Dự thảo Thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định 52/2017/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 28/11/2017
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký ***
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:      /2017/TT-BTC

Hà Nội, ngày     tháng     năm 2017

DỰ THẢO

 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 52/2017/NĐ-CP NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHO VAY LẠI NGUỒN VỐN VAY NƯỚC NGOÀI CỦA CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 52/2017/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chương I 

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định số 52/2017/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Đối tượng áp dụng là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện theo dõi, quản lý cho vay lại đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ.

Điều 2. Nguyên tắc sử dụng vốn cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhận vay lại phải nằm trong cân đối tổng thể các nguồn vốn vay của chính quyền địa phương; vốn giải ngân theo phương thức vay lại tính trong hạn mức dư nợ vay của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phải đảm bảo trong tổng mức vay, bội chi của từng địa phương được Quốc hội quyết định hàng năm.

2. Chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhận vay lại phải được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, tổng mức vay của ngân sách địa phương bao gồm vay bù đắp bội chi và vay về để trả nợ gốc của ngân sách địa phương nằm trong kế hoạch tài chính 05 năm, dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được quản lý theo các quy định hiện hành áp dụng đối với vốn ngân sách nhà nước và vốn đầu tư công.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh mục chương trình, dự án đưa vào kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương trình Hội đồng nhân dân xem xét cho ý kiến để tổng hợp trình Chính phủ và Quốc hội quyết định. Khi lập danh mục này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần phân định nguồn vốn vay của ngân sách địa phương cho từng chương trình, dự án cụ thể thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Đối với vốn vay lại từ nguồn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần xác định theo cơ cấu tỷ lệ cho vay lại và cấp phát do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trong từng thời kỳ.

4. Trên cơ sở kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cấp thẩm quyền phê duyệt, sau khi cân đối, bố trí đủ nguồn cho các chương trình dự án đang triển khai, các chương trình, dự án vay mới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các bước lập đề xuất chương trình, dự án và lập chủ trương đầu tư/báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của chương trình, dự án nhận vay lại từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

5. Các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo phương thức Ủy ban nhân dân cấp tỉnhvay lại phải tuân thủ quy trình lập, chấp hành, hạch toán ngân sách nhà nước, kiểm toán, quyết toán, kiểm tra đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công và các quy định cụ thể tại Thông tư này.

6. Nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhận vay lại chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển cho các công trình thiết yếu thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương và sử dụng làm phần đóng góp của địa phương trong các dự án hợp tác công tư. Không sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi cho các hoạt động chi thường xuyên.

7. Quy trình quản lý, thu hồi vốn cho vay lại từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, xử lý rủi ro cho vay lại thực hiện theo các quy định của Luật Quản lý nợ công, Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, Nghị định số 52/2017/NĐ-CP ngày 28/4/2017 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 3. Thẩm định khả năng trả nợ của ngân sách địa phương

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chuẩn bị các tài liệu gửi Bộ Tài chính để thẩm định khả năng trả nợ của ngân sách địa phương theo quy định tại Khoản 3, 4 và 5 Điều 4 Nghị định số 52/2017/NĐ-CP và căn cứ theo kế hoạch vay trả nợ 5 năm, 3 năm của địa phương để thẩm định nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 52/2017/NĐ-CP. Hồ sơ thẩm định quy định tại Điều 9 của Nghị định số 52/2017/NĐ-CP.

2. Trường hợp mức vốn vay lại từ nguồn vay ODA, vay ưu đãi vượt so với mức vốn vay lại đã được cấp có thẩm quyền cho phép hoặc có thay đổi về việc đáp ứng điều kiện được vay lại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ thẩm định quy định tại Điều 9 của Nghị định số 52/2017/NĐ-CP đã cập nhật theo quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép vay lại từ vay ODA, vay ưu đãi.

3. Việc phân loại nguồn vốn ODA và vay ưu đãi thực hiện theo Khoản 23 Điều 3 của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP. Đối với nguồn vốn vay ưu đãi có kèm viện trợ làm thay đổi tính chất của nguồn vốn, việc phân loại nguồn vốn hỗn hợp này sẽ phụ thuộc vào việc tính yếu tố không hoàn lại (GE) của khoản vay. Khoản viện trợ phải gắn liền với khoản vay dự án và được hòa chung vào khoản vay khi xác định cơ chế tài chính cho dự án mới có đủ điều kiện để được xác định yếu tố không hoàn lại của khoản vay.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ