Thông tư 36-TC/TCDN-1995 hướng dẫn chế độ khấu hao cơ bản tài sản cố định trong các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 36-TC/TCDN
Ngày ban hành 27/04/1995
Ngày có hiệu lực 01/01/1995
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36-TC/TCDN

Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 1995

 

THÔNG TƯ

BỘ TÀI CHÍNH SỐ 36 TC/TCDN NGÀY 27/4/1995 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ KHẤU HAO CƠ BẢN TÀI SẢN CỐ ĐỊNH TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Thi hành Quyết đinh số 51/TTg ngày 21 tháng 01 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ "quy định chế độ khấu hao cơ bản tài sản cố định trong các doanh nghiệp Nhà nước". Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập sử dụng vốn khấu hao cơ bản tại các doanh nghiệp Nhà nước như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.

1. Chế độ khấu hao cơ bản tài sản cố định trong các doanh nghiệp Nhà nước được áp dụng cho mọi tài sản cố định hiện có do các doanh nghiệp Nhà nước trực tiếp quản lý và sử dụng thuộc mọi nguồn vốn đầu tư: Nhà nước, vay Ngân hàng và các đối tượng khác trong, ngoài nước, viện trợ, quà biếu, liên doanh, liên kết..... (trừ TSCĐ đi thuê hoạt động).

2.Mức khấu hao TSCĐ tính bằng tỷ lệ (%) theo quy định của Bộ Tài chính trên nguyên giá TSCĐ, ghi trong sổ kế toán của doanh nghiệp. Tỷ lệ này được áp dụng cho từng loại TSCĐ (hoặc từng nhóm TSCĐ cùng loại).

3. Chi phí sửa chữa lớn TSCĐ phát sinh thực tế được hạch toán trực tiếp vào chi phí của doanh nghiệp. Đối với các tài sản có đặc thù riêng nếu chi phí sửa chữa lớn trích theo thực chi làm ảnh hưởng không đúng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thì được trích trước hoặc phân bổ dần sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của cơ quan tài chính.

4. Mọi TSCĐ trong các doanh nghiệp Nhà nước (hữu hình hay vô hình) được đầu tư từ bất kỳ nguồn vốn nào, phải trích KHCB hay không phải trích KHCB đều phải huỵ động sử dụng và quản lý theo chế độ quản lý TSCĐ hiện hành.

5. Trong khi Nhà nước chưa đánh giá lại TSCĐ, doanh nghiệp Nhà nước cần rà soát lại nguyên giá từng TSCĐ, có phương án điều chỉnh phù hợp với mặt bằng giá hiện hành báo cáo cơ quan tài chính xem xét và quyết định.

6. Các từ ngữ dưới đây, trong Thông tư hướng dẫn này được hiểu như sau:

- Tài sản cố đinh hữu hình: Là những tài sản cố định có hình thái vật chất, có đủ tiêu chuẩn về giá trị và thời gian sử dụng theo qui định, bao gồm: nhà cửa, đất, vật kiến trúc,máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, công cụ, khí cụ, thiết bị truyền dẫn, đo lường, phương tiện thông tin, tính toán, tài sản phương tiện máy móc dùng cho công tác quản lý... và các tài sản hữu hình khác.

- Tài sản cố định vô hình: là những Tài sản cố định không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư, hoặc quyền, đặc quyền của doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động SXKD và các hoạt động khác của DNNN, như: chi phí thành lập doanh nghiệp chi phí chuẩn bị sản xuất, bằng phát minh sáng chế, bản quyền về nhãn hiệu hàng hoá, chi phí khai hoang, phục hoang, cải tạo đất đai, quyền sử dụng đất đai, chi phí nạo vét luồng lạch, bến cảng, cửa sông... và các tài sản vô hình khác.

- Tài sản cố định thuê mua: là tài sản cố định mua dưới hình thức trả dần (trả góp) bằng hợp đồng thuê dài hạn. Khi hết thời hạn thuê theo hợp đồng và tổng số tiền thuê đã trả bằng giá trị của TSCĐ thuê, thì tài sản đó thuộc quyền sở hữu của bên đi thuê.

- Vốn Nhà nước: Là vốn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, gồm: vốn do Ngân sách Nhà nước đầu tư, vốn có nguồn gốc từ Ngân sách, vốn do doanh nghiệp Nhà nước tự bổ sung theo quy định của Nhà nước.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TRÍCH LẬP VỐN KHẤU HAO CƠ BẢN.

1) Tài sản cố định phải trích khấu hao cơ bản.

- Mọi tài sản cố định của doanh nghiệp Nhà nước đều phải đưa ra sử dụng bao gồm tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình và đều phải trích khấu hao cơ bản, thu hồi đủ vốn trên cơ sở tính đúng, tính đủ nguyên giá tài sản cố định.

2) Tài sản cố định không trích khấu hao cơ bản:

Những tài sản cố định sau đây, không trích khấu hao cơ bản:

- Tài sản cố định đi thuê hoạt động.

- Tài sản cố định đã khấu hao cơ bản hết nhưng vẫn còn sử dụng được.

- Tài sản cố định không cần dùng, chờ điều đi, cất giữ trên một năm có đăng ký với cơ quan tài chính.

- Cầu, cống, đường sá, đê đập, rừng cây (trừ rừng lấy giống, lấy nhựa....)... thuộc cơ sở hạ tầng, phục vụ chung cho nhu cầu xã hội, không phục vụ trực tiếp cho SXKD của một doanh nghiệp Nhà nước.

- Tài sản cố định hình thành từ quỹ phúc lợi của doanh nghiệp không phục vụ trực tiếp cho SXKD của doanh nghiệp.

- Giá trị đất hoặc quyền sử dụng đất của doanh nghiệp.

3) Mức trích khấu hao cơ bản.

Trong khi chưa sửa đổi mức trích KHCB, các doanh nghiệp Nhà nước vẫn trích khấu hao cơ bản theo quyết định số 507 TC/ĐTXD ngày 22/7/1986 của Bộ Tài chính và các văn bản khác hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung tỷ lệ khấu hao cơ bản của Bộ Tài chính.

- Đối với tài sản cố định vô hình : tuỳ theo thời gian phát huy hiệu quả của từng loại TSCĐ vô hình để trích KHCB tính từ khi TSCĐ được đưa vào hoạt động (theo hợp đồng, cam kết hoặc chu kỳ sử dụng).

[...]