản lý công tác đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính và biên giới quốc gia trong toàn quốc; Liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Ngoại giao và Quốc phòng hướng dẫn như sau:

Mục 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quản lý công tác đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính các cấp và biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, ranh giới phân chia các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan có chức năng quản lý nhà nước đối với công tác đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính và biên giới quốc gia.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc có liên quan đến địa giới hành chính các cấp và biên giới quốc gia.

3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Phần định địa giới hành chính là việc xác định đường địa giới hành chính cắm mốc địa giới hành chính trên thực địa và thể hiện lên bản đồ có xác nhận của các đơn vị hành chính có liên quan;

b) Điều chỉnh địa giới hành chính là việc thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính hoặc điều chỉnh diện tích tự nhiên và dân số của một hoặc một số đơn vị hành chính cho một hoặc một số đơn vị hành chính khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Tranh chấp địa giới hành chính là hành vi tranh chấp quyền quản lý đất đai, mặt nước, đảo, hải đảo liên quan đến địa giới hành chính của các đơn vị hành chính liền kề nhau;

d) Phân giới, cắm mốc là sự phân định đường biên giới và cắm các mốc quốc giới trên thực địa theo kết quả hoạch định đường biên giới giữa các nước có chung biên giới.

đ) Biển đảo là khái niệm bao hàm các yếu tố liên quan đến đường biên giới, ranh giới trên biển và các đảo, các quần đảo thuộc chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

e) Bản đồ chuyên đề đường biên giới quốc gia là bản đồ địa hình thể hiện kết quả giải quyết đường biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước láng giềng;

g) Sơ đồ chuyên đề đường biên giới quốc gia là sơ đồ được phóng vẽ từ bản đồ địa hình thể hiện kết quả giải quyết đường biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước láng giềng;

h) Hải đồ chuyên đề phân định biên giới, ranh giới trên biển là hải đồ thể hiện kết quả giải quyết đường biên giới, ranh giới trên biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước láng giềng;

i) Bộ bản đồ chuẩn về biên giới, biển đảo là bộ bản đồ thể hiện đầy đủ kết quả giải quyết đường biên giới trên đất liền, ranh giới trên biển và các yếu tố liên quan đến biển đảo giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước láng giềng hoặc thể hiện theo chủ trương của Nhà nước Việt Nam; bộ bản đồ này dùng để hướng dẫn và thẩm định việc thể hiện đường biên giới quốc gia, biển đảo trên bản đồ.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ VỀ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác đo đạc bản đồ về địa giới hành chính

1.1. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Ban hành quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về phân định địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính;

b) Tham gia thẩm định hồ sơ địa giới hành chính các cấp;

c) Chủ trì thẩm định việc thể hiện đường địa giới hành chính trên các loại bản đồ quy định tại tiết a điểm 4.1 của Mục này trước khi xuất bán hoặc giao nộp để lưu trữ;

d) Thu thập các tài liệu đo đạc, bản đồ cần thiết và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết các tranh chấp địa giới hành chính;

[...]