Thông tư 43/2006/TT-BGDĐT hướng dẫn thanh tra toàn diện nhà trường, cơ sở giáo dục khác và thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 43/2006/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 20/10/2006
Ngày có hiệu lực 18/11/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
*****

Số: 43/2006/TT-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2006

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THANH TRA TOÀN DIỆN NHÀ TRƯỜNG, CƠ SỞ GIÁO DỤC KHÁC VÀ THANH TRA HOẠT ĐỘNG SƯ PHẠM CỦA NHÀ GIÁO

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 166/2004/NĐ-CP ngày 16/9/2004 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 85/2006/NĐ-CP ngày 18/8/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giáo dục;
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục và thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo như sau:

HƯỚNG DẪN CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn thanh tra toàn diện nhà trường, cơ sở giáo dục khác và hoạt động sư phạm của nhà nước;

Thông tư này được áp dụng đối với các nhà trường, cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục) và nhà giáo.

2. Thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục

Thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục là xem xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục theo quy định của Luật giáo dục, Điều lệ nhà trường; Quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục khác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và những quy định khác có liên quan.

3. Thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo

Thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo là xem xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục và các công tác khác của nhà giáo theo quy định của Luật giáo dục, Điều lệ nhà trường; Quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục khác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và những quy định khác có liên quan.

4. Trách nhiệm thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục và thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo

a) Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường theo quy định tại Điều 51 Luật giáo dục; các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục theo quy định tại Nghị định số 166/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; tổ chức Thanh tra giáo dục theo quy định tại Nghị định số 85/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh ta giáo dục có trách nhiệm thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục và thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo.

b) Căn cứ vào kế hoạch thanh tra hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thủ trưởng cơ quan thanh tra, trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục và thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo.

Khi xét thấy cần thiết thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra.

II. THANH TRA TOÀN DIỆN CƠ SỞ GIÁO DỤC

1. Mục đích yêu cầu

a) Xem xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục trên cơ sở kiểm tra, đối chiếu với những quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, quy chế chuyên môn, quy chế thi cử, xét tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ, quy chế đánh giá, xếp loại nhà giáo và những quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo;

b) Đánh giá đúng thực trạng tình hình cơ sở giáo dục trong mối quan hệ chung và có sự so sánh với mặt bằng của địa phương, khu vực vùng miền và tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khẳng định những mặt đã làm được, phát huy ưu điểm và tư vấn những biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém; đồng thời kiến nghị với các cấp quản lý điều chỉnh, bổ sung các chính sách, quy định cần thiết phù hợp với thực tế/

c) Các cơ quan có thẩm quyền xây dựng kế hoạch thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục trực thuộc phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của từng địa phương, đơn vị, trong thời gian 5 năm, mỗi cơ sở giáo dục thanh tra toàn diện ít nhất một lần. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức thanh tra toàn diện các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc theo kế hoạch.

2. Nội dung thanh tra

a) Tổ chức cơ sở giáo dục

Số lượng, chất lượng cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên đối chiếu với định mức; số lượng và tỷ lệ cán bộ, nhà giáo chưa đạt chuẩn, đạt chuẩn, trên chuẩn;

b) Cơ sở vật chất kỹ thuật:

- Diện tích khuôn viên, cảnh quan, môi trường sư phạm; số lượng phòng học, phòng làm việc, phòng thí nghiệm thực hành, phòng bộ môn, thư viện, phòng đa chức năng, phòng y tế, bếp ăn tập thể, khu nội trú, bán trú, khu vực để xe, vệ sinh, sân chơi, bãi tập, nhà đa chức năng;

- Trang thiết bị dạy học, sách thư viện;

- Việc bảo quản và sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật.

c) Thực hiện kế hoạch giáo dục:

[...]