Thông tư 37/2019/TT-BCT hướng dẫn biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 37/2019/TT-BCT
Ngày ban hành 29/11/2019
Ngày có hiệu lực 15/01/2020
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2019/TT-BCT

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết về bên liên quan trong vụ việc điều tra; hoạt động cung cấp, thu thập thông tin, tài liệu và bảo mật thông tin, tài liệu; tiếng nói, chữ viết trong quá trình điều tra; quản lý nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; các trường hợp miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền điều tra, áp dụng và xử lý biện pháp phòng vệ thương mại.

2. Thương nhân Việt Nam, thương nhân nước ngoài, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan đến điều tra, áp dụng và xử lý biện pháp phòng vệ thương mại.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sản phẩm đặc biệt là sản phẩm có cùng đặc tính vật lý, hóa học như hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước nhưng có một số đặc điểm, hình dạng bên ngoài hoặc chất lượng sản phẩm khác biệt so với hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước.

2. Bản thông tin công khai là bản thông tin đã được xử lý các thông tin yêu cầu Cơ quan điều tra bảo mật và bảo đảm bên tiếp nhận hiểu đúng bản chất thông tin mà không làm lộ các thông tin mật.

3. Cơ quan điều tra phòng vệ thương mại (sau đây gọi là Cơ quan điều tra) là Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương.

Điều 4. Tiếng nói và chữ viết trong quá trình điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

1. Tiếng nói và chữ viết dùng trong quá trình điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là tiếng Việt. Bên liên quan có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này phải có phiên dịch.

2. Các thông tin, tài liệu không phải bằng tiếng Việt do bên liên quan cung cấp phải được dịch ra tiếng Việt. Bên liên quan phải bảo đảm tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được dịch thuật.

Điều 5. Trách nhiệm cung cấp thông tin của Cơ quan điều tra

1. Trước khi ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức, Cơ quan điều tra thông báo, lấy ý kiến bản dự thảo kết luận điều tra cho các Bên yêu cầu, Bên bị yêu cầu.

2. Cơ quan điều tra có trách nhiệm:

a) Gửi quyết định miễn trừ cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ miễn trừ;

b) Gửi quyết định thu hồi quyết định miễn trừ cho tổ chức, cá nhân được miễn trừ;

c) Gửi quyết định miễn trừ, quyết định thu hồi quyết định miễn trừ cho Bộ Tài chính;

[...]