Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Thông tư 46-TT/HTX-1982 hướng dẫn việc đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho tập thể và nhân dân trồng cây gây rừng theo Quyết định 184-HĐBT-1982 do Bộ Lâm nghiệp ban hành

Số hiệu 46-TT/HTX
Ngày ban hành 13/12/1982
Ngày có hiệu lực 28/12/1982
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lâm nghiệp
Người ký Phan Xuân Đợt
Lĩnh vực Bất động sản

BỘ LÂM NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46-TT/HTX

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 1982

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LÂM NGHIỆP SỐ 46-TT/HTX NGÀY 13- 12 - 1982 HƯỚNG DẪN VIỆC ĐẨY MẠNH GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG CHO TẬP THỂ VÀ NHÂN DÂN TRỒNG CÂY GÂY RỪNG THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 184-HĐBT NGÀY 6-11-1982 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Thực hiện Quyết định số 184-HĐBT ngày 6-11-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về chính sách giao đất, giao rừng để tập thể và nhân dân trồng cây gây rừng, tu bổ, cải tạo và kinh doanh rừng, Bộ lâm nghiệp hướng dẫn một số vấn đề giao đất giao rừng để trồng cây, gây rừng như sau.

I. NGUYÊN TẮC GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG ĐỂ TẬP THỂ VÀ NHÂN DÂN KINH DOANH.

1. Rừng và đất rừng là tài sản của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý; Nhà nước có thể giao cho các đơn vị quốc doanh hợp tác xã, gia đình và các đơn vị tập thể khác sử dụng kinh doanh theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật của Nhà nước.

2. Việc giao rừng và đất rừng cho tập thể và nhân dân kinh doanh phải theo đúng quy hoạch phân phối đất đai và phân vùng sản xuất nông lâm ngư nghiệp của trung ương và của từng địa phương tỉnh, thành, huyện.

3. Trên cơ sở quy hoạch phân phối đất đai được Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt, Uỷ ban nhân dân huyện căn cứ vào tình hình rừng và đất rừng, mục đích kinh doanh, trình độ quản lý và khả năng lao động của từng nơi để xác định diện tích đất trống, đồi núi trọc và rừng nghèo có thể giao cho tập thể và nhân dân sản xuất kinh doanh.Rừng và đất rừng giao cho tập thể kinh doanh không hạn chế, khả năng làm có hiệu quả được bao nhiêu thì giao bấy nhiêu.

4. Các tập thể và gia đình phải đưa hết diện tích rừng và đất rừng đã nhận vào sản xuất kinh doanh theo đúng quy hoạch, kế hoạch và pháp luật của Nhà nước. Nhất thiết không được sử dụng vào mục đích kinh doanh khác dẫn đến tàn phá tài nguyên rừng và đất rừng.

5. Những sản phẩm nông nghiệp trồng xen trên đất trồng rừng theo hướng nông lâm kết hợp, người gây trồng được hưởng toàn bộ. Những sản phẩm lâm nghiệp làm ra trên đất trống, đồi núi trọc và rừng nghèo kiệt, ngoài phần được sử dụng theo tỷ lệ quy định, số còn lại bán cho Nhà nước theo giá thoả đáng (Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Bộ Lâm nghiệp sẽ có hướng dẫn cụ thể sau).

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC GIAO RỪNG VÀ ĐẤT RỪNG ĐỂ SẢN XUẤT KINH DOANH

1. Những hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị vũ trang ở trung du, miền núi hoặc vùng cát, sình lầy,ven biển, nếu tự nguyện làm đơn nhận đất, nhận rừng kinh doanh để tự giải quyết nhu cầu gỗ củi của đơn vị mình và trồng cây gây rừng theo quy hoạch kế hoạch của Nhà nước thì được xét giao cho một số diện tích rừng và đất rừng vừa với khả năng để tổ chức sản xuất kinh doanh rừng.

2. Các hộ nhân dân (kể cả nông nghiệp và phi nông nghiệp) sống trên địa bàn trung du, miền núi và ở các vùng khác còn nhiều đất trống, đồi núi trọc, được cấp hẳn một số đất gần nhà để làm vườn rừng nhằm tự giải quyết gỗ củi, và các nông lâm sản khác. Ngoài ra, tuỳ theo khả năng lao động của từng hộ, mà có thể làm đơn xin mượn một số đất trống, đồi núi trọc để trồng cây gây rừng theo quy hoạch chung.

3. Các huyện, các tỉnh, thành phố có vốn lao động nhưng thiếu đất trồng rừng, có thể liên doanh với các địa phương có đất để trồng rừng, trồng cây công nghiệp dài ngày... theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước nhằm tự túc gỗ, củi và góp phần nhanh chóng phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường và đem lại nhiều sản phẩm cho xã hội.

III. LOẠI ĐẤT, LOẠI RỪNG VÀ DIỆN TÍCH ĐẤT VÀ RỪNG GIAO CHO TẬP THỂ VÀ NHÂN DÂN KINH DOANH

1. Loại đất, loại rừng được giao cho tập thể kinh doanh.

- Những vùng đất quy hoạch thuộc đất lâm nghiệp bao gồm đất trống, đồi núi trọc, bãi cát, sình lầy, ven biển, và những rừng nghèo cần cải tạo thì tuỳ theo khả năng quản lý, kinh doanh của từng cơ sở, mà có thể xét giao cho mỗi hợp tác xã, tập đoàn sản xuất một số diện tích nhất định để trồng rừng phục vụ công nghiệp, xây dựng và xuất khẩu. Những rừng chưa giao cho các lâm trường cũng có thể xét giao cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất tiến hành tu bổ, bảo vệ và quản lý theo quy hoạch, kế hoạch và quy trình quy phạm của Nhà nước.

- Qua tổ chức lại sản xuất nông lâm nghiệp, sắp xếp lại phạm vi sản xuất, kinh doanh cho các đơn vị quốc doanh, tập thể và gia đình trên địa bàn huyện nếu xét thấy hợp lý thì các đơn vị quốc doanh có thể giao một phần (kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng) và đất rừng do đơn vị mình đang trực tiếp quản lý cho các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất quản lý, bảo vệ. Khi chuyển giao phải kiểm kê, đánh giá cụ thể tình hình rừng. Đối với rừng tự nhiên hợp tác xã và tập đoàn sản xuất có trách nhiệm tu bổ , bảo vệ làm cho rừng phát triển tốt. Đối với rừng trồng, hợp tác xã và tập đoàn sản xuất tiếp tục hợp đồng làm khoán chăm sóc, bảo vệ cho đến khi rừng đến tuổi thành thục. Sau khi khai thác sẽ chuyển giao đất đó cho tập thể kinh doanh trồng cây gây rừng theo kế hoạch Nhà nước.

- Những khu rừng cấm, rừng phòng hộ trên phạm vi huyện sẽ do Uỷ ban nhân dân huyện thống nhất quản lý, không giao cho bất kỳ một đơn vị nào kinh doanh, mà có thể hợp đồng khoán cho tập thể hoặc gia đình khoanh nuôi, bảo vệ. Cuối mỗi năm tiến hành nghiệm thu, nếu làm tốt, mỗi héc ta được thanh toán một khoản thù lao cho lao động, tuỳ theo công sức bảo vệ mà Uỷ ban nhân dân tỉnh trao đổi thống nhất với Bộ Lâm nghiệp để quy định mức thù lao cụ thể. Ngược lại, nếu để rừng bị tàn phá thì không những không được thanh toán tiền công, mà còn bị phạt tuỳ theo giá trị số lâm sản bị thiệt hại. Tập thể và gia đình làm khoán được thu nhặt củi khô, các loại đặc sản cây thuốc dưới tán rừng, nhưng phải theo sự hướng dẫn của ngành lâm nghiệp. không được làm giảm tính chất phòng hộ của rừng.

- Đối với những khu rừng cấm do tỉnh hoặc trung ương quản lý mà đã có bộ máy chuyên trách, thì Uỷ ban nhân dân huyện có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và vận động nhân dân bảo vệ theo đúng quy định của Nhà nước đã ban hành đối với những khu rừng đó.

2. Diện tích rừng và đất rừng giao cho tập thể kinh doanh.

Mỗi địa phương phải căn cứ vào tình hình rừng và đất rừng hiện có, căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, định mức lao động, quy trình kỹ thuật đối với từng loại cây, loại rừng, loại đất; điều kiện tự nhiên và trình độ quản lý kinh doanh của mỗi hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, đặc biệt số lao động của tưng đơn vị sản xuất dành cho nghề rừng ít nhất 10 - 15% tổng số lao động trở lên để xác định diện tích rừng và đất rừng giao cho tưng đơn vị được hợp lý.

Do đặc điểm kinh doanh cây rừng có chu kỳ dài, nên diện tích rừng và đất rừng được giao như sau. Đối với đất trống, đồi núi trọc và rừng nghèo cần cải tạo rừng tre, nứa, vầu để khai thác có thể giao từ 2 đến 4 héc ta. Đối với rừng non phải tu bổ, nuôi dưỡng hoặc rừng gỗ tự nhiên để khai thác giao khoảng từ 8 đến 10 hécta cho mỗi lao động làm rừng. Cần tích cực thực hiện phương châm nông lâm kết hợp theo hướng thâm canh tiến hành trồng xen dưới tán rừng, bảo đảm rừng phát triển tốt, làm rừng như làm vườn.

3. Cấp đất rừng cho hộ nhân dân làm vườn rừng.

- Theo quy định của Hội đồng bộ trưởng, mỗi hộ nhân dân ở miền núi ,trung du và các vùng bãi đất, sình lầy, ven biển còn nhiều đất trống, đồi núi trọc thì có thể xét cấp hẳn từ 2000 đến 2500 m2 loại đất trên cho mỗi lao động để làm vườn rừng. Do vậy, các địa phương phải căn cứ khả năng đất trống, đồi núi trọc gần các khu dân cư của địa phương mình và số lao động đã quy đổi của từng hộ, mà ấn định mức cấp cụ thể địa phương mình và số lao động đã quy đổi của từng hộ, mà ấn định mức cấp cụ thể cho mỗi gia đình, nhưng không vượt quá 1 hécta. Nếu gia đình nào đã có vườn cây quanh nhà xấp xỉ mức quy định trên thì được giữ nguyên canh (không rút bớt, không cấp thêm). Đối với những hộ không có lao động hoặc ít lao động mà nhiều nhân khẩu, thì cũng được xét cấp đất làm vườn rừng với mức độ hợp lý, để các hộ trên có thể tự giải quyết được nhu cầu gỗ, củi và các sản phẩm nông lâm sản khác.

- Đối với những nơi đã có hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, phần đất cấp cho hộ xã viên làm vườn rừng, nằm trong tổng số đất trống, đồi núi trọc giao cho hợp tác xã và tập đoàn sản xuất quản lý, kinh doanh, ban quản trị có trách nhiệm cấp lại cho gia đình xã viên theo từng đội sản xuất cho tiện sản xuất và quản lý sản phẩm.

- Đối với những nơi chưa có hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, Uỷ ban nhân dân huyện uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân xã cấp đất xây dựng vườn rừng cho các hộ nhân dân trong xã và tổng hợp báo cáo về huyện xét duyệt.

- Trường hợp gần các khu dân cư không còn đất trống, đồi núi trọc, mà chỉ có rừng của tập thể hoặc quốc doanh gây trồng, thì cũng có thể xét cấp đất làm vườn rừng. Các hộ được cấp đất ở đó phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cho đến khi rừng thành thục, được thu nhặt củi khô hoặc trồng xen dưới tán rừng, nhưng không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của rừng, Khi khai thác, gia đình có công chăm sóc, bảo vệ được hưởng từ 10 đến 20% sản phẩm chính tuỳ theo tình trạng rừng lúc giao, phần còn lại đơn vị gây trồng được hưởng. Sau khi khai thác sẽ chuyển giao đất đó cho gia đình làm vườn rừng.

- Các hộ nhân dân trong khu phi nông nghiệp, nhưng sống trên địa bàn có đất trống, đồi núi trọc, nếu tự nguyện làm đơn xin đất thì tuỳ khả năng đất đai của mỗi địa phương,mà có thể xét cấp cho mỗi hộ một số diện tích đất trống, đồi núi trọc tương đương với mức cấp cho hộ nông nghiệp trong vùng để làm vườn rừng.

[...]