Thông tư 260-TTg-1977 sửa đổi quy định về quản lý và hạch toán tài sản cố định của các xí nghiệp quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 260-TTg |
Ngày ban hành | 20/06/1977 |
Ngày có hiệu lực | 05/07/1977 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Lê Thanh Nghị |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 260-TTg |
Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 1977 |
Chế độ quản lý và hạch toán tài sản cố định của các xí nghiệp quốc doanh đã được quy định trong nhiều văn bản của Nhà nước như quy định tạm thời số 131-TTg ngày 04-04-1957, thể lệ tạm thời số 132-TTg ngày 04-04-1957, quyết định số 150-TTg ngày 17-05-1971 v.v…
Những chế độ này đã góp phần vào việc tăng cường quản lý kinh tế, tài chính và bảo vệ tài sản Nhà nước.
Đến nay, công tác quản lý và hạch toán tài sản cố định tại nhiều xí nghiệp còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến hậu quả là nhiều máy móc, thiết bị chưa được sử dụng hết công suất; nhiều tài sản cố định bị mất hoặc hư hỏng trước thời hạn sử dụng đã được quy định; nhiều tài sản cố định đang dùng trong sản xuất kinh doanh không được ghi vào sổ sách của xí nghiệp, không tính khấu hao, v.v…
Tài sản cố định của ta hiện nay đã tăng lên gấp bội so với trước. Để chấn chỉnh và tăng cường quản lý theo phương thức hạch toán kinh kế, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điểm trong chế độ quản lý và hạch toán tài sản cố định như sau.
I. TIÊU CHUẨN VỀ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH
1. Những công cụ lao động của xí nghiệp quốc doanh có đủ hai điều kiện dưới đây, được coi là tài sản cố định:
a) Giá trị đơn vị từ 500 đồng trở lên;
b) Thời gian sử dụng trên một năm.
Thiếu một trong hai điều kiện nói trên, thì coi là công cụ lao động thuộc tài sản lưu động.
2. Để đáp ứng yêu cầu quản lý công cụ lao động của từng ngành, đối với một số trường hợp đặc biệt, sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận, các Bộ và Tổng cục của quản xí nghiệp có thể xếp vào tài sản cố định một số công cụ lao động có giá trị dưới 500 đồng.
3. Riêng đối với các tỉnh phía Nam, trong khi chưa đánh giá lại tài sản cố định, thì tạm thời vẫn theo các phân loại tài sản cố định đã ghi sổ sách kế toán và sử dụng giá trị tài sản cố định được phép tạm tính trong đợt kiểm kê ngày 01 tháng 01 năm 1977 cho đến khi có quyết định mới.
II. KHẤU HAO TÀI SẢN CỐ ĐỊNH VÀ SỬA CHỮA LỚN TÀI SẢN CỐ ĐỊNH.
1. Tất cả những tài sản cố định hiện có ở xí nghiệp đều phải được huy động, sử dụng trong năm kế hoạch và phải tính khấu hao. Trong trường hợp có những tài sản cố định thừa không cần dùng hoặc chưa cần dùng, xí nghiệp phải lập bảng kê chi tiết, báo cáo lên Bộ, Tổng cục chủ quản (đối với các xí nghiệp trung ương) hoặc Sở, Ty chủ quan (đối với các xí nghiệp địa phương) để xem xét và giải quyết. Các Bộ, Tổng cục chủ quản và các Sở, Ty chủ quản ở địa phương, sau khi kiểm tra và xác nhận những tài sản cố định đó thực sự không cần dùng cho xí nghiệp, phải có kế hoạch điều động cho các xí nghiệp khác trong ngành sử dụng, hoặc kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để huy động, sử dụng cho các ngành khác nếu xét thấy trong ngành mình không cần dùng. Trong trường hợp có những tài sản cố định không cần dùng hoặc chưa cần dùng, nhưng được Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời giữ lại trong ngành; Bộ và Tổng cục chủ quản (hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh đối với xí nghiệp địa phương) được quyền quyết định cho các xí nghiệp không tính khấu hao đối với những tài sản cố định đó.
Tỷ lệ khấu hao tài sản cố định phải được tính toán căn cứ vào thời gian sử dụng, điều kiện và chế độ làm việc của tài sản cố định, bảo đảm thu hồi vốn nhanh cho Nhà nước và khuyến khích việc sử dụng có hiệu quả tài sản cố định. Tỷ lệ khấu hao quy định riêng cho khấu hao cơ bản và khấu hao sữa chữa lớn.
Trong khi chờ đợi Nhà nước quy định lại chế độ khấu hao tài sản cố định cho các ngành kinh tế, các Bộ, Tổng cục, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, chủ quản xí nghiệp vẫn thi hành những tỷ lệ khấu hao đã có, nhưng cần bổ sung, điều chỉnh những tỷ lệ không hợp lý, bảo đảm tất cả tài sản cố định hiện có đều có tỷ lệ khấu hao. Tất cả các xí nghiệp phải thi hành các tỷ lệ khấu hao do Bộ, Tổng cục chủ quản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định.
Các Bộ, Tổng cục chủ quản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố căn cứ vào tỷ lệ khấu hao của các Bộ chuyên ngành để định tỷ lệ khấu hao thống nhất cho các đơn vị cơ sở trực thuộc Bộ mình, địa phương mình
Nếu có trường hợp cần điều chỉnh tỷ lệ khấu hao cho phù hợp với điều kiện sử dụng tài sản cố định, thì việc điều chỉnh được thực hiện bằng cách áp dụng hệ số tăng giảm, tỷ lệ khấu hao (khấu hao cơ bản và khấu hao sữa chữa lớn). Áp dụng hệ số tăng cho những tài sản cố định được sử dụng trong điều kiện khắc nghiệt làm tăng nhanh sự hao mòn. Áp dụng hệ số giảm cho những tài sản cố định được sử dụng trong những điều kiện thuận lợi (ít bị tác động của môi trường bên ngoài) làm giảm bớt sự hao mòn.
Bộ Tài chính có trách nhiệm bàn với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, Tổng cục chủ quản để ban hành biểu tỷ lệ khấu hao và bảng hệ số tăng giảm tỷ lệ khấu hao, áp dụng thống nhất cho tất cả các ngành trong phạm vi cả nước.
Sau khi có biểu tỷ lệ khấu hao và bảng hệ số tăng giảm tỷ lệ khấu hao thống nhất, các Bộ, Tổng cục chủ quản quy định tỷ lệ khấu hao và hệ số tăng giảm tỷ lệ khấu hao (khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn) cho ngành mình trong phạm vi tỷ lệ khấu hao và hệ số tăng giảm tỷ lệ khấu hao thống nhất của Nhà nước sau khi bàn với Bộ Tài chính.
2. Số tiền khấu hao cơ bản của tài sản cố định xây dựng, mua sắm bằng vốn do ngân sách cấp hoặc bằng vốn tự có của xí nghiệp vẫn được phân phối theo chế độ hiện hành; số tiền khấu hao cơ bản của tài sản cố định xây dựng, mua sắm bằng vốn vay Ngân hàng Nhà nước phải được dùng để trả vốn theo đúng thời hạn quy định.
Số tiền khấu hao sửa chữa lớn tài sản cố định do xí nghiệp quản lý và phải gửi vào tài khoảng riêng ở ngân hàng.
Dưới đây là hai trường hợp được giải quyết đặc biệt :
a) Đối với tài sản cố định đã được thu hồi hoặc hoàn trả đủ vốn (khấu hao cơ bản hết) nhưng vẫn còn sử dụng được, xí nghiệp tiếp tục trích khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn theo tỷ lệ và nguyên giá cũ, hạch toán vào giá thành (hay phí lưu thông), nhưng không hạch toán giảm vốn cố định. Số tiền khấu hao cơ bản này sẽ bổ sung vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất (hoặc quỹ chuyên dùng); số tiền khấu hao aư3a chữa lớn vẫn do xí nghiệp quản lý.
b) Đối với tài sản cố định chưa khấu hao cơ bản hết mà đã hư hỏng (do khuyết điểm chủ quan của xí nghiệp), xí nghiệp phải tiếp tục nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền chưa khấu hao cơ bản hết (nguyên giá trừ số khấu hao cơ bản đã trích) và phân bổ dần vào khoản lỗ cho tới khi nộp đủ vốn. Mức nộp ngân sách hàng tháng tương ứng với mức trích khấu hao của tài sản cố định đó khi còn sử dụng được.
Nếu tài sản cố định xây dựng, mua sắm hoặc tự chế tạo bằng vốn vay của Ngân hàng Nhà nước, thì xí nghiệp phải tiếp tục hoàn trả vốn vay, nếu chưa hoàn trả đủ vốn. Số tiền trả ngân hàng (hàng tháng) cũng được hạch toán vào khoản lỗ như trường hợp nói trên.
3. Các Bộ, Tổng cục và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chủ quản căn cứ vào những quy định hiện hành về nội dung công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định mà quy định tiêu chuẩn phân loại nội dung công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên một cách cụ thể và thích hợp với từng loại tài sản cố định. Các xí nghiệp phải căn cứ vào quy định này để lập kế hoạch và hạch toán sửa chữa tài sản cố định.