Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 77/2015/TT-BGTVT Quy định về vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 77/2015/TT-BGTVT
Ngày ban hành 07/12/2015
Ngày có hiệu lực 01/02/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/2015/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC VẬN TẢI HÀNH KHÁCH, HÀNH LÝ TRÊN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 14/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về việc vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị là đơn vị trực tiếp kinh doanh, khai thác các tuyến đường sắt đô thị, sau đây gọi tắt là doanh nghiệp.

2. Hành lý là vật dụng, hàng hóa của hành khách được phép mang theo vào ga, lên tàu trong cùng một chuyến đi.

3. Bảng chỉ dẫn hành trình tuyến là bảng thông tin được gắn tại các nhà ga và trên các toa tàu dùng để chỉ dẫn cho hành khách biết hành trình của tuyến bao gồm tất cả các ga đường sắt đô thị trên tuyến.

4. Vé hành khách là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách, sau đây gọi tắt là vé.

5. Hàng nguy hiểm là hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Chương II

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Điều 4. Quyền của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị

1. Yêu cầu hành khách đi tàu phải có vé hợp lệ.

2. Kiểm tra hành lý trước khi mang vào trong ga và lên tàu. Trong trường hợp có nghi ngờ về tính an toàn, có quyền yêu cầu hành khách mở hành lý mang theo để kiểm tra.

3. Được quyền từ chối vận chuyển hành khách trong các trường hợp sau đây:

a) Mang các hành lý vượt quá số lượng, trọng lượng, kích thước và các hành lý không được mang theo người vào ga, lên tàu theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Thông tư này;

b) Trẻ em từ 06 tuổi trở xuống, trường hợp không xác định được tuổi thì có chiều cao dưới 1,15 mét mà không có người lớn đi kèm;

[...]