Thông tư liên bộ 03-TT/LB năm 1977 hướng dẫn phân công thu mua, chế biến, vận chuyển và phân phối hải sản do Bộ Hải sản, Bộ Nội thương ban hành.

Số hiệu 03-TT/LB
Ngày ban hành 19/05/1977
Ngày có hiệu lực 03/06/1977
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Hải Sản,Bộ Nội thương
Người ký Hoàng Quốc Thịnh,Nguyễn Quang Lâm
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

BỘ HẢI SẢN - BỘ NỘI THƯƠNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03-TT/LB

Hà Nội, ngày 19 tháng 05 năm 1977 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH VIỆC PHÂN CÔNG THU MUA, CHẾ BIẾN, VẬN CHUYỂN VÀ PHÂN PHỐI HẢI SẢN

Ngày 15 tháng 3 năm 1977, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã có ý kiến về phân công, thu mua, chế biến, vận chuyển và phân phối hải sản Liên Bộ hướng dẫn thực hiện như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Ngành hải sản, với chức năng tổ chức và quản lý việc khai thác hải sản có nhiệm vụ phụ trách toàn bộ việc đánh bắt hải sản; thống nhất quản lý việc thu mua và chế biến hải sản; bán buôn công nghiệp các loại hải sản tươi và đã chế biến cho ngành nội thương để phân phối cho các nhu cầu tiêu dùng trong nước; cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tư nhân làm nghề đánh bắt, chế biến và kinh doanh hải sản tại những vùng đánh cá.

Ngành nội thương, với chức năng tổ chức và quản lý lưu thông – phân phối hàng tiêu dùng ở thị trường trong nước, phụ trách toàn bộ việc bán buôn thương nghiệp và bán lẻ các loại hải sản tươi và đã chế biến cho người tiêu dùng, đồng thời phối hợp với ngành hải sản trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư nhân kinh doanh hải sản.

Theo sự phân công trên đây, hai Bộ sẽ chỉ đạo thực hiện cụ thể cho phù hợp với điều kiện ở từng nơi, từng lúc sao cho có lợi nhất đối với việc tập trung nguồn hải sản vào tay Nhà nước, đối với việc mở rộng chế biến và lưu thông các loại hải sản và đối với việc quản lý thị trường hải sản.

II. THU MUA HẢI SẢN

Để thực hiện chức năng thống nhất quản lý việc thu mua các loại hải sản, kể cả hải sản tươi và đã qua chế biến, ngành hải sản nhanh chóng triển khai mạng lưới thu mua của mình, thông qua hợp đồng kinh tế hai chiều với ngư dân và các biện pháp thích hợp khác mà động viện đến mức cao nhất nguồn hải sản đã đánh bắt được vào tay Nhà nước.

Ở nơi nào ngành hải sản chưa với tới được thì ngành nội thương sử dụng mạng lưới sẵn có của mình để tổ chức thu mua theo sự thống nhất và hướng dẫn của ngành hải sản về kế hoạch, phương thức và giá cả thu mua.

III. CHẾ  BIẾN

Ngành hải sản thống nhất quản lý quy hoạch và kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến các loại hải sản; tự tổ chức chế biến , gia công chế biến, hoặc bán nguyên liệu và thu mua thành phẩm đã chế biến. Hải sản chế biến bao gồm hải sản khô, cá muối xếp, nước mắm, mắm tôm, mắm ruốc v.v…

Việc chế biến một phần hải sản trong quá trình lưu thông bán lẻ là một việc tất yếu, thuộc chức năng của ngành nội thương.

IV. LƯU THÔNG PHÂN PHỐI HẢI SẢN

Ngành hải sản bán buôn công nghiệp các loại hải sản (tươi và đã chế biến) cho ngành nội thương theo các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước và theo hợp đồng ký kết giữa hai bên.

1. Đối với những mặt hàng tươi

a) Phần bán cho nhu cầu tiêu dùng ngay tại tỉnh, thành phố ven biển.

Ngành hải sản căn cứ theo kế hoạch phân bổ của Bộ Nội thương mà trực tiếp giao hàng cho công ty nội thương cấp II của tỉnh, thành ấy (công ty thủy hải sản hoặc công ty thực phẩm) để công ty nội thương trong tỉnh, thành ấy tổ chức bán ra. Nếu điều kiện cho phép thì ngành hải sản giao hàng thẳng đến mạng lưới bán lẻ của nội thương trong tỉnh, thành ấy theo kế hoạch phân bổ của Sở, Ty thương nghiệp hay công ty nội thương cấp II.

Việc giao nhận nên tiến hành dưới hình thức tay ba giữa ngành hải sản, người sản xuất và đơn vị kinh doanh của nội thương.

b) Phần điều động đi các nơi khác

Theo kế hoạch Nhà nước và theo kế hoạch phân bổ của Bộ Nội thương, ngành hải sản với phương tiện hiện có của mình và ký kết hợp đồng vận chuyển với ngành giao thông đảm nhiệm việc vận chuyển hàng từ nơi sản xuất đến 3 địa điểm sau đây giao cho ngành nội thương.

1. Thành phố Hà Nội

2. Thành phố Hải Phòng

3. Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ 3 địa điểm này, các đơn vị kinh doanh của Bộ Nội thương có trách nhiệm chuyển tiếp đến các tỉnh, thành phố và khu công nghiệp khác. Nếu có điều kiện thì ngành hải sản vận chuyển thẳng đến địa điểm bán lẻ theo yêu cầu và kế hoạch của ngành nội thương.

Trong trường hợp ngành nội thương thiếu phương tiện vận chuyển thì theo quy định ngành nội thương sẽ bàn với ngành giao thông vận tải đảm nhận việc vận chuyển từ ba địa điểm nói trên đến các địa phương tiêu thụ.

c) Đối với các đơn vị tiêu dùng có nhu cầu lớn ( như quân đội, nông, lâm trường, xí nghiệp) nếu các đơn vị ấy có phương tiện trực tiếp đến nhận tại bến cá thì ngành nội thương sẽ phân bố kế hoạch để các đơn vị ấy nhận và thanh toán trực tiếp với ngành hải sản.

2. Đối với những mặt hàng đã chế biến.

[...]