Thông tư 54/2009/TT-BTC hướng dẫn lập, sử dụng và quản lý quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 54/2009/TT-BTC
Ngày ban hành 18/03/2009
Ngày có hiệu lực 02/05/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 54/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN LẬP, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ QUỸ TÍCH LŨY TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 181/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cho vay lại từ nguồn vay, viện trợ nước ngoài của Chính phủ;
Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài như sau:

I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

1. Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài (dưới đây gọi tắt là Quỹ tích lũy) là quỹ được thành lập để tập trung các khoản thu hồi vốn cho vay lại (bao gồm cả các khoản phí) từ nguồn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ và các khoản thu phí bảo lãnh của Chính phủ để bảo đảm việc trả nợ nước ngoài các khoản vay của Chính phủ về cho vay lại, đồng thời đảm bảo bù đắp các rủi ro khác như rủi ro tỷ giá, rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất ... và tạo một phần nguồn xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong trường hợp Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng vay nước ngoài.

2. Quỹ tích lũy được mở tài khoản giao dịch bằng ngoại tệ và tiền Việt Nam tại một ngân hàng thương mại có uy tín của Việt Nam (sau đây gọi là “ngân hàng phục vụ”) và do Bộ trưởng Bộ Tài chính ủy quyền cho Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đứng tên chủ tài khoản giao dịch và quản lý theo các quy định của Thông tư này. Trường hợp phát sinh các loại ngoại tệ, Quỹ tích lũy đề nghị ngân hàng phục vụ mở tài khoản đối với các loại ngoại tệ tương ứng để theo dõi các nguồn thu theo từng nội dung sau:

- Thu hồi cho vay lại (bao gồm gốc, lãi, phí ngoài nước);

- Thu phí bảo lãnh Chính phủ;

- Thu khác (bao gồm cả lãi phí sinh trên các tài khoản tiền gửi của Quỹ tích lũy).

3. Ngân hàng phục vụ thực hiện các nghiệp vụ phát sinh trên các tài khoản liên quan đến quá trình thu, chi Quỹ tích lũy, định kỳ hàng tháng gửi sao kê về số thu, chi trong tháng, lãi phát sinh trên tài khoản và số dư chi tiết của các tài khoản tiền gửi. Ngân hàng phục vụ phải thường xuyên thông báo cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) chi tiết về các tài khoản được mở để hướng dẫn cho các đơn vị có liên quan quyển tiền vào các tài khoản thích hợp.

4. Quỹ tích lũy duy trì mức dự trữ tối thiểu bằng ngoại tệ dựa trên biến động nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ trong từng năm. Mức dự trữ tối thiểu được tính bằng 50% tổng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm của các khoản Chính phủ vay về cho vay lại. Hàng năm, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại xây dựng phương án về cơ cấu ngoại tệ dự trữ của Quỹ tích lũy nhằm tăng cường độ an toàn của Quỹ, hạn chế những rủi ro về tỷ giá và tận dụng lợi thế của từng loại ngoại tệ trong từng thời kỳ khác nhau trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

II. THU CỦA QUỸ TÍCH LŨY:

1. Nguồn thu của Quỹ tích lũy bao gồm:

a. Các khoản thu hồi vốn cho vay lại bao gồm:

- Gốc, lãi cho vay lại từ nguồn vốn ODA và các khoản vay nước ngoài khác của Chính phủ (sau khi trừ phí dịch vụ cho vay lại) theo các kỳ hạn được quy định trong các hiệp định phụ, hợp đồng/thỏa thuận cho vay lại;

- Phí vay phải trả nước ngoài (phí bảo hiểm, phí cam kết, phí quản lý …) trong trường hợp Ngân sách Nhà nước trả cho nước ngoài theo các hiệp định vay.

b. Các khoản thu phí bảo lãnh và các khoản thu hồi nợ theo Quy chế cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

c. Lãi tiền gửi và các khoản thu khác từ sử dụng vốn nhàn rỗi của Quỹ tích lũy.

d. Các nguồn thu khác theo quy định của Chính phủ.

2. Thu Quỹ tích lũy được thực hiện như sau:

a. Căn cứ vào hiệp định phụ, hợp đồng/thỏa thuận cho vay lại, người vay lại nộp các khoản phải trả cho cơ quan cho vay lại. Căn cứ vào kỳ hạn hoàn trả Ngân sách Nhà nước theo hiệp định phụ, hợp đồng/thỏa thuận cho vay lại đã ký với Bộ Tài chính, cơ quan cho vay lại làm thủ tục chuyển trả vào tài khoản của Quỹ tích lũy đồng thời tiến hành thủ tục để giảm nguồn vốn nhận nợ với Ngân sách nhà nước.

b. Căn cứ vào văn bản cam kết về bảo lãnh, cơ quan cấp bảo lãnh Chính phủ yêu cầu người được bảo lãnh nộp trực tiếp phí bảo lãnh vào tài khoản của Quỹ tích lũy.

c. Đối với các khoản thu nêu tại Tiết a và b, Điểm 1 trên đây, các cơ quan cho vay lại, cơ quan cấp bảo lãnh và các đơn vị vay lại tập hợp các chứng từ chuyển tiền về Quỹ tích lũy có xác nhận của ngân hàng nơi chuyển tiền để hạch toán việc hoàn trả cho Ngân sách Nhà nước. Bản sao các chứng từ chuyển tiền nói trên được các cơ quan cho vay lại, hoặc cơ quan cấp bảo lãnh và các đơn vị vay lại gửi cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) để theo dõi và hạch toán việc hoàn trả. Trường hợp khoản tiền chuyển gồm các khoản hoàn trả của nhiều dự án khác nhau, các đơn vị chuyển tiền cần gửi kèm theo chứng từ chuyển tiền bảng kê chi tiết số tiền hoàn trả cho từng dự án được phân định theo gốc, lãi và phí phải hoàn trả.

d) Các khoản thu khác (nếu có) nộp vào Quỹ Tích lũy theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

III. CHI CỦA QUỸ TÍCH LŨY:

1. Các nội dung chi của Quỹ tích lũy bao gồm:

- Hoàn trả Ngân sách Nhà nước các khoản Ngân sách Nhà nước đã ứng thanh toán trả nợ nước ngoài cho các khoản vay về cho vay lại;

- Ứng trả thay các dự án vay có bảo lãnh Chính phủ theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

[...]