Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 6-LĐ/TT 1975 hướng dẫn việc làm và sử dụng sổ lao động cho công nhân, viên chức Nhà nước theo Nghị định 97-CP 1974 do Bộ lao động ban hành

Số hiệu 6-LĐ/TT
Ngày ban hành 28/02/1975
Ngày có hiệu lực 15/03/1975
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Lê Chân Phương
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 6-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 28 tháng 2 năm 1975

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 6-LĐ/TT NGÀY 28 THÁNG 2 NĂM 1975 HƯỚNG DẪN VIỆC LÀM VÀ SỬ DỤNG SỔ LAO ĐỘNG CHO CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 97-CP NGÀY 2 THÁNG 5 NĂM 1974 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Thi hành Nghị định số 97-CP ngày 2 tháng 5 năm 1974 và Nghị quyết của Hội nghị thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 5-12-1974 (thông báo số 86-TB ngày 20-12-1974 của Phủ Thủ tướng) về đăng ký lao động làm sổ lao động và cấp thẻ lao động.

Sau khi trao đổi ý kiến với Tổng công đoàn, Bộ Lao động hướng dẫn việc làm sổ lao động cho công nhân, viên chức trong các xí nghiệp cơ quan Nhà nước như sau:

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Làm sổ lao động cho công nhân, viên chức nhằm tăng cường quản lý lao động, tăng cường kỷ luật lao động ở từng đơn vị cơ quan, xí nghiệp, thực hiện chế độ ghi chép quá trình làm việc, trình độ nghề nghiệp, năng lực công tác, tình hình sức khoẻ và sự cống hiến của mỗi người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua đó, cơ quan quản lý thực hiện tốt chính sách sử dụng, bồi dưỡng và bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể... đối với người lao động.

Đó cũng chính là điều mong muốn của mỗi người lao động. Vì vậy, làm sổ lao động còn động viên được mọi người hăng hái thi đua lao động sản xuất, giữ gìn kỷ luật lao động, trau dồi nghề nghiệp, nâng cao trình độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

II- ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI LÀM SỔ LAO ĐỘNG

Nhà nước tiến hành làm sổ lao động cho những người lao động chân tay và lao động trí óc, sản xuất và phục vụ sản xuất ở khu vực Nhà nước, khu vực tập thể.

Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định làm sổ lao động trước tiên cho công nhân, viên chức Nhà nước. Cụ thể là:

1- Tất cả công nhân, viên chức làm việc lâu dài trong khu vực Nhà nước, kể cả học sinh sơ cấp, công nhân kỹ thuật, trung học và đại học ra trường đã được phân phối về tập sự ở các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước.

2- Công nhân viên quốc phòng và công an đang làm việc tại các xí nghiệp, cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và hưởng chế dộ tiền lương như công nhân, viên chức Nhà nước.

Những trường hợp sau đây chưa làm sổ lao động:

- Bộ đội và công an tại ngũ;

- Những người làm theo chế độ hợp đồng có thời hạn (tạm thời, thời vụ);

- Tất cả học sinh (sơ cấp, công nhân kỹ thuật, trung học và đại học) đang trong thời gian học tại trường.

III- CÁCH GHI CHÉP SỔ LAO ĐỘNG

Sổ lao động do Bộ Lao động ban hành thống nhất, với quy cách dài 18 cm, rộng 13 cm, gồm 20 trang (đánh số từ 1 đến 20); có dán ảnh đóng dấu nổi và có ký hiệu riêng cho từng địa phương.

Cách ghi chép như sau:

1- Mỗi người được cấp sổ lao động phải viết một tờ khai theo mẫu thống nhất (nội dung đúng như nội dung sổ lao động). Lời khai phải rõ ràng, đầy đủ, đúng sự thật và được thủ trưởng xí nghiệp, cơ quan xác nhận (ký tên đóng dấu).

2- Cơ sở để ghi chép vào sổ lao động ban đầu là tờ khai của người được cấp sổ. Việc bổ sung những thay đổi sau này phải căn cứ vào các giấy tờ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã xác nhận rõ ràng, sẽ hướng dẫn cụ thể ở điểm 4 dưới đây.

3- Chỉ có cơ quan trực tiếp quản lý sổ lao động mới được ghi vào sổ và người ký tên hoàn toàn chịu trách nhiệm việc ghi chép đó. Mỗi lần ghi bổ sung vào sổ lao động phải báo trước cho người có sổ biết và xem lại. nếu có điều gì thấy chưa đúng, người đó có quyền đề nghị cơ quan, xí nghiệp sửa lại trước khi chép vào sổ.

Sổ lao động phải được ghi chép cẩn thận, cấm tẩy xoá và ghi bằng loại mực tốt lâu phai.

4- Một số điểm cần thiết trong khi khai và ghi vào sổ lao động:

a) Phần đầu xác nhận đúng người có sổ lao động để tránh nhầm lẫn hoặc cho mượn. Khai đúng theo giấy chứng minh, căn cước, khai sinh, sổ hộ khẩu, họ tên phải viết chữ đậm; không viết tắt.

b) Phần quá trình làm việc (trước và sau khi cấp sổ lao động ) ghi đúng quá trình lao động liên tục của ngươì lao động từ khi trưởng thành; nhằm thấy rõ sự biến động, tiến bộ và sự cống hiến của mỗi người; để biết thâm niên công tác, ngành nghề, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội v.v....

Khi khai và ghi phần này cần chia ra 2 thời kỳ: trước khi cấp sổ, phải đối chiếu với hồ sơ, giấy tờ sẵn có; sau khi cấp sổ mỗi lần bổ sung, nhất thiết phải căn cứ vào quyết định chính thức của cơ quan, xí nghiệp.

Cột 1: khai ngày, tháng, năm bắt đầu được tuyển dụng, đề bạt, nâng bậc v.v...

[...]