Quyết định 184-HĐBT năm 1982 về việc đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho tập thể và nhân dân trồng cây, gây rừng do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 184-HĐBT
Ngày ban hành 06/11/1982
Ngày có hiệu lực 21/11/1982
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 184-HĐBT

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 1982

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 184-HĐBT NGÀY 6 - 11 - 1982 VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG CHO TẬP THỂ  VÀ NHÂN DÂN TRỒNG CÂY, GÂY RỪNG

Rừng và hệ thống cây xanh là một bộ phận quan trọng của môi trường sống, là tài nguyên quý giá, là một trong những thế mạnh của nước ta.

Để bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng hiện còn, nhanh chóng xây dựng lại vốn rừng, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố an ninh, quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân và cải thiện môi trường sống, Hội đồng bộ trưởng quyết định đẩy mạnh hơn nữa việc giao đất, giao rừng để tập thể và nhân dân trồng cây, gây rừng, tu bổ, cải tạo và kinh doanh rừng, trước hết tập trung giao đất trống, đồi trọc và rừng nghèo hoặc rừng chưa giao cho các lâm trường (các rừng khác sẽ nghiên cứu có quyết định sau).

1. Bộ Lâm nghiệp, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương và các ngành có liên quan phải tập trung cán bộ, phương tiện khẩn trương quy hoạch sử dụng các loại đất trống, đồi trọc, hoặc rừng chưa giao cho lâm trường khai thác , rừng nghèo để giao cho tập thể và nhân dân kinh doanh. Trong quy hoạch phải theo đúng nguyên tắc phân phối đất đai và phân vùng sản xuất nông, lâm nghiệp của trung ương và của từng tỉnh, thành phố. Đồng thời thể hiện được phương hướng sử dụng đất và cây trồng phù hợp từng vùng , ví dụ: vùng bãi cát ven biển có thể trồng phi lao, trồng dừa, đào lộn hột, dưới tán trồng dứa dại (a - ga); vùng đồi núi dưới chân đồi làm vườn rừng ; sườn đồi, đỉnh đồi trồng cây lấy gỗ hoặc cây công nghiệp, cây ăn quả, v. v...

2. Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đai đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt, Uỷ ban nhân dân các huyện, tuỳ theo diện tích đất trống, đồi trọc, rừng nghèo hoặc rừng chưa giao cholâm trường và khả năng lao động của từng nơi phải đẩy mạnh việc giao đất và giao các rừng ấy cho tập thể và nhân dân trồng cây gây rừng, tu bổ và cải tạo rừng.

- Mỗi hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị vũ trang được giao một diện tích đất trống, đồi trọc, rừng nghèo hoặc rừng chưa giao cho lâm trường và khả năng lao động của từng nơi phải đẩy mạnh việc giao đất và giao các rừng ấy cho tập thể và nhân dân trồng cây gây rừng, tu bổ và cải tạo rừng.

- Mỗi hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị vũ trang được giao một diện tích đất trống, đồi trọc, rừng nghèo hoặc rừng chưa giao cho các lâm trường khai thác, ở gần hoặc ở những nơi có điều kiện đưa lao động đến, để trồng rừng tập trung phục vụ công nghiệp và xuất khẩu hoặc trồng rừng phân tán để giải quyết nhu cầu tại chỗ. Diện tích đất và rừng được giao cho tập thể kinh doanh không hạn chế, khả năng làm được bao nhiêu, giao bấy nhiêu. Việc trồng cây hai bên đường giao thông từ nay giao cho hợp tác xã và tập đoàn sản xuất hoặc xã, ấp (nơi chưa hợp tác hoá) trồng cây và chăm sóc. Đường thuộc địa phận hợp tác xã hoặc xã, ấp nào thì hợp tác xã hoặc xã, ấp đó phụ trách. Ngành lâm nghiệp cùng ngành giao thông hướng dẫn chọn loại cây trồng và kỹ thuật trồng bảo đảm không phá đường và an toàn giao thông.

- Mỗi hộ nhân dân ở các tỉnh miền núi, trung du và ở các vùng còn nhiều đất trống, đồi trọc được cấp hẳn một số diện tích từ 2000m2 đến 2500m2 cho mỗi lao động để làm "vườn rừng" tự giải quyết gỗ, củi và các hoa lợi khác cho gia đình. Ngoài ra, mỗi hộ có thể nhận khoán đất trống, đồi trọc để trồng rừng theo quy hoạch chung.

- Các huyện, các tỉnh, thành phố có vốn và lao động, nhưng thiếu đất trồng rừng có thể liên doanh với các địa phương có đất để tổ chức trồng rừng hoặc cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả hoặc các loại cây khác.

3. Các tập thể và cá nhân phải bảo đảm sử dụng tốt số đất và rừng được giao. Sau khi được giao đất, giao rừng, trong thời gian một năm (những nơi điều kiện khó khăn thời gian có thể gia hạn thêm), các đơn vị hoặc cá nhân phải trồng rừng, trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả hoặc tu bổ, cải tạo rừng theo đúng quy hoạch, kế hoạch và quy trình kỹ thuật do cơ quan lâm nghiệp hoặc nông nghiệp địa phương hướng dẫn, nhất thiết không được sử dụng đất vào mục đích khác. Khi rừng đến tuổi khai thác, phải khai thác theo đúng quy hoạch, kế hoạch và quy trình kỹ thuật do cơ quan lâm nghiệp địa phương quy định và phải làm tròn các nghĩa vụ về giao nộp sản phẩm và nộp tiền nuôi rừng theo quy định hiện hành. Sau khi khai thác cây và rừng cũ phải có kế hoạch tái sinh rừng hoặc trồng lại cây mới và rừng mới, không được để đất trống quá một năm, nếu đất đó không có chủ trương chuyển sang làm việc khác. Tập thể và cá nhân nào không làm đúng theo những điều quy định trên đây thì Nhà nước sẽ lấy lại và giao cho đơn vị khác, người khác làm. Nếu cố tình vi phạm gây thiệt hại đến đất đai hoặc rừng thì phải bồi thường hoặc có thể bị truy tố trước pháp luật.

4. Các tập thể hoặc cá nhân trồng cây gây rừng hoặc tu bổ, cải tạo rừng được hưởng các quyền lợi như sau:

a) Rừng do tập thể trồng hoặc cải tạo bằng vốn tự có và sức lao động của mình, khi khai thác được sử dụng từ 20% đến 30% sản phẩm chính đối với rừng hoặc từ 10% đến 20% sản phẩm chính đối với rừng cải tạo, số còn lại phải bán cho Nhà nước theo giá thoả thuận.

b) Rừng do cá nhân trồng, khi thu hoạch, cá nhân phải nộp cho hợp tác xã và tập đoàn sản xuất (nơi chưa có hợp tác xã thì nộp cho xã ) 20% sản phẩm chính, số 80% sản phẩm chính còn lại, cá nhân được sử dụng 30%, bán cho Nhà nước 70% theo giá thoả thuận.

c) Đối với các sản phẩm nông nghiệp trồng xen, vật nuôi trên đất rừng, các lâm sản phụ và các loại cây trồng phân tán thì tập thể hoặc cá nhân trồng được sử dụng toàn bộ.

5. Các lâm trường quốc doanh hoặc liên hiệp xí nghiệp lâm - công nghiệp phải có kế hoạch liên doanh với địa phương để tận dụng sức lao động, phương tiện tại địa phương trong việc trồng rừng, bảo vệ, tu bổ, cải tạo và khai thác rừng.

6. Ngành lâm nghiệp có nhiệm vụ quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống đối với các loại cây mới, quý... địa phương không có.

7. Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quyết định này.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương, căn cứ vào quyết định này và các văn bản khác có liên quan của Chính phủ, chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương, kịp thời xét duyệt và giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc quyền hạn của địa phương.

 

Tố Hữu

(Đã ký)