Thông tư 680-TT/VI/2 năm 1959 quy định chế độ lương, phụ cấp và trang phục cho công nhân lái máy ca-nô và cảnh sát tuần tra kiểm soát trên sông, cảng do Bộ công an ban hành

Số hiệu 680-TT/VI/2
Ngày ban hành 30/07/1959
Ngày có hiệu lực 14/08/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Trần Quốc Hoàn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ CÔNG AN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 680-TT/VI/2

Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ LƯƠNG, PHỤ CẤP VÀ TRANG PHỤC CHO CÔNG NHÂN LÁI MÁY CA-NÔ VÀ CẢNH SÁT TUẦN TRA KIỂM SOÁT TRÊN SÔNG, CẢNG

Hiện nay các đội tuần tra kiểm soát bằng ca-nô đã được xây dựng để làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an ở sông, cảng.

Do tính chất và điều kiện công tác ở sông, cảng có khác với trên bộ, nên cần quy định việc xếp lương, chế độ phụ cấp và trang bị cho phù hợp để bảo đảm được nhiệm vụ công tác. Vì vậy, sau khi nghiên cứu và được sự thỏa thuận của các Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, Bộ ra thông tư quy định cụ thể các chế độ như sau:

I. VỀ VIỆC XẾP LƯƠNG CHO CÔNG NHÂN LÁY MÁY CA-NÔ

Năm 1958, khi thi hành chính sách lương mới, vì các đội tuần tra kiểm soát bằng ca-nô chưa thành lập, nên Bộ tạm quy định việc xếp lương cho công nhân lái máy ca-nô vào thang lương công nhân cơ khí 8 bậc. Nhưng từ khi các đội tuần tra trên sông, cảng được xây dựng, anh em đã chính thức làm nhiệm vụ lái máy ca-nô trên sông, cảng, nên việc xếp thang lương công nhân cơ khí không thích hợp nữa. Nay Bộ quyết định:

1. Sắp xếp lại lương cho công nhân lái máy ca-nô theo tiêu chuẩn bậc lương loại IV cấp 3 là thang lương áp dụng cho các công nhân công tác trên ca-nô của Bộ Giao thông và Bưu điện xây dựng.

2. Về nguyên tắc xếp lương: căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ và khả năng hiện tại của anh em và sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Giao thông và Bưu điện, Bộ quy định khung bậc sắp xếp cho công nhân lái máy ca-nô từ bậc 3 đến bậc 2 của chức danh 1 và 2 trong bản tiêu chuẩn bậc lương loại IV cấp 3 (có bản tiêu chuẩn bậc lương kèm theo).

Do yêu cầu chuyên môn và trách nhiệm của mỡi chức danh có khác nhau, nên mức tiền mỗi bậc của công nhân lái đều cao hơn công nhân máy, cho nên trong khi sắp xếp phải chú ý bảo đảm tương quan đó.

Khung bậc và tương quan tuy quy định  như trên, nhưng khi tiến hành sắp xếp cần phải nghiên cứu kỹ về tiêu chuẩn bậc lương và tiêu chuẩn đức, tài của từng người để sắp xếp cho thích hợp.

3. Về phụ cấp khu vực: sau khi sắp xếp theo thang lương loại IV cấp 3, nếu anh em nào công tác ở địa phương có phụ cấp khu vực thì cũng được hưởng phụ cấp khu vực nơi đó từ ngày 01-01-1959.

Ví dụ: một công nhân lái ca-nô ở Hải Phòng được xếp bậc 2 là 59đ cộng với 10% phụ cấp khu vực ở Hải Phòng thì mỗi tháng sẽ được lĩnh:

(59đ x 10)

+ 59đ = 64 đồng 90

100

4. Ngoài ra tại Sở Công an Hải Phòng có một số công nhân lái máy ca-nô, trước đây địa phương xếp vào thang lương công nhân cơ quan 8 bậc, nay Bộ quyết định cũng xếp theo tiêu chuẩn bậc lương loại IV cấp 3 nói trên kể từ ngày 01-01-1959.

II. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP BỒI DƯỠNG KHI ĐI CÔNG TÁC Ở SÔNG, CẢNG VÀ NGOÀI BỂ

Các anh em cảnh sát và công nhân lái máy ca-nô trong khi công tác trên sông, cảng và ngoài bể vì điều kiện thiên nhiên như sóng, gió, nóng, lạnh khác trên bộ, có ảnh hưởng đến sức khỏe, nay Bộ quy định chế độ phụ cấp bồi dưỡng sức khỏe như sau:

1. Nói chung công nhân lái máy và cảnh sát khi đi công tác trên sông, cảng và ngoài bể đều được phụ cấp bồi dưỡng sức khỏe.

2. Cách tính cụ thể như sau:

a) Chỉ phụ cấp cho những ngày ca-nô thực sự chạy ở sông, cảng và ngoài bể để làm nhiệm vụ.

b) Thời gian và mức tiền phụ cấp tính như sau:

- Từ 4 giờ trở lên tính là một ngày, và nếu đi công tác ở sông, cảng một ngày được phụ cấp 3 hào; nếu đi công tác ở ngoài bể một ngày được phụ cấp 6 hào.

- Từ 2 đến 4 giờ tính là nửa ngày, nếu đi công tác ở sông, cảng được phụ cấp 1 hào rưỡi; nếu đi công tác ở bể được phụ cấp 3 hào.

Thời gian tính từ khi ca-nô nổ máy chạy, cho đến khi về đồn, bến hay đậu lại một chỗ nào phải liên tục từ 2 giờ trở lên mới được phụ cấp; trường hợp sáng đi một giờ rưỡi, chiều đi 1 giờ rưỡi thì những giờ đó không được cộng lại để tính phụ cấp.

c) Trường hợp đi công tác ban đêm thì tính như sau:

Nếu ban ngày không đi tuần tra hay có đi nhưng số giờ chưa đủ mức phụ cấp thì khi đi công tác ban đêm sẽ được tính như đã quy định ở điểm b.

- Nếu ban ngày đã đi công tác và được hưởng phụ cấp rồi, thì khi đi công tác ban đêm, dù là đi công tác trên sông, cảng hay ở bể cũng phải quá 12 giờ đêm mới được hưởng phụ cấp và mức phụ cấp quy định thống nhất là 3 hào một người kể cả công nhân lái máy hay cảnh sát.

3. Riêng đội tuần tra ở cảng Hải Phòng làm nhiệm vụ kiểm soát khi có tàu của nước ngoài đậu ở cảng, vì tính chất điều kiện công tác có khác với đội tuần tra trên sông, nên mức độ phụ cấp quy định:

- Trong một ngày một đêm nếu phải làm việc từ 6 giờ trở lên được phụ cấp 3 hào một người; nếu chỉ làm nhiệm vụ từ 4 giờ đến 6 giờ được phụ cấp 1 hào rưỡi; còn dưới 4 giờ thì không được phụ cấp.

[...]