Nghị định 97-CP năm 1974 về việc đăng ký nghĩa vụ lao động và cấp sổ lao động cho công dân trong tuổi lao động do Hội Đồng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 97-CP
Ngày ban hành 02/05/1974
Ngày có hiệu lực 17/05/1974
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 97-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 1974 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG VÀ CẤP SỔ LAO ĐỘNG CHO CÔNG DÂN TRONG TUỔI LAO ĐỘNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ điều 21 và điều 30 của Hiến pháp nước Việt-nam dân chủ cộng hòa quy định; “Lao động là nghĩa vụ và vinh dự của người công dân” “Công dân nước Việt-nam dân chủ cộng hòa có quyền làm việc”.
Để tăng cường quản lý lao động xã hội, nắm chắc nguồn lao động, từng bước sắp xếp, việc làm cho người lao động trong tuổi lao động, có sức lao động nhằm thực hiện nghĩa vụ lao động và quyền làm việc của công dân;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Tất cả công dân trong tuổi lao động, có sức lao động đều phải đăng ký nghĩa vụ lao động tại Ủy ban hành chính xã, thị xã, thị trấn, khu phố, nơi cư trú chính thức, theo chế độ, thủ tục thống nhất của Nhà nước.

Điều 2. – Các Ủy ban Hành chính xã, thị xã, thị trấn, khu phố phải lập sổ đăng ký nghĩa vụ lao động, nắm vững nguồn lao động xã hội làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng lao động một cách công bằng, hợp lý trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 3. - Nội dung đăng ký nghĩa vụ lao động của mỗi người gồm các phần: sơ yếu lý lịch, văn hóa, sức khỏe, nghề nghiệp và lời cam đoan, do người lao động tự viết, ký tên vào một tờ khai theo mẫu thống nhất.

Điều 4. - Tiến hành cấp sổ lao động cho công dân trong tuổi lao động, có sức lao động nhằm nắm vững khả năng và quá trình lao động của từng người để làm cơ sở cho việc sắp xếp công việc làm và thực hiện các chế độ đãi ngộ tùy theo cống hiến của mỗi người.

Những người thuộc các đối tượng sau đây được cấp sổ lao động:

- Cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước

- Xã viên các hợp tác xã, tổ viên các tổ sản xuất nông nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng, ăn uống, mua bán, phục vụ v.v…

- Những người lao động riêng lẻ được Nhà nước cho phép sản xuất, kinh doanh sửa chữa, phục vụ...

Điều 5. - Nội dung sổ lao động gồm các phần: sơ yếu lý lịch, nghề nghiệp, quá trình làm việc, tình trạng sức khỏe, khen thưởng và kỷ luật.

Điều 6. - Việc đăng ký nghĩa vụ lao động và cấp sổ lao động quy định ở các điều 1, 2, 3, 4 nói trên đây được tiến hành từng bước, có thí điểm trước và phải hoàn thành ở các thành phố, thị xã, thị trấn trước ngày 1 tháng 7 năm 1975.

Trong khi chờ in và cấp sổ đăng ký nghĩa vụ lao động và sổ lao động chính thức, để khỏi trở ngại đến thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ lao động và cấp sổ lao động, Ủy ban Hành chính xã, thị trấn, khu phố...được tạm thời tận dụng các sổ sách, giấy tờ hiện có (chứng minh thư, căn cứ, sổ lao động hiện có).

Điều 7. – Sau khi hoàn thành việc đăng ký lao động, lập sổ lao động đối với công dân như đã nói ở điều 6, sẽ bãi bỏ các quy định trước đây về đăng ký lao động đối với công dân trái với nghị định này.

Điều 8. - Những người không thực hiện đăng ký nghĩa vụ lao động, cố tình trốn tránh, hoặc có hành động cản trở người khác thực hiện đăng ký nghĩa vụ lao động thì UBHC xã, thị xã, thị trấn, khu phố sẽ tùy theo lỗi nặng nhẹ mà có thái độ xử lý cho đến đề nghị truy tố pháp luật.

Điều 9. – Các Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ lao động cấp sổ lao động trong địa phương mình.

Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, tùy theo chức năng của mình, chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

Bộ Lao động là cơ quan quản lý lao động toàn xã hội có trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện đăng ký nghĩa vụ lao động và cấp sổ lao động, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nghị định này.

 

 

T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG

 


 
Lê Thanh Nghị