Thông tư 63/2017/TT-BTNMT về quy định kỹ thuật đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 63/2017/TT-BTNMT
Ngày ban hành 22/12/2017
Ngày có hiệu lực 15/02/2018
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Nguyễn Linh Ngọc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2017/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2017

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT ĐO VẼ BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH ĐÁY BIỂN TỶ LỆ 1:5000

Căn cứ Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật tài nguyên, môi trường và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

Căn cứ Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư Quy định kỹ thuật đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các yêu cầu kỹ thuật trong đo vẽ trực tiếp, biên vẽ từ các nguồn tư liệu đã có (được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc được cơ quan có thẩm quyền xuất bản) để phục vụ việc thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000 trên vùng biển Việt Nam. Độ sâu khu vực đo vẽ giới hạn đến 100m nước (tính theo mặt chuẩn độ cao trong Hệ tọa độ VN-2000).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Lưới khống chế cơ sở là lưới khống chế tọa độ, độ cao, được phát triển từ lưới tọa độ, độ cao quốc gia phục vụ lập lưới khống chế đo vẽ và lập các trạm tĩnh khi cần thiết.

2. Lưới khống chế đo vẽ là lưới khống chế tọa độ, độ cao được phát triển từ lưới khống chế cơ sở, từ cặp điểm kiểm tra thiết bị đo biển gần nhất phục vụ cho đo sâu bằng sào.

3. Điểm kiểm tra thiết bị đo biển là điểm dùng để kiểm nghiệm các máy, thiết bị đo biển ở khu vực đo vẽ. Điểm kiểm tra thiết bị đo biển được đo nối tọa độ, độ cao từ các điểm thuộc lưới tọa độ, lưới độ cao quốc gia.

4. Điểm nghiệm triều là điểm có gắn thước đo mực nước. Điểm “0” của điểm nghiệm triều được đo nối độ cao từ các điểm kiểm tra thiết bị đo biển gần nhất, từ các điểm độ cao nghiệm triều gần nhất hoặc từ các điểm thuộc lưới độ cao quốc gia gần nhất. Điểm “0” của điểm nghiệm triều là điểm trùng với vạch “0” của thước đo mực nước.

5. Điểm độ cao nghiệm triều là điểm được đo nối độ cao từ các điểm độ cao quốc gia và được sử dụng làm điểm quá độ để đo nối thủy chuẩn kỹ thuật vào điểm “0” của điểm nghiệm triều.

6. Công nghệ GNSS (Global Navigation Satellite System), công nghệ DGNSS (Difference Global Navigation Satellite System) là các công nghệ định vị, dẫn đường bằng hệ thống vệ tinh toàn cầu.

7. Trạm DGPS (Difference Global Positioning System): Trạm mặt đất cố định nằm trong Hệ thống định vị toàn cầu vi sai.

8. SBES (Single Beam Echo-sounder): Máy đo sâu hồi âm đơn tia.

9. MBES (Multi Beam Echo-sounder): Máy đo sâu hồi âm đa tia.

10. Khu vực đo sâu bằng máy là khu vực biển có độ sâu khoảng từ 3m trở lên và sử dụng các SBES, MBES để đo sâu địa hình đáy biển. Khu vực đo sâu bằng sào là khu vực biển có độ sâu <3m.

11. Đo sâu địa hình đáy biển bằng SBES là đo theo tuyến, trên mỗi tuyến đo chỉ thu được một hàng điểm độ sâu.

[...]