Quyết định 824/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 824/QĐ-TTg
Ngày ban hành 04/07/2019
Ngày có hiệu lực 04/07/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Thương mại

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 824/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHỐNG LẨN TRÁNH BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI VÀ GIAN LẬN XUẤT XỨ”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 05 tháng 11 năm 2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;

Căn cứ Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về phòng vệ thương mại;

Căn cứ Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31 tháng 8 năm 2018 về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu;

Căn cứ Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04 tháng 9 năm 2018 về việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 2471/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28 tháng 12 năm 2011 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” (viết tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

1. Nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

2. Ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu.

3. Bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế.

4. Bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN

1. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài:

a) Đẩy mạnh việc theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững;

b) Thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua giám sát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh) các mặt hàng đang bị các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đưa ra khuyến nghị kịp thời;

c) Đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua việc tăng cường hiệu quả của công tác cấp và kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ (C/O); tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên phạm vi toàn quốc; hoàn thiện các quy định về quy tắc xuất xứ nhằm thực hiện hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường đàm phán trong các khuôn khổ đa phương và các Hiệp định thương mại tự do để thống nhất các quy tắc xuất xứ cụ thể, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc cấp C/O;

d) Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua hoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài (kể cả sáp nhập, mua lại) và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ hoặc bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại;

đ) Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại;

e) Tăng cường nguồn lực, năng lực theo dõi, cảnh báo, ứng phó với tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.

2. Nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại:

[...]