Thông tư 33-LĐ/TT năm 1960 hướng dẫn thi hành bản Điều lệ tạm thời việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn của Chính phủ do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 33-LĐ/TT
Ngày ban hành 17/10/1960
Ngày có hiệu lực 01/11/1960
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Văn Tạo
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 1960

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 33-LĐ/TT NGÀY 17 THÁNG 10 NĂM 1960 HƯỚNG DẪN VÀ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ TẠM THỜI QUY ĐỊNH VIỆC TUYỂN DỤNG VÀ SỬ DỤNG NHÂN CÔNG Ở NÔNG THÔN CỦA CHÍNH PHỦ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

- Các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương
- Các Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh
- Các Sở, Ty, Phòng Lao động

Ngày 9 tháng 9 năm 1960, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 36/CP ban hành bản Điều lệ tạm thời quy định việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn. Bộ Lao động ra thông tư này để hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành:

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

Để thực hiện đường lối chung của miền Bắc trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ ba đã ghi một trong những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm (1961 - 1965) lần thứ nhất là: "Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp toàn diện, phát triển công nghiệp thực phẩm và công nghiệp nhẹ, phát triển giao thông vận tải, tăng cường thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã, chuẩn bị cơ sở để tiến lên, biến nước ta thành một nước công nghiệp và nông nghiệp xã hội chủ nghĩa".

Thực hiện nhiệm vụ đó, không những sản xuất nông nghiệp sẽ thu hút một lực lượng nhân công rất lớn, mà sản xuất công nghiệp, kiến thiết cơ bản và các ngành kinh tế khác cũng cần bổ sung một lực lượng nhân công khá lớn. Để thoả mãn nhu cầu nhân công cho sản xuất công nghiệp, kiến thiết cơ bản và các ngành kinh tế khác, không những ta phải tận dụng khả năng nhân công ở các thành phố, mà chủ yếu phải dựa vào lực lượng nhân công to lớn ở nông thôn.

Ở miền Bắc nước ta, dân số phân bổ không đều. Miền đồng bằng ruộng đất ít, dân thì đông, nguồn nhân công rất dồi dào ; miền trung du và miền núi đất rộng, tài nguyên rất phong phú nhưng dân lại ít, nhân công rất khan hiếm. Để tận dụng sức lao động dồi dào ở miền đồng bằng vào công cuộc phát triển kinh tế, thì ngoài việc phát triển nông nghiệp toàn diện để thu hút sức lao động thừa, Nhà nước còn phải có biện pháp điều chỉnh một phần nhân công ở nông thôn bổ sung cho sản xuất công nghiệp, kiến thiết cơ bản v.v... và chuyển một phần nhân công ở miền đồng bằng lên khai thác ở miền trung du và miền núi.

Việc điều chỉnh một phần nhân công ở nông thôn cho sản xuất công nghiệp, kiến thiết cơ bản và các ngành kinh tế khác là một biện pháp quan trọng, không những để thoả mãn nhu cầu nhân công cho công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc mà còn có tác dụng tăng thêm việc làm, nâng cao đời sống cho nông dân lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển. Hơn nữa, hiện nay ở nông thôn phong trào sản xuất nông nghiệp toàn diện và hợp tác hoá đang phát triển mạnh mẽ, phong trào cải tiến kỹ thuật, bước đầu cơ giới hoá và công cuộc thuỷ lợi cũng đang được đẩy mạnh.

Nền kinh tế ở miền Bắc phát triển có kế hoạch và cân đối, do đó sức lao động ở nông thôn ; Nhà nước cần phải điều hoà, phân phối, sử dụng có kế hoạch và hợp lý vào công cuộc phát triển các ngành kinh tế quốc dân ; việc tuyển dụng nhân công của các ngành phải có sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

Vì vậy, Chính phủ đã ban hành bản Điều lệ tạm thời quy định việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn với mục đích : tăng cường quản lý việc tuyển dụng và sử dụng nhân công nhằm điều hoà, sử dụng hợp lý các nguồn nhân công ở nông thôn để phát triển nông nghiệp toàn diện, đồng thời đảm bảo nhu cầu nhân công cho sản xuất công nghiệp, kiến thiết cơ bản và các ngành kinh tế khác. Mặt khác việc quy định đó cũng nhằm giải quyết công ăn việc làm cho những người thiếu việc, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân lao động.

II. NGUYÊN TẮC THỐNG NHẤT VIỆC QUẢN LÝ, ĐIỀU HOÀ PHÂN PHỐI NHÂN CÔNG

Ở Điều 1 trong bản Điều lệ, Chính phủ đã quy định "Thống nhất việc quản lý, điều hoà phân phối các nguồn nhân công ở nông thôn theo kế hoạch Nhà nước vào Bộ Lao động và Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh", Bộ Lao động giải thích rõ như sau:

Trước đây, để thực hiện kế hoạch khôi phục và bước đầu phát triển kinh tế và văn hoá, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động và Uỷ ban hành chính các cấp nhiệm vụ : quản lý, điều hoà, phân phối nhân công cho các ngành kinh tế và đã quy định cho các ngành cần tuyển dụng nhân công đều phải qua Bộ Lao động và Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh phân phối. Mặt khác Chính phủ cũng đã ban hành các thể lệ, nguyên tắc, thủ tục tuyển dụng và sử dụng nhân công. Nhờ sự cố gắng của Uỷ ban hành chính các cấp, cơ quan Lao động và các ngành nên việc điều hoà phân phối nhân công trong thời gian qua, về căn bản đã đảm bảo nhu cầu nhân công, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước, giải quyết được nạn thất nghiệp ở các thành phố và tăng thêm việc làm cho một số nông dân ở những vùng ruộng đất ít, gặp thiên tai đời sống thấp.

Song việc thực hiện nhiệm vụ và những điều quy định của Chính phủ, của Uỷ ban hành chính các cấp, ngành Lao động và các ngành sử dụng còn nhiều thiếu sót:

- Về phía ngành sử dụng, tình trạng tuyển dụng nhân công thiếu kế hoạch, tự ý tuyển dụng nhân công nhất là nhân công ở nông thôn còn phổ biến, sử dụng nhân công còn lãng phí nghiêm trọng. Về phía Uỷ ban hành hcính và cơ quan Lao động nhiều khi cũng chưa đảm bảo cung cấp nhân công đúng yêu cầu và thời gian cho các ngành sử dụng. Do đó từng nơi, từng lúc đã ảnh hưởng không tốt tới sản xuất nông nghiệp, phong trào hợp tác hoá, việc giải quyết công ăn việc làm cho những người lao động thiếu việc và việc thực hiện kế hoạch Nhà nước của một số ngành. Những phần tử xấu, địa chủ trốn cải tạo lao động trong sản xuất nông nghiệp lợi dụng sơ hở chui vào các cơ sở sản xuất của Nhà nước.

Vì vậy, Chính phủ quy định nguyên tắc thống nhất việc quản lý, điều hoà phân phối nhân công ở nông thôn theo kế hoạch Nhà nước và Bộ Lao động và Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh là nhằm: khắc phục những thiếu sót trên, để cao trách nhiệm của cơ quan quản lý điều hoà, phân phối nhân công và các ngành sử dụng nhân công. Về phía Bộ Lao động và Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh là cơ quan thống nhất việc điều hoà phân phối nhân công phải căn cứ vào yêu cầu nhân công của kế hoạch Nhà nước và khả năng nhân công ở nông thôn cũng như ở thành phố mà tìm mọi biện pháp đảm bảo nhu cầu nhân công cho các ngành sử dụng. Về phía các ngành sử dụng không phân biệt thuộc khu vực sản xuất hoặc khu vực hành chính sự nghiệp cần tuyển dụng, sử dụng nhân công và tuyển sinh, thanh niên, học sinh đã thôi học ở nông thôn cũng như ở thành phố để vào làm việc ở các cơ quan, các xí nghiệp, doanh nghiệp, công, nông, lâm trường v.v... hoặc để tạo công nhân, nhân viên kỹ thuật đều phải có kế hoạch và do sự phân phối thống nhất của Bộ Lao động và Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh.

III. TRÁCH NHIỆM UỶ BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP

Ở Điều 2 trong bản Điều lệ, Chính phủ đã quy định trách nhiệm của Uỷ ban hành chính các cấp trong việc quản lý điều hoà phân phối nhân công. Bộ Lao động giải thích và quy định chi tiết như sau:

A. UỶ BAN HÀNH CHÍNH KHU, THÀNH, TỈNH:

- Lập kế hoạch nhân công cho kế hoạch địa phương và quản lý khả năng nhân công trong địa phương.

- Đảm bảo cung cấp nhân công cho kế hoạch Trung ương do Bộ Lao động giao và cho kế hoạch địa phương: Căn cứ nhiệm vụ và tình hình nhân công trong địa phương mà lập kế hoạch cân đối sức lao động và phân phối nhiệm vụ cung cấp nhân công cho các huyện, quận, châu. Đồng thời đề ra những biện pháp hướng dẫn các huyện, châu, quận, đảm bảo cung cấp nhân công cho các ngành.

- Hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thi hành chính sách, thể lệ tuyển dụng và sử dụng nhân công của Nhà nước trong các ngành, các xí nghiệp, công trường v.v... ở địa phương kể cả các cơ sở thuộc kế hoạch Trung ương.

- Được quyền phân phối nhân công cho các yêu cầu đột xuất ngoài kế hoạch của các ngành thuộc kế hoạch địa phương và những yêu cầu đột xuất cấp bách ngoài kế hoạch của các ngành, các xí nghiệp, công trường... thuộc kế hoạch Trung ương ở tại địa phương cần tuyển dụng nhân công làm tạm thời trong một thời gian ngắn để làm những công việc như: chống thiên tai, bão lụt, hoả hoạn, vận chuyển gấp hàng hoá, nguyên vật liệu v.v...

Trường hợp khi các khu, thành, tỉnh lập kế hoạch cân đối sức lao động, sau khi đã tận dụng khả năng nhân công của địa phương mà vẫn không đủ để cung cấp cho các ngành, được đề nghị Bộ Lao động phân phối, cung cấp nhân công ở địa phương khác tới.

Các Sở, Ty, phòng Lao động là cơ quan chịu trách nhiệm trước Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trên.

B. UỶ BAN HÀNH CHÍNH HUYỆN, CHÂU, QUẬN:

[...]