Thông tư 07/2004/TT-BGDĐT hướng dẫn thanh tra toàn diện trường phổ thông và thanh tra hoạt động sư phạm của giáo viên phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 07/2004/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 30/03/2004
Ngày có hiệu lực 21/04/2004
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Văn Vọng
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2004/TT-BGD&ĐT

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2004 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THANH TRA TOÀN DIỆN TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÀ THANH TRA HOẠT ĐỘNG SƯ PHẠM CỦA GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG

Để triển khai thực hiện công tác thanh tra đối với trường phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục, căn cứ Nghị định số 101/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác thanh tra toàn diện trường phổ thông công lập, ngoài công lập, bao gồm các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và thanh tra hoạt động sư phạm của giáo viên phổ thông như sau:

A. THANH TRA TOÀN DIỆN TRƯỜNG PHỔ THÔNG

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Đánh giá toàn diện tình hình các trường phổ thông trên cơ sở kiểm tra, đối chiếu với quy định của Luật Giáo dục và các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, quy chế chuyên môn; quy chế thi cử, cấp văn bằng, chứng chỉ; việc thực hiện các quy định về điều kiện cần thiết bảo đảm chất lượng giáo dục.

2. Qua thanh tra, đánh giá đúng thực trạng tình hình nhà trường, đôn đốc việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giáo dục; tư vấn các giải pháp khả thi để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, phấn đấu thực hiện phương hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa hoạt động giáo dục. Đồng thời, kiến nghị với các cấp quản lý nhà nước điều chỉnh, bổ sung các chính sách và quy định nhằm thúc đẩy việc nâng cao hiệu lực quản lý giáo dục.

II. NỘI DUNG THANH TRA

Nội dung thanh tra được xác định theo quy định của Luật Giáo dục, Điều lệ nhà trường và quy định tại các văn bản pháp quy khác có liên quan, với các nội dung chủ yếu sau đây đối với trường phổ thông.

1. Đội ngũ giáo viên, cán bộ và nhân viên

Số lượng, chất lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên và tình hình bố trí, sử dụng.

2. Cơ sở vật chất kỹ thuật

- Phòng học, phòng làm việc và phòng chức năng.

- Trang thiết bị trong phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, thực hành, tình hình trang bị và sử dụng máy vi tính, việc kết nối mạng internet và khai thác, sử dụng.

- Sân chơi, bãi tập, bể bơi, dụng cụ thể dục thể thao, khu vệ sinh, khu để xe, khu vực bán trú (nếu có).

- Diện tích khuôn viên và thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất đai.

- Cảnh quan trường học: cổng trường, tường rào, vườn hoa, cây xanh, vệ sinh học đường, công trình cấp thoát nước và môi trường sư phạm.

- Kinh phí dành cho hoạt động giảng dạy, giáo dục.

3. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ của nhà trường

3.1. Kế hoạch phát triển giáo dục.

- Thực hiện chỉ tiêu, số lượng học sinh từng lớp, khối lớp và toàn trường.

- Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục và tham gia xoá mù chữ trong cộng đồng.

- Hiệu quả đào tạo của nhà trường.

- Thực hiện quy định tuyển sinh và quy định về mở trường lớp ngoài công lập.

3.2. Hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh.

- Thực hiện nội dung, chương trình, kế hoạch giáo dục đạo đức trong và ngoài giờ lên lớp (chú ý: việc chấp hành luật giao thông, bảo vệ an toàn đường sắt,...).

- Hoạt động giáo dục đội viên, đoàn viên của các đoàn thể.

- Hoạt động của giáo viên chủ nhiệm.

[...]