Thông tư 18/LĐTBXH-TT năm 1994 hướng dẫn việc cấp, quản lý và sử dụng sổ lao động do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành

Số hiệu 18/LĐTBXH-TT
Ngày ban hành 31/05/1994
Ngày có hiệu lực 31/05/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Trần Đình Hoan
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/LĐTBXH-TT

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 1994

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC CẤP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG SỔ LAO ĐỘNG

- Căn cứ Điều 15, chương II của Pháp lệnh Hợp đồng lao động ngày 10-9-1990 của Hội đồng Nhà nước.

- Căn cứ Quyết định số 533/LĐTBXH-QĐ ngày 31-5-1994 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc in, phát hành và quản lý sổ lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc cấp, quản lý và sử dụng sổ lao động như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Mục đích - tác dụng

Nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải chuyển cách quản lý lao động từ biên chế suốt đời sang hợp đồng lao động với khu vực sản xuất kinh doanh và một bộ phận người lao động làm việc trong các khu vực khác. Sự thay đổi căn bản này đã làm cho sổ lao động có vị trí, vai trò cần thiết đối với người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan quản lý Nhà nước.

- Sổ lao động được dùng để ghi chép mọi sự biến đổi của người lao động trong quá trình làm việc có liên quan tới các quyền và quyền lợi mà họ sẽ được hưởng sau này. Nó là hồ sơ gốc làm căn cứ để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Mỗi người lao động chỉ có 1 cuốn sổ lao động dùng trong suốt quá trình làm việc, giúp cho họ có cơ sở để bảo vệ quyền và quyền lợi khi xảy ra tranh chấp lao động và tìm việc làm.

- Nội dung của sổ lao động cung cấp các thông tin cần thiết và tin cậy cho việc hoạch định các chính sách của Nhà nước đồng thời là một công cụ quản lý lao động xã hội.

- Người sử dụng lao động căn cứ vào sổ lao động để tuyển chọn, sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với trình độ, năng lực của người lao động.

2. Đối tượng phạm vi áp dụng sổ lao động

Điều 15, chương II của Pháp lệnh Hợp đồng lao động đã quy đinh: "Người lao động làm theo hợp đồng lao động được cấp sổ lao động" căn cứ Điều 15 Pháp lệnh Hợp đồng lao động Điều 1 Quyết định số: 533/LĐTBXH-QĐ ngày 31-5-1994 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể thêm như sau:

a. Đối tượng, phạm vi cấp sổ lao động:

- Lao động là người Việt Nam có quyền công dân thực hiện giao kết hợp đồng lao động với thời hạn không xác định và hợp đồng lao động với thời gian xác định từ 1 năm trở lên trong tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (kể cả xí nghiệp, công ty liên doanh, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); các cơ quan, tổ chức, cá nhân (trong và ngoài nước đóng tại Việt Nam) có sử dụng lao động là người Việt Nam làm hợp đồng đều được cấp sổ lao động.

- Những công nhân, viên chức trong các đơn vị khi chuyển sang chế độ hợp đồng lao động nhưng chưa được ký hợp đồng lao động, đang thuộc diện chờ việc hoặc chờ giải quyết chế độ được cấp sổ lao động.

b. Đối tượng, phạm vi không cấp sổ lao động:

- Đối với người lao động thực hiện giao kết hợp đồng lao động để làm những công việc theo mùa vụ dưới 1 năm hoặc giao kết hợp đồng bằng miệng thuộc các đơn vị nói trên chưa cấp sổ lao động.

- Người lao động thuộc đối tượng và phạm vi nói tại điểm 2, Điều 1, Nghị định 165/HĐBT.

II. VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ THỦ TỤC CẤP SỔ LAO ĐỘNG

1. Quản lý và sử dụng sổ lao động

a. Để bảo đảm nguyên tắc thống nhất quản lý sổ lao động trên toàn Quốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức in và phát hành theo mẫu quy định.

b. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố là đầu mối cung cấp sổ lao động cho các đơn vị đóng trên địa bàn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý và tổ chức hướng dẫn các đơn vị triển khai cấp sổ lao động, theo dõi, kiểm tra việc sử dụng và quản lý sổ lao động ở các đơn vị.

c. Đơn vị sử dụng lao động là nơi trực tiếp quản lý và sử dụng sổ lao động trong thời gian người lao động làm việc tại đơn vị. Sổ lao động phải được bảo quản theo chế độ quản lý hồ sơ, tài liệu của đơn vị. Tuỳ theo số lượng lao động trong đơn vị nhiều hay ít, đơn vị bố trí người chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi và ghi sổ, ngoài ra không một ai được tự ý ghi vào sổ.

d. Sổ lao động giao lại cho người lao động trong các trường hợp sau:

- Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, nghỉ thôi việc theo chế độ trợ cấp 1 lần, nghỉ hưu, mất sức.

- Người lao động đang thực hiện hợp đồng lao động nhưng tạm hoãn để đi làm nghĩa vụ quân sự, bị tạm giữ... khi hết hạn không muốn trở về đơn vị cũ để tiếp tục làm việc.

Trước khi giao sổ lao động cho người lao động, đơn vị phải ghi đầy đủ các chế độ và quyền lợi mà họ được hưởng, sau đó phải được tổ thẩm định thông qua và thông báo cho người lao động kiểm tra lại trước khi nhận lại sổ lao động. Giám đốc (người chủ sử dụng) đại diện cho tổ thẩm định chịu trách nhiệm ký tên và đóng dấu vào sổ lao động. Trường hợp cần thiết nếu Giám đốc không ký được thì uỷ quyền cho Phó giám đốc ký thay. Thời hạn trả lại sổ lao động cho người lao động không quá 07 ngày tính từ ngày đơn vị ra quyết định thôi làm việc tại đơn vị, người lao động nhận lại sổ phải ký tên vào quyển sổ theo dõi cấp sổ lao động của đơn vị (ghi rõ ngày, tháng, năm nhận sổ).

[...]