Thông tư 7-TC/GTTL-1979 hướng dẫn về thủ tục nhượng bán tài sản cố định tại Thông tư 260-TTg 1977 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 7-TC/GTTL
Ngày ban hành 25/04/1979
Ngày có hiệu lực 10/05/1979
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Võ Trí Cao
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ TÀI CHÍNH

*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

*******

Số: 7-TC/GTTL

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 1979

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THÊM MỘT SỐ ĐIỂM VỀ THỦ TỤC NHƯỢNG BÁN TÀI SẢN CỐ ĐỊNH QUY ĐỊNH TRONG THÔNG TƯ SỐ 260-TTg NGÀY 20/6/1977 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Để thống nhất cách giải quyết một số khó khăn tạm thời phát sinh trong việc nhượng bán tài sản cố định giữa các đơn vị hạch toán kinh tế thuộc các ngành, các địa phương, đảm bảo thi hành nghiêm chỉnh những quy định trong thông tư số 260-TTg ngày 20 tháng 6 năm 1977 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung và sửa đổi chế độ quản lý và hạch toán tài sản cố định của các xí nghiệp quốc doanh, Bộ Tài chính  hướng dẫn thêm một số điểm sau đây:

1. Tất cả những tài sản cố định mà các đơn vị nhượng bán cho nhau đều phải theo giá cả thỏa thuận như quy định trong điểm 1 mục III thông tư số 260-TTg để có cơ sở phân định trách nhiệm rõ ràng trong việc quản lý và sử dụng tài sản cố định giữa đơn vị giao và đơn vị nhận tài sản. Khoản chênh lệch giữa số tiền thu được theo giá thỏa thuận và giá trị còn lại (nguyên giá trừ (-) khấu hao cơ bản đã trích) đơn vị nhượng bán tài sản cố định giải quyết như sau:

- Được đưa vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất nếu số thu về lớn hơn giá trị còn lại;

- Phải nộp đủ phần giá trị còn lại vào ngân sách Nhà nước (hay trả tiền vay ngân hàng nếu là tài sản mua sắm bằng vốn vay) nếu số thu về ít hơn giá trị còn lại.

Trường hợp nguyên giá của những tài sản cố định nhượng bán không còn đủ tin cậy do tài sản cố định đã qua nhiều lần chuyển dịch hoặc thay đổi kết cấu mà đến nay không còn đủ hồ sơ, tài liệu gốc để kiểm tra xác định lại nguyên giá, thì cơ quan chủ quản là Bộ, Tổng cục. là liên hiệp các xí nghiệp đối với xí nghiệp Trung ương; Sở, Ty, đối với xí nghiệp địa phương, dưới đây gọi chung là cơ quan chủ quản cấp trên bàn bạc với cơ quan tài chính cùng cấp xét quyết định cho đơn vị giao, tài sản cố định được miễn nộp thêm cho ngân sách Nhà nước khoản chênh lệch số thu về ít hơn giá trị còn lại và miễn thu thêm vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp mà nộp vào ngân sách Nhà nước nếu số thu về nhiều hơn giá trị còn lại của tài sản cố định. Trong trường hợp này đơn vị nhận mua tài sản cố định vẫn phải hạch toán và quản lý sử dụng tài sản cố định theo giá thỏa thuận như quy định tại thông tư số 226-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối với những tài sản cố định được nhượng bán giữa các đơn vị trong cùng một liên hiệp các xí nghiệp, hoặc trong cùng một Bộ, một Tổng cục (chủ yếu giữa những đơn vị trực thuộc Bộ, còn hoạt động ngoài liên hiệp các xí nghiệp) hoặc trong cùng một Sở, Ty chủ quản, để đơn giản thủ tục cấp phát, cơ quan chủ quản cấp trên có thể làm thủ tục tăng vốn cố định cho đơn vị nhận và giảm vốn cố định cho đơn vị giao theo giá thỏa thuận đồng thời báo cho cơ quan tài chính cùng cấp biết. Trường hợp giá thỏa thuận và giá trị còn lại có chênh lệch thì xử lý như sau:

- Nếu giá thỏa thuận lớn hơn giá trị còn lại, thì bên giao tài sản hạch toán giảm tài sản cố định theo nguyên giá, giảm vốn cố định theo giá trị còn lại. Khoản chênh lệch lớn hơn được coi như số tiền đã nộp quá vào ngân sách, đơn vị được trích dần từ lợi nhuận nộp ngân sách đưa vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của mỗi năm bằng mức khấu hao cơ bản cho đến khi hết số chênh lệch của tài sản cố định đó.

- Nếu giá thỏa thuận nhỏ hơn giá trị còn lại thì đơn vị giao tài sản hạch toán giảm tài sản cố định theo nguyên giá và giảm vốn cố định theo giá trị còn lại. Số chênh lệch thiếu hạch toán là số còn phải nộp ngân sách, được phân bổ dần vào lỗ và nộp vào ngân sách Nhà nước mỗi năm bằng mức khấu hao cơ bản của tài sản cố định cho đến khi hết số chênh lệch đó.

Cơ quan chủ quan cấp trên phải mở sổ sách theo dõi chặt chẽ từng trường hợp để có cơ sở kiểm tra đối chiếu số liệu với xí nghiệp, đảm bảo cho tài sản cố định được ghi chép vào sổ sách của đơn vị nhận và số chênh lệch được nộp vào ngân sách hoặc được trích đủ vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của đơn vị giao tài sản. Hàng năm cơ quan chủ quản cấp trên lập báo cáo riêng về tình hình nhượng bán tài sản cố định dưới hình thức tăng giảm vốn cố định như trên cho cơ quan tài chính Nhà nước cùng cấp biết.

3. Nếu tài sản cố định được nhượng bán cho các cơ sở ngoài Bộ, Tổng cục (Sở, Ty) hay từ cơ sở thuộc Trung ương quản lý nhượng bán cho cơ sở thuộc địa phương quản lý, hoặc từ cơ sở hạch toán kinh tế nhượng bán cho đơn vị chưa hạch toán kinh tế, các đơn vị sự nghiệp, hành chính… thì đơn vị nhận tài sản cố định phải dùng vốn vay, vốn tự có hay vốn ngân sách cấp phát để thanh toán cho đơn vị giao tài sản theo giá thỏa thuận. Trường hợp đơn vị được nhận tài sản là đơn vị dự toán không có vốn thanh toán nhưng cần phải thực hiện ngay việc nhượng bán thì cơ quan chủ quản đơn vị nhận tài sản cố định đề nghị với cơ quan tài chính cùng cấp ghi bổ sung kế hoạch ngân sách và thực hiện cấp phát cho đơn vị nhận tài sản đồng thời thu hồi vốn của đơn vị giao tài sản. Ngân sách Nhà nước thực hiện cấp phát bằng số vốn được thu hồi. Số chênh lệch phát sinh ở đơn vị xử lý như quy định trong điều 01 và 02 trên đây.

4. Trường hợp có lệnh khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền phải chuyển giao ngay tài sản mà hai bên giao và nhận chưa có điều kiện thỏa thuận giá cả thì trong một thời gian ngắn nhất (có thể được) ngay sau khi chuyển giao, đơn vị giao và đơn vị nhận tài sản cố định phải cùng nhau xác định giá cả thoả thuận. Trong thời gian chưa có giá cả thoả thuận đơn vị giao tài sản cố định và đơn vị nhận tài sản cố định hạch toán giảm vốn và tăng vốn theo giá cả đã hình thành và khi có giá cả thoả thuận trong một thời gian ngắn nhất phải tiến hành điều chỉnh lại sổ sách kế toán và xử lý khoản chênh lệch theo quy định tại thông tư số 260-TTg hoặc như quy định trong thông tư này tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.

5. Đối với những tài sản cố định xác định mua sắm bằng nguồn vốn vay ngân hàng, đơn vị nhận tài sản phải tự sắp xếp nguồn vốn của mình để thanh toán cho đơn vị giao tài sản theo giá thỏa thuận hoặc chuyển chủ nợ sau khi được sự thoả thuận của ngân hàng. Khoản chênh lệch giữa giá thỏa thuận và số tiền vay chưa thanh toán ngân hàng được xử lý theo quy định tại thông tư số 260-TTg.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Võ Trí Cao

 

20
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ