Thông tư 9-LN/KL năm 1993 hướng dẫn Nghị định 14-CP năm 1992 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng do Bộ Lâm nghiệp ban hành

Số hiệu 9-LN/KL
Ngày ban hành 01/06/1993
Ngày có hiệu lực 01/06/1993
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lâm nghiệp
Người ký Nguyễn Quang Hà
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài nguyên - Môi trường

BỘ LÂM NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 9-LN/KL

Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 1993

 

THÔNG TƯ

SỐ 9-LN/KL NGÀY 1-6-1993 CỦA BỘ LÂM NGHIỆP HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 14-CP CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ RỪNG

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14-CP ngày 5 tháng 12 năm 1992 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng.

Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn thực hiện như sau:

I- NHỮNG HÀNH VI VI PHẠM VÀ VẬN DỤNG MỨC ĐỘ XỬ PHẠT

A- XÁC ĐỊNH HÀNH VI VI PHẠM.

1- Phá rừng trái phép (Điều 1, Nghị định 14-CP)

Là hành vi chặt, phá rừng mà không được cấp có thẩm quyền cho phép, vi phạm Điều 13 của Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Các hành vi như: Phá rừng lấy đất để trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng đường dây điện, đào đắp bờ trong rừng ngập mặn để nuôi tôm.

2- Khai thác rừng trái phép (Điều 2)

Là hành vi khai thác, chặt cây rừng lấy lâm sản để sử dụng hoặc để bán trái với quy định tại các Điều 19, 37, 38 và 39 của Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các hành vi như:

2.1- Khai thác rừng hoặc chặt cây không có giấy phép, giấy phép khai thác không hợp lệ.

2.2- Chủ rừng vi phạm quy chế quản lý rừng, quy trình quy phạm như: Khai thác không có thiết kế, không có quyết định mở cửa rừng, sai địa điểm, cây không có dấu búa bài chặt, cây chưa đủ tuổi khai thác, vượt sản lượng...

2.3- Khai thác gỗ nhóm IIA không được Bộ Lâm nghiệp cho phép, vi phạm quy định tại Nghị định 18-HĐBT ngày 17 tháng 1 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm và chế độ quản lý bảo vệ.

Đối với nhóm IA, Nhà nước nghiêm cấm việc khai thác, sử dụng, không thuộc phạm vi xử phạt hành chính mà phải lập hồ sơ theo thẩm quyền quy định để truy cứu trách nhiệm hình sự.

2.4- Trường hợp khai thác trái phép trên làm cho rừng bị tàn kiệt, giảm chất lượng, giảm phẩm cấp thì coi như hành vi phá rừng, xử lý theo Điều 1, Nghị định 14-CP.

3- Phát đốt rừng trái phép để làm nương rẫy (Điều 3).

Là hành vi chặt, phá đốt rừng lấy đất trồng trọt ra ngoài vùng do Uỷ ban nhân dân huyện quy định, vi phạm Điều 21 Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Để hạn chế việc phá rừng làm nương rẫy, hạt kiểm lâm phải tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân huyện quy vùng hướng dẫn cho đồng bào ở vùng cao làm nương rẫy ổn định.

4- Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng (Điều 4).

Là hành vi vi phạm những quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng hoặc gây cháy rừng, vi phạm Điều 22, Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các hành vi như:

4.1- Cá nhân, tổ chức gây cháy rừng làm thiệt hại tài nguyên rừng.

4.2- Vi phạm quy định cấm dùng lửa trong rừng dễ cháy như: Đun nấu thức ăn, sưởi ấm, đốt nương rẫy. Dùng lửa săn bắt động vật rừng, hoặc vi phạm quy định cấm mang chất nổ, chất dễ cháy vào rừng...

4.3- Chủ rừng vi phạm quy phạm phòng cháy, chữa cháy rừng như: Trồng rừng không thiết kế làm đường ranh, kênh mương cản lửa, không thực hiện hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về lâm nghiệp trong việc thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng...

4.4- Khi chủ rừng phát hiện có cháy rừng, không tổ chức huy động ngay lực lượng chữa cháy rừng, không báo cáo kịp thời lên cấp trên để có biện pháp cứu chữa...

5- Vi phạm quy định về phòng trừ sâu, bệnh hại rừng (Điều5).

Là hành vi vi phạm những quy định về phòng trừ sâu bệnh hại rừng, vi phạm Điều 23 Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các hành vi như: Chủ rừng không thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại rừng theo quy định; thiếu trách nhiệm trong việc điều tra phát hiện, để dịch sâu bệnh hại rừng phát triển hoặc không tổ chức diệt trừ khi có dịch sâu bệnh; sử dụng thuốc không đúng quy định như: Loại thuốc cấm dùng, dùng sai thuốc, không đúng liều lượng và nồng độ...

6- Chăn thả trái phép gia súc vào rừng (Điều 6).

[...]