Thông tư 88/2007/TT-BNN hướng dẫn thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 88/2007/TT-BNN
Ngày ban hành 01/11/2007
Ngày có hiệu lực 29/11/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Bùi Bá Bổng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
*****

Số: 88/2007/TT-BNN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM DỊCH THỰC VẬT NỘI ĐỊA

Để thi hành Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 08 tháng 8 năm 2001 và Nghị định số 02/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về Kiểm dịch thực vật; để công tác kiểm dịch thực vật nội địa hoạt động có hiệu quả và thống nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Nguyên tắc kiểm dịch thực vật nội địa

Kiểm dịch thực vật nội địa là một khâu không thể tách rời với công tác bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu.

Kiểm dịch thực vật nội địa phải phát hiện kịp thời, chính xác và áp dụng biện pháp xử lý có hiệu quả dịch hại thuộc diện điều chỉnh xuất hiện tại địa phương.

2. Phạm vi áp dụng

Thông tư này áp dụng trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật nội địa trên phạm vi toàn quốc.

3. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến công tác kiểm dịch thực vật nội địa phải thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.

4. Quy định đối với cán bộ kiểm dịch thực vật

Trong khi làm nhiệm vụ phải mang sắc phục, phù hiệu, cấp hiệu và thẻ kiểm dịch thực vật. Chế độ cấp phát, sử dụng đối với công chức, viên chức kiểm dịch thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 58/2007/QĐ-BNN ngày 15 tháng 6 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số 92/TT-LB liên bộ Tài chính – Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 13 tháng 12 năm 1995 hướng dẫn thực hiện chế độ trang phục đối với viên chức kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, thanh tra viên chuyên ngành Bảo vệ thực vật và thanh tra Thú y.

Được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp theo Quyết định số 132/2006/QĐ-TTg ngày 31/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức ngành Kiểm lâm, Bảo vệ thực vật, Thú y và Kiểm soát đê điều.

5. Xử lý vi phạm

Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật nội địa bị xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.

II. NỘI DUNG CÔNG TÁC KIỂM DỊCH THỰC VẬT NỘI ĐỊA

1. Quản lý dịch hại thuộc diện điều chỉnh đối với giống cây trồng và sinh vật có ích nhập nội

a) Đối với giống cây trồng nhập nội

Kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu đối với giống cây trồng mới lần đầu tiên nhập khẩu do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Trường hợp không đủ giấy tờ trên, cán bộ kiểm dịch thực vật lập biên bản vi phạm chuyển thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật để xử lý; đồng thời tiến hành các thủ tục kiểm dịch thực vật đối với lô vật thể vi phạm.

Theo dõi, kiểm tra và giám sát dịch hại tại địa điểm gieo trồng theo thông báo của cơ quan kiểm dịch thực vật hoặc khai báo của chủ vật thể tại địa phương. Khi phát hiện thấy dịch hại thuộc diện điều chỉnh trên giống cây trồng nhập nội tại địa phương, Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh) phải báo cáo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng để có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời trực tiếp hướng dẫn và giám sát chủ vật thể thực hiện các biện pháp xử lý.

Việc theo dõi, giám sát dịch hại đối với giống cây trồng nhập nội được thực hiện theo quy định hiện hành. Kết quả điều tra, theo dõi ghi theo mẫu biên bản tại Phụ lục 1. Thời gian theo dõi từ khi gieo trồng đến hết vụ thu hoạch đối với cây ngắn ngày, 02 năm từ khi gieo trồng đối với cây dài ngày.

Đối với giống cây trồng sản xuất trong nước, việc vận chuyển nội địa mà không xuất phát từ vùng dịch hoặc không đi qua vùng dịch thì không phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật.

b) Đối với sinh vật có ích nhập nội

Kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu và Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền cấp.

Hướng dẫn và giám sát địa điểm sử dụng sinh vật có ích nhập nội tại địa phương.

2. Quản lý dịch hại thuộc diện điều chỉnh đối với sản phẩm thực vật lưu trữ trong kho

a) Định kỳ điều tra, theo dõi, giám sát dịch hại trên sản phẩm thực vật nhập khẩu, bảo quản trong kho và tại các cơ sở sản xuất, gia công, chế biến và tiêu thụ hàng thực vật nhằm phát hiện dịch hại thuộc diện điều chỉnh của Việt Nam. Kết quả điều tra, theo dõi dịch hại ghi theo mẫu biên bản tại Phụ lục 2.

[...]