Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2001

Số hiệu 36/2001/PL-UBTVQH10
Ngày ban hành 25/07/2001
Ngày có hiệu lực 01/01/2002
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Văn An
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36/2001/PL-UBTVQH10

Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2001

 

PHÁP LỆNH

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 36/2001/PL-UBTVQH10  NGÀY 25 THÁNG 7 NĂM 2001 VỀ BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường và giữ gìn cân bằng hệ sinh thái;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 8 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2001;
Pháp lệnh này quy định về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định trong Pháp lệnh này bao gồm việc phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 2

Pháp lệnh này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng tài nguyên thực vật và các hoạt động khác có liên quan đến việc bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế.

Điều 3

Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài nguyên thực vật bao gồm thực vật có ích và sản phẩm thực vật có ích.

2. Sinh vật gây hại bao gồm vi sinh vật, sâu bệnh, cỏ dại, chuột và các sinh vật khác gây hại tài nguyên thực vật.

3. Sinh vật gây hại lạ là những sinh vật gây hại chưa được xác định trên cơ sở khoa học và chưa từng được phát hiện ở trong nước.

4. Sinh vật có ích bao gồm nấm, côn trùng, động vật và các sinh vật khác có tác dụng hạn chế tác hại của sinh vật gây hại đối với tài nguyên thực vật.

5. Đối tượng kiểm dịch thực vật là loại sinh vật gây hại có tiềm năng gây tác hại nghiêm trọng tài nguyên thực vật trong một vùng mà ở đó loại sinh vật này chưa xuất hiện hoặc xuất hiện có phân bố hẹp.

6. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là thực vật, sản phẩm thực vật, phương tiện sản xuất, bảo quản, vận chuyển hoặc những vật thể khác có khả năng mang đối tượng kiểm dịch thực vật.

7. Chủ tài nguyên thực vật là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc trực tiếp quản lý tài nguyên thực vật đó.

8. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc trực tiếp quản lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đó.

9. Thuốc bảo vệ thực vật là chế phẩm có nguồn gốc từ hoá chất, thực vật, động vật, vi sinh vật và các chế phẩm khác dùng để phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật.

10. Giống cây bao gồm hạt, củ, cây, bộ phận của cây hoặc các sinh chất khác được dùng làm giống.

11. Giống cây nhập nội là giống cây được nhập từ nước ngoài vào để nghiên cứu, gieo trồng trong nước.

Điều 4

Bảo vệ và kiểm dịch thực vật được thực hiện theo các nguyên tắc:

1. Phòng là chính, phát hiện, diệt trừ phải kịp thời, triệt để; bảo đảm hiệu quả phòng, trừ sinh vật gây hại, an toàn sức khoẻ cho người; hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ gìn cân bằng hệ sinh thái;

2. Kết hợp giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội;

3. áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, kết hợp giữa khoa học và công nghệ hiện đại với kinh nghiệm trong nhân dân.

Điều 5

[...]