BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
85/1999/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 7 năm 1999
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 85/1999/TT-BTC NGÀY 7 THÁNG 07 NĂM 1999
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ TỔ CHỨC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN ĐÓNG
GÓP TỰ NGUYỆN CỦA NHÂN DÂN ĐỂ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG CỦA CÁC XÃ, THỊ TRẤN
Căn cứ Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16-4-1999 của Chính phủ về việc
ban hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự
nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn.
Nhằm đảm bảo thực hiện nguyên tắc dân chủ, tự nguyện trong việc huy động
đóng góp của nhân dân cho đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở các
xã, thị trấn (dưới đây gọi chung là xã); huy động phù hợp với khả năng đóng góp
của nhân dân, quản lý và sử dụng có hiệu quả, minh bạch các khoản đóng góp đó,
Bộ Tài chính hướng dẫn một số quy định về đối tượng huy động, hình thức đóng
góp, mức huy động và quá trình tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản
đóng góp của nhân dân để đầu tư cho công trình cơ sở hạ tầng như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG
HUY ĐỘNG, HÌNH THỨC ĐÓNG GÓP VÀ MỨC HUY ĐỘNG:
1/ Xác định đối tượng huy động:
Căn cứ vào tổng mức tối đa huy động
đóng góp của nhân dân, các đối tượng được xét miễn giảm do Hội đồng nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương quy định, căn cứ vào tính chất và mục đích sử dụng
của công trình, nhu cầu vốn cần huy động đóng góp cho công trình, Uỷ ban Nhân
dân xã xác định các đối tượng huy động và tính toán mức huy động đối với từng đối
tượng huy động. Việc tính toán mức đóng góp cho từng đối tượng theo hộ gia đình
và căn cứ vào một trong các tiêu thức sau:
- Số nhân khẩu;
- Diện tích đất canh tác;
- Các tiêu thức khác.
Việc chọn ra tiêu thức hợp lý
cho việc tính mức đóng góp của từng đối tượng do nhân dân bàn và quyết định trực
tiếp.
2/ Hình thức đóng góp:
2.1. Căn cứ vào tính chất thi
công và tình hình thực tế của mỗi công trình, nhân dân có thể thực hiện việc
đóng góp theo các hình thức bằng: tiền, hiện vật và ngày công lao động.
2.2. Phương thức quy đổi ra giá
trị để hạch toán:
Việc xác định mức quy đổi các
khoản đóng góp bằng hiện vật, ngày công lao động ra tiền để hạch toán phải căn
cứ vào mức giá quy đổi đã được nhân dân bàn bạc, nhất trí.
Đối với các khoản đóng góp bằng
hiện vật, ngày công lao động, các xã phải lập sổ kế toán để theo dõi riêng.
2.3. Trường hợp giá cả hiện vật,
ngày công lao động tại thời điểm đóng góp có chênh lệch cao hơn hoặc thấp hơn
20% so với giá quy đổi thì Uỷ ban Nhân dân xã phải tổ chức nhân dân bàn bạc, thống
nhất về giá cả để quy đổi thành tiền đối với hiện vật và ngày công lao động.
3/ Xác định mức đóng góp đối với
từng đối tượng:
Xác định nhu cầu vốn cần huy động
đóng góp:
a/ Việc xác định nhu cầu vốn cần
huy động và mức huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân phải căn cứ vào thu nhập
bình quân và khả năng đóng góp của nhân dân.
b/ Nhu cầu vốn cần huy động đóng
góp tự nguyện của nhân dân trong xã được xác định bằng tổng nhu cầu vốn cho đầu
tư xây dựng công trình (dự toán công trình đã được nhân dân bàn và quyết định
trực tiếp) trừ đi tổng các nguồn vốn khác cho đầu tư xây dựng công trình như:
- Ngân sách nhà nước: hỗ trợ từ
Ngân sách cấp trên, từ ngân sách xã;
- Tài trợ, ủng hộ trực tiếp của
các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài cho đầu tư xây dựng công trình;
- Các nguồn vốn khác.
3.2. Tính toán mức đóng góp của
từng đối tượng: Việc tính toán, xác định mức đóng góp cho từng đối tượng cụ thể
được thực hiện như sau:
a/ Tính tổng nhu cầu vốn cần huy
động đóng góp của nhân dân cho đầu tư xây dựng công trình theo điểm b, khoản
3.1.
b/ Xác định nhu cầu vốn cần huy
động trong từng giai đoạn phù hợp với tiến độ thi công và tiến độ huy động cho
đầu tư xây dựng công trình. Việc xác định dựa trên các căn cứ sau:
- Tiến độ thực hiện thi công
công trình (căn cứ vào dự toán thi công công trình và tình hình thực tế thi
công);
- Tình hình thực tế huy động, tồn
quỹ, tồn kho vật liệu và vốn cho đầu tư xây dựng công trình.
c/ Xác định mức miễn, giảm cho
các đối tượng: Căn cứ vào các đối tượng được miễn, giảm theo quy định của Hội đồng
Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban Nhân dân xã tính toán mức
giảm với từng đối tượng để nhân dân bàn và quyết định.
d/ Việc tính toán, xác định mức
đóng góp cụ thể của từng đối tượng phải được thực hiện công khai, dân chủ và đảm
bảo công bằng, hợp lý. Căn cứ theo tiêu thức phân bổ nêu tại Mục
I, khoản 1; các đối tượng được miễn, giảm, mức giảm cho các đối tượng, các
xã dự kiến cách thức tính và mức đóng góp của từng đối tượng để nhân dân bàn bạc
và quyết định.
II. TỔ CHỨC
HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN ĐÓNG GÓP CỦA NHÂN DÂN ĐỂ ĐẦU TƯ CHO CÔNG
TRÌNH:
1/ Tổ chức huy động:
1.1. Căn cứ chủ trương và mức
huy động đã được phê duyệt, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã chỉ đạo Trưởng thôn,
Trưởng bản phối hợp với Ban công tác mặt trận tại các thôn, bản để tổ chức vận
động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở xã.
Các xã có trách nhiệm thông báo
cho nhân dân về thời hạn đóng góp, địa điểm đóng góp, mức đóng góp đối với từng
đối tượng trong từng lần huy động.
1.2. Ban Tài chính xã có trách
nhiệm thu; thực hiện công tác kế toán quá trình thu, quản lý và sử dụng các khoản
đóng góp của nhân dân cho xây dựng công trình theo đúng các quy định pháp luật
về chế độ kế toán ngân sách xã hiện hành và các quy định hướng dẫn quản lý ngân
sách xã của Bộ Tài chính như: Thông tư số 01/1999/TT
-BTC ngày 4 tháng 1 năm 1999 hướng dẫn quản lý thu chi ngân sách xã, thị trấn,
phường; Thông tư số 76 TC/ĐTPT ngày 1 tháng
11 năm 1997 hướng dẫn việc quản lý, cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc
ngân sách huyện, xã; Thông tư số 47/1999/TT-BTC
ngày 5 tháng 5 năm 1999 hướng dẫn quản lý, cấp phát vốn đầu tư cho dự án hạ tầng
cơ sở các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa.
1.3. Trường hợp Uỷ ban Nhân dân
xã uỷ quyền cho các Trưởng thôn, Trưởng bản thu các khoản đóng góp của nhân
dân:
- Trưởng thôn, Trưởng bản nhận
biên lai thu từ Ban Tài chính xã để thực hiện thu các khoản đóng góp của nhân
dân; Ban Tài chính xã có trách nhiệm hướng dẫn cho các Trưởng thôn, Trưởng bản
về việc quản lý và sử dụng biên lai, chứng từ thu;
- Trưởng thôn, Trưởng bản có
trách nhiệm nộp các khoản thu đóng góp của nhân dân cho Ban Tài chính xã ngay
trong ngày có phát sinh số thu để Ban Tài chính xã kịp thời hạch toán các khoản
đóng góp của nhân dân.
1.4. Sau 5 ngày kể từ ngày tiếp
nhận các khoản đóng góp của nhân dân, Ban Tài chính xã có trách nhiệm nộp vào
kho bạc Nhà nước số tiền đóng góp của nhân dân để cấp phát kịp thời cho đầu tư
xây dựng công trình.
2/ Quản lý và sử dụng các khoản
đóng góp của nhân dân cho đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng tại các xã,
thị trấn phải tuân theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý
ngân sách và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
3/ Các chi phí cho việc mời thầu,
thuê thiết kế công trình, tổ chức thẩm định công trình, tổ chức nghiệm thu công
trình và một số chi phí khác đã được nhân dân bàn và nhất trí được hạch toán vào
giá trị công trình. Việc dự toán, quản lý và sử dụng các chi phí này phải tuân
theo các quy định của pháp luật hiện hành đồng thời phải được nhân dân bàn bạc
và nhất trí.
4/ Bồi thường thiệt hại, đền bù
giải phóng mặt bằng:
Trong quá trình thực hiện thi
công xây dựng công trình, nếu có phát sinh các trường hợp gây thiệt hại về tài
sản của nhân dân như hoa màu, đất đai..., Uỷ ban Nhân dân xã có trách nhiệm:
4.1. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức đoàn thể quần chúng vận động nhân dân coi những thiệt hại đó là khoản
tự nguyện ủng hộ việc thi công công trình vì lợi ích chung;
4.2. Trong trường hợp mức thiệt
hại lớn, Uỷ ban Nhân dân xã cần phải tính toán đền bù cho nhân dân và tính vào
dự toán công trình để tính chung trong tổng nhu cầu vốn cần huy động và phân bổ
cho tất cả các đối tượng đóng góp.
4.3. Đối với những công trình có
thể có nguồn thu khi đưa vào sử dụng, Uỷ ban nhân dân xã xây dựng phương án sử
dụng nguồn thu để bồi thường, đền bù cho những người bị thiệt hại trên cơ sở có
sự thoả thuận, nhất trí của những người được đền bù.
5/ Quyết toán công trình:
5.1. Sau khi kết thúc thi công
công trình, các xã có trách nhiệm tiến hành quyết toán việc thu và sử dụng các
khoản đóng góp của nhân dân cho đầu tư xây dựng công trình và phải tuân theo các
quy định hiện hành về quyết toán vốn xây dựng cơ bản: Thông tư số 76 TC/ĐTPT ngày 1 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài
chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân
sách huyện, xã; Thông tư số 47/1999/TT-BTC
ngày 5 tháng 5 năm 1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, cấp phát vốn đầu tư
cho dự án hạ tầng cơ sở các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa.
5.2. Trường hợp có phát sinh
chênh lệch thu-chi:
a/ Nếu phát sinh số thu lớn hơn
chi, thì việc sử dụng số chênh lệch thừa này do nhân dân bàn và quyết định.
b/ Nếu phát sinh số thu nhỏ hơn
chi, thì phải tổ chức cho nhân dân bàn và quyết định các phương án bổ sung phần
chênh lệch thiếu theo hướng:
- Huy động các nguồn kinh phí
khác: ngân sách Nhà nước các cấp, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước...
- Huy động đóng góp bổ sung của
nhân dân.
6/ Thực hiện báo cáo và công
khai tài chính:
6.1. Sau 15 ngày kể từ ngày quyết
toán công trình được duyệt, Uỷ ban Nhân dân xã lập báo cáo tình hình thu, quản
lý và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân gửi cho Uỷ ban Nhân dân cấp huyện,
đồng thời trình ra Hội đồng nhân dân xã trong kỳ họp gần nhất. Các báo cáo gồm:
a/ Báo cáo tài chính về tình
hình huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp cho công trình (theo Biểu số 1, phụ lục đính kèm).
b/ Báo cáo tình hình chấp hành dự
toán thiết kế và dự toán thi công của công trình;
c/ Biên bản nghiệm thu và báo
cáo đánh giá chất lượng của công trình;
d/ Báo cáo đánh giá hiệu quả sử
dụng vốn huy động của công trình.
6.2. Trong quá trình huy động,
quản lý và sử dụng các khoản đóng góp cho đầu tư xây dựng công trình, các xã phải
thực hiện công khai tài chính theo các quy định tại Thông tư số 29/1999/TT-BTC ngày 19 tháng 3 năm 1999 của Bộ
Tài chính hướng dẫn thực hiện công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn thu
từ các khoản đóng góp của nhân dân và các quy định khác của pháp luật hiện hành
về thực hiện công khai tài chính.
7/ Đối với trường hợp nhân dân
trong phạm vi một thôn, xóm, ấp bản hoặc một cộng đồng dân cư (theo tôn giáo,
dòng họ) của xã tự nguyện đứng ra tổ chức huy động, tự quản lý việc đầu tư xây
dựng công trình phục vụ trực tiếp cho lợi ích của cộng đồng dân cư đó, Uỷ ban
Nhân dân xã có trách nhiệm hướng dẫn việc lập dự toán công trình, thanh quyết
toán công trình, thực hiện công khai tài chính; lập báo cáo lên cấp trên để ghi
nhận và tổng hợp việc nhân dân đã đóng góp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
trên địa bàn.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN:
1/ Thông tư này có hiệu lực sau
15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
2/ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện các quy định
của Thông tư này.
3/ Trong quá trình thực hiện nếu
có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.
PHỤ LỤC
BIỂU SỐ 1:
- Xã:......
- Tên công trình:.....
- Thời gian: Thực hiện từ
ngày......tháng......năm..... đến ngày .....tháng.... năm....
BÁO CÁO TÀI CHÍNH VỀ TÌNH HÌNH HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ
SỬ DỤNG CÁC KHOẢN ĐÓNG GÓP CHO CÔNG TRÌNH.
(Đơn vị tính: .........đồng)
Các
khoản thu
|
Số
tiền
|
Sử
dụng nguồn thu
|
Số
tiền
|
Phản ánh theo từng mục đích
thu cụ thể:
1- Thu các khoản hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước các cấp cho đầu tư xây dựng
công trình;
2- Thu các khoản tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho
đầu tư xây dựng công trình;
3- Thu các khoản huy động đóng góp của nhân dân cho đầu tư xây dựng công
trình;
4- Thu khác.
_____________
Tổng thu:
|
|
Phản ánh theo từng mục đích
chi cụ thể:
1- Các khoản chi cho đầu tư xây dựng công trình (ghi theo từng mục đích chi cụ
thể)
2- Chi khác (nếu có).
_____________
Tổng chi:
|
|
Chênh lệch
|
|
Chênh lệch
|
|
Ngày.....
tháng...... năm...
TM. Uỷ ban Nhân dân xã