Thông tư 3871-CN năm 1958 về việc tăng cường công tác bảo hộ lao động do Phủ Thủ tướng ban hành

Số hiệu 3871-CN
Ngày ban hành 07/09/1958
Ngày có hiệu lực 22/09/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Bùi Công Trừng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3871-CN

Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

- Các vị Bộ trưởng
- Các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố 

 

Trong ba năm khôi phục kinh tế, trước tình hình các xí nghiệp, hầm mỏ, công trường, nông, lâm trường phát triển nhanh chóng thu hút hàng chục vạn công nhân, Chính phủ đã nhắc nhở Bộ nhiều lần phải quan tâm đến công tác bảo hộ lao động. Nhờ đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại, các ngành đã có cố gắng về mặt công tác này: ở các cơ sở sản xuất, điều kiện làm việc đã được cải thiện, vấn đề vệ sinh an toàn đã có nhiều tiến bộ; đại bộ phận đầu máy, giây cua-roa, cầu giao điện đã được che chắn, những nơi nguy hiểm dễ xẩy ra tai nạn đã có những phương tiện đề phòng hoặc có hướng dẫn cách tránh tai nạn. Tỷ lệ công nhân đau ốm hay bị tai nạn đã giảm dần.Nhưng bên cạnh những thành tích đạt được, còn tồn tại một số tình hình khá nghiêm trọng. Ở nhiều đơn vị chưa chú ý thi hành đầy đủ những biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn cho công nhân trong sản xuất. Vấn đề tuyên truyền, giáo dục vệ sinh an toàn, vấn đề trang bị tối thiểu để phòng ngừa bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn còn bị coi nhẹ. Vì vậy ở nhiều nơi, có những tai nạn đáng tránh được, đã xẩy ra. Có đơn vị, vì thiếu giữ gìn vệ sinh nơi ăn ở tập thể, nên đã có hàng trăm công nhân mắc bệnh kiết lỵ.

Tình trạng ốm đau, tai nạn còn nhiều như vậy đã tổn thất đến lực lượng công nhân, ảnh hưởng lớn đến ngân sách quốc gia và đến thực hiện kế hoạch Nhà nước. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, trong hai năm 1956, 1957, Nhà nước đã chi trên 132 triệu đồng riêng về mặt điều trị và bồi thường cho công nhân bị tai nạn lao động.

Sở dĩ có những tình trạng nói trên, một mặt là do chúng ta chưa có đầy đủ điều kiện cải tiến thiết bị, cải tiến điều kiện làm việc; một mặt cũng do trình độ quản lý, khả năng kỹ thuật của cán bộ còn non, nhưng chủ yếu là do khuyết điểm về nhận thức tư tưởng và về tổ chức.

a) Về nhận thức, tư tưởng còn nhiều cán bộ lãnh đạo sản xuất từ trung ương đến địa phương chưa thấm nhuần sự quan trọng của việc bảo hộ lao động, chưa thấy đó là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của chính quyền dân chủ nhân dân, một nhiệm vụ của mọi cán bộ lãnh đạo sản xuất, chưa đề cao đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc đến sức khỏe và tính mệnh của công nhân.

Do đó, một số Bộ chủ quản các cơ sở sản xuất, còn có tình trạng coi nhẹ công tác bảo hộ lao động. Việc theo dõi kiểm tra, đôn đốc còn kém; các khó khăn, mắc mứu của cơ sở phản ảnh lên không được nghiên cứu giải quyết kịp thời.

Ở các tỉnh, nhiều Ủy ban Hành chính chưa chú ý lãnh đạo các đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách bảo hộ lao động. Cho nên, cán bộ quản lý xí nghiệp thường chỉ nặng về mặt sản xuất mà không quý vốn lớn là công nhân, chưa chú ý đúng mức đến việc bảo hộ lao động. Tình trạng vận động công nhân làm liên ca còn xẩy ra nhất là về cuối quí, cuối năm để đạt thành tích. Công tác giáo dục cho công nhân về bảo hộ lao động chưa được chú trọng và chưa thấy công việc này là chủ yếu; hiện tượng làm bừa, làm ẩu, không tôn trọng quy tắc an toàn, còn phổ biến. Do đó, tai nạn lao động còn xẩy ra nghiêm trọng ở một số nơi.

b) Về tổ chức, phụ trách công tác bảo hộ lao động từ trung ương đến cơ sở sản xuất còn yếu. Ở các cơ sở, Ban vệ sinh an toàn, tuy có thành lập nhưng chưa được kiện toàn, cũng còn nhiều cơ sở chưa có Ban vệ sinh an toàn.

Hội nghị tổng kết công tác bảo hộ lao động trong ba năm khôi phục kinh tế ở miền Bắc cuối tháng 5-1958 đã xác nhận những thiếu sót lớn trên đây, đồng thời rút ra được những bài học kinh nghiệm. Đi đôi với việc động viên nhiệt tình thi đua lao động xã hội chủ nghĩa, công tác bảo hộ lao động, lại cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để cho công nhân yên tâm, phấn khởi sản xuất. Tình trạng công nhân ốm đau, tai nạn lao động xẩy ra nhiều cần được hết sức quan tâm và có biện pháp tích cực và cụ thể để bổ khuyết.

Cụ thể là cần thực hiện những biện pháp sau đây:

- Về mặt nhận thức, tư tưởng, các Bộ cần tăng cường giáo dục tư tưởng và quy định chế độ an toàn kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất thuộc Bộ mình. Cán bộ phụ trách ở các Bộ cũng như ở xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường cần phải quán triệt phương châm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” và thấy đó chỉ là hai mặt của vấn đề sản xuất. Có bảo đảm an toàn cho công nhân thì mới bảo đảm được sản xuất, và ngược lại muốn đẩy mạnh sản xuất, thì trước hết phải bảo đảm an toàn lao động cho công nhân. Các Bộ phải chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ phụ trách ở Bộ cũng như cơ sở, đồng thời tăng cường kỷ luật lao động, giáo dục ý thức tự bảo vệ của công nhân và điều cuối cùng này là việc hết sức trọng yếu.

- Về mặt tổ chức, trong dịp kiện toàn này, các Bộ cần chấn chỉnh các bộ phận phụ trách công tác bảo hộ lao động, cử đủ cán bộ chuyên trách để có thể thực sự giúp đỡ các thủ trưởng lãnh đạo tốt công tác bảo hộ lao động. Ở các cơ sở, cán bộ phụ trách cần chấn chỉnh lại các Ban vệ sinh an toàn; nơi nào chưa có thì phải xúc tiến thành lập. Phải có sự kiểm soát công tác này và hết sức tránh hình thức.

- Đi đôi với công tác giáo dục và tổ chức, vấn đề thiết bị kỹ thuật, an toàn vệ sinh trang bị dụng cụ phòng hộ cho công nhân phải được chú ý. Các Bộ phải hướng dẫn cho các đơn vị lập kế hoạch bảo hộ lao động đi song song với việc lập kế hoạch sản xuất. Khi các Bộ duyệt kế hoạch sản xuất thì không được bỏ qua kế hoạch bảo hộ lao động. Mặt khác, các Bộ cần quy định thành một chế độ trách nhiệm cho cán bộ quản lý xí nghiệp công trường, nông trường, lâm trường... phải trực tiếp lãnh đạo công tác bảo hộ lao động, phải chịu trách nhiệm nếu để xẩy ra những tai nạn nghiêm trọng (theo đúng Nghị định số 703 ngày 20-2-1955) và được áp dụng mọi biện pháp cần thiết để phòng ngừa tai nạn. Trường hợp có tai nạn xẩy ra, các Bộ phải cùng cơ sở phân tích kịp thời, tìm ra nguyên nhân quy trách nhiệm và có thái độ xử lý thích đáng nếu là tai nạn nghiêm trọng. Các Bộ cũng cần xúc tiến việc lập bản điều lệ an toàn nhằm mục đích quy định những điều cần thiết cho từng ngành (mỏ, điện, kiến thiết cơ bản...) để bảo đảm an toàn lao động cho công nhân trong ngành mình.

- Các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố có trách nhiệm lãnh đạo và kiểm tra các đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ về bảo hộ lao động. Những đơn vị có thành tích cần được Ủy ban Hành chính đề nghị khen thưởng kịp thời. Đơn vị nào để xẩy ra tai nạn nghiêm trọng, chết người, Ủy ban Hành chính phải có sự cảnh cáo và kỷ luật. Để giúp đỡ các Ủy ban trong việc này, các cơ quan Lao động địa phương có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cơ sở về mặt công tác bảo hộ lao động

 

TL. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG TÀI CHÍNH THƯƠNG NGHIỆP THỦ TƯỚNG PHỦ




Bùi Công Trừng

 

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ