Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên bộ 11-TT-LB năm 1963 hướng dẫn nguồn kinh phí, việc sử dụng chi cho công tác bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp và ban hành bản liệt kê các biện pháp bảo hộ lao động do Bộ Tài Chính - Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 11-TT-LB
Ngày ban hành 15/10/1963
Ngày có hiệu lực 01/01/1964
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Tài chính
Người ký Bùi Quỳ,Đào Thiện Thi
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LAO ĐỘNG
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 11-TT-LB

Hà Nội, ngày15 tháng10 năm 1963

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ NGUỒN KINH PHÍ, VIỆC SỬ DỤNG CHI CHO CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG, KỸ THUẬT AN TOÀN, VỆ SINH CÔNG NGHIỆP VÀ BAN HÀNH BẢN LIỆT KÊ CÁC BIỆN PHÁP BẢO HỘ LAO ĐỘNG

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:

- Các Bộ, các Tổng cục trung ương
- Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh
- Các Sở, Ty lao động, tài chính

 

Trong mấy năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chế độ bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp nhằm đảm bảo an toàn sản xuất, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, công nhân trong sản xuất, xây dựng cơ bản và công tác.

Các bộ, các ngành ở trung ương, các ủy ban hành chính địa phương đã chú ý hướng dẫn đôn đốc các xí nghiệp, công trường, các đơn vị sự nghiệp chấp hành các chính sách, chế độ bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp của Nhà nước.

Hàng năm ngân sách Nhà nước và quỹ xí nghiệp đã dành một số tiền thích đáng để chi cho các xí nghiệp, công trường, các đơn vị sự nghiệp mua sắm hoặc cải tiến các thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp.

Sự quan tâm đến việc bảo đảm an toàn và bảo vệ sức khỏe cho cán bộ và công nhân trong sản xuất, xây dựng cơ bản và công tác đã khuyến khích mọi người thi đua sản xuất, tiết kiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước.

Tuy vậy việc chấp hành các chính sách, chế độ bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp của Nhà nước vẫn còn nhiều thiếu sót như:

- Có nơi chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm phải bảo đảm an toàn lao động cho cán bộ, công nhân;

- Nhiều xí nghiệp; công trường; đơn vị sự nghiệp còn xem nhẹ việc lập kế hoạch bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp;

- Kế hoạch bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp chưa trở thành một trong những kế hoạch chính thức của đơn vị;

- Một số Bộ, ngành trung ương, Ủy ban hành chính địa phương chưa chấp hành đầy đủ thông tư 3871–TTg ngày 7-9-1958 của Thủ tướng Chính phủ quy định phải xét duyệt kế hoạch bảo hộ lao động song song với kế hoạch sản xuất và tài chính;

- Việc hướng dẫn sử dụng kinh phí chưa được rõ ràng có tình trạng là việc cần thì chưa chi, việc chưa cần lại chi;

- Việc thống kê và hoạch toán kế toán theo dõi và báo cáo về sử dụng kinh phí chi cho công tác bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp chưa được quy định.

Để giải quyết những mắc mứu trên, liên bộ Lao động – Tài chính ban hành thông tư này nhằm:

+ Hướng dẫn việc sử dụng kinh phí chi cho công tác bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp.

+ Ban hành bản liệt kê các biện pháp bảo hộ lao động kèm theo thông tư này để hướng dẫn công tác.

I. NGUYÊN TẮC VÀ PHẠM VI SỬ DỤNG BẢN LIỆT KÊ CÁC BIỆN PHÁP BẢO HỘ LAO ĐỘNG

1. Bản liệt kê các biện pháp bảo hộ lao động kèm theo thông thư này dùng làm căn cứ để lập kế hoạch bảo hộ lao động. Kế hoạch bảo hộ lao động phải được ghi vào một chương đặc biệt trong kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài chính hàng năm của xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, các đơn vị sự nghiệp.

2. Bản liệt kê này áp dụng cho tất cả các xí nghiệp quốc doanh, các xí nghiệp công tư hợp doanh, các công trường, nông trường, lâm trường, các đơn vị sự nghiệp của trung ương và của địa phương quản lý.

3. Đối với công trường xây dựng xí nghiệp mới, xây dựng lại xí nghiệp cũ, trang bị hoặc cơ khí hóa lại cơ sở cũ, v.v… thì phần mua sắm thiết bị hoặc xây dựng cơ bản dùng vào công tác bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp phải xin Nhà nước ghi chung vào chi tiêu xây dựng cơ bản và phải chi bằng vốn xây dựng cơ bản.

4. Đối với mọi biện pháp tuy ít nhiều có tính chất bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp nhưng chủ yếu là để bảo đảm kỹ thuật sản xuất hay tăng năng suất lao động hoặc do yêu cầu sản xuất phát triển mở rộng đều không ghi vào kế hoạch bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp (ví dụ: lắp hệ thống ôn ẩm độ trong nhà máy dệt tuy có tác dụng gây mát nơi làm việc cho công nhân, nhưng chủ yếu là để sợi khỏi đứt vì hanh thì không ghi vào kế hoạch bảo hộ lao động).

Thông tư 131-TTg ngày 4-4-1957 về vấn đề phân biệt một số chi phí trong kế hoạch thu chi tài vụ xí nghiệp, thông tư 133- TTg ngày 4-4-1957, thông tư số 434- TTg ngày 5-12-1959 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư số 3-LĐ-TT ngày 20-1-1959 của bộ Lao động đã quy định nguồn kinh phí và chế độ sử dụng kinh phí chi vào các biện pháp bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp.

Căn cứ vào các văn bản trên, liên bộ hướng dẫn thêm một số điểm sau đây:

1. Hàng năm tùy theo yêu cầu cần thiết về các biện pháp bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp, tùy theo khả năng tài chính, ngân sách Nhà nước và quỹ xí nghiệp dành một số tiền nhất định để chi vào các biện pháp bảo hộ lao động.

Các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, các đơn vị xí nghiệp phải lập dự toán kinh phí chi cho bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp chung vào kế hoạch tài chính hàng năm của đơn vị mình và chỉ được chi tiêu theo kế hoạch mà ngành chủ quản đã xét duyệt.

[...]