Thông tư 79/2001/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính để thực hiện các dự án đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 79/2001/TT-BTC
Ngày ban hành 28/09/2001
Ngày có hiệu lực 28/09/2001
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giao thông - Vận tải,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 79/2001/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA TÀI CHÍNH SỐ 79/2001/-BTC NGÀY 28 THÁNG 9 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ĐỂ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN, CƠ SỞ HẠ TẦNG NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN, CƠ SỞ HẠ TẦNG LÀNG NGHỀ Ở NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị quyết số 05/2001/NQ-CP ngày 24/5/2001 của Chính phủ về việc bổ sung một số giải pháp điều hành kế hoạch kinh tế năm 2001 và Quyết định số 132/2001/QĐ-TTg ngày 7/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính thực hiện chương trình phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG:

1- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổ chức xây dựng và quyết định quy hoạch phát triển các chương trình giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn phù hợp với các điều kiện và yêu cầu phát triển của địa phương.

2- Nguồn vốn để thực hiện các chương trình đầu tư đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn được thực hiện chủ yếu bằng việc huy động đóng góp của nhân dân (bằng tiền, hiện vật, ngày công lao động,...); ngân sách hỗ trợ một phần từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung và nguồn vốn được đầu tư trở lại theo Nghị quyết Quốc hội hàng năm của địa phương. Tỷ lệ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định cụ thể cho phù hợp với từng vùng địa phương nhưng tối đa không quá 60%.

Đối với các tỉnh miền núi, các tỉnh có nguồn thu ngân sách và các nguồn thu được để lại đầu tư không lớn, ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần thông qua kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của địa phương.

3- Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được vay vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất 0% để thực hiện dự án đầu tư đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn.

4- Các tỉnh, thành phố được vay vốn tín dụng ưu đãi phải chủ động bố trí nguồn để trả nợ vốn vay bằng: vốn đầu tư từ các nguồn thu để lại theo Nghị quyết của Quốc hội, vốn đầu tư XDCB tập trung, vốn sự nghiệp kinh tế bố trí trong dự toán chi ngân sách địa phương hàng năm và các nguồn khác (nếu có).

5- Hàng năm, căn cứ vào tổng mức vốn tín dụng dành cho đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn hàng năm được duyệt, nhu cầu và khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư của địa phương kể cả nguồn đóng góp của nhân dân, Bộ Tài chính quyết định mức cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vay. Việc cho vay vốn được thực hiện qua hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THỰC HIỆN VỐN VAY ƯU ĐÃI:

1- Đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định tại Thông tư này là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các dự án đầu tư đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn có đủ 2 điều kiện:

- Được đầu tư từ ngân sách hoặc được ngân sách hỗ trợ đầu tư.

- Đã được cấp có thẩm quyền quyết định và có đủ thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản theo các quy định hiện hành.

2. Hồ sơ vay vốn:

Để có căn cứ quyết định mức vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Bộ Tài chính các văn bản gồm:

- Danh mục dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Văn bản đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn, trong đó phải xác định rõ và đầy đủ các cơ sở sau đây:

+ Tổng nhu cầu vốn đầu tư.

+ Phần vốn địa phương huy động của dân.

+ Mức vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương.

+ Mức vốn ngân sách trung ương đã hỗ trợ (nếu có).

+ Số vốn còn thiếu, trong đó đề nghị vay Trung ương, có phân khai cụ thể thời gian vay cho từng năm, trước mắt tính cho các năm 2001, 2002, 2003.

+ Kế hoạch trả nợ cho từng năm.

(Biểu tổng hợp nhu cầu vay vốn và dự kiến trả nợ theo mẫu đính kèm).

3. Mức vốn cho vay:

Căn cứ nhu cầu về vay vốn tín dụng để đầu tư đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn của các địa phương, khả năng trả nợ của ngân sách địa phương và tổng mức vốn tín dụng ưu đãi hàng năm cho nhu cầu trên đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, Bộ Tài chính quyết định mức vốn cho vay hàng năm đối với từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Căn cứ chuyển vốn vay: Hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển thực hiện chuyển vốn cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vay trên cơ sở:

[...]