Thông tư 32-GD/TT-1976 quy định tạm thời về chế độ công tác của giáo viên và việc bố trí, sử dụng cán bộ, nhân viên phục vụ giảng dạy trong các trường học do Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 32-GD/TT
Ngày ban hành 11/11/1976
Ngày có hiệu lực 05/09/1976
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Hồ Trúc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32-GD/TT

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 1976

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 32-GD/TT NGÀY 11 THÁNG 11 NĂM 1976 QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC CỦA GIÁO VIÊN VÀ VIỆC BỐ TRÍ, SỬ DỤNG CÁN BỘ, NHÂN VIÊN PHỤC VỤ GIẢNG DẠY TRONG CÁC TRƯỜNG HỌC

Trên cơ sở những quy định về chế độ công tác của giáo viên đã được Bộ Giáo dục quy định tại thông tư số 46-TT/GD ngày 24 tháng 10 năm 1962 và thông tư số 21-TT/GD, ngày 10 tháng 12 năm 1968, nay Bộ Giáo dục quy định tạm thời về chế độ công tác cho cô giáo, thầy giáo giảng dạy tại các trường phổ thông, bổ túc văn hoá, trung học sư phạm thuộc các tỉnh phía Nam cho phù hợp với tình hình hiện nay như sau:

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Quy định chế độ công tác cho giáo viên là nhằm xác định nhiệm vụ công tác của cô giáo, thầy giáo trong quá trình dạy học và thời gian dành cho từng công tác đó để giúp cho mỗi giáo viên phát huy quyền làm chủ tập thể của mình, nâng cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành công tác giáo dục và giảng dạy một cách tốt nhất. Mặt khác, quy định đó còn giúp cho các cơ quan quản lý giáo dục có cơ sở để làm kế hoạch giáo dục, giúp cho hiệu trưởng các trường học tổ chức và quản lý công tác của giáo viên một cách hợp lý, đưa mọi hoạt động của cô giáo, thầy giáo vào nền nếp, tạo điều kiện cho giáo viên và nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ.

Bên cạnh lực lượng lao động chủ yếu trong nhà trường là giáo viên, lực lượng cán bộ, nhân viên phục vụ giảng dạy có nhiệm vụ giúp hiệu trưởng và giáo viên trong công tác quản lý trường học và công tác giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên và học tập của học sinh.

II- NHIỆM VỤ CÔNG TÁC CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN

1- Nhiệm vụ giáo dục và giảng dạy là nhiệm vụ chủ yếu của người giáo viên được tiến hành trong cả năm học, bao gồm việc lên lớp giảng dạy (dạy lý thuyết, chữa bài tập...); công việc trước và sau khi lên lớp giảng dạy (soạn bài, làm đồ dùng giảng dạy, phụ đạo học sinh kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn, chấm bài, học sinh thực hành, tổ chức ngoại khoá, sinh hoạt chuyên môn tập thể, đi thăm cha mẹ học sinh và có thì giờ để học tập tự bồi dưỡng...); công việc coi thi, chấm thi (thi lên lớp, thi học kỳ, thi tốt nghiệp...).

2- Nhiệm vụ tổ chức và hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động xã hội, tham gia lao động xây dựng trường sở, lao động sản xuất nhằm gắn liền nhà trường với thực tế xã hội, gắn liền lý luận với thực tiễn và tiến hành giáo dục học sinh một cách toàn diện.

3- Nhiệm vụ học tập và bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ của người giáo viên bao gồm các hình thức tổ chức bồi dưỡng tập trung và cá nhân tự học.

4- Ngoài các nhiệm vụ chính trên đây, tuỳ theo khả năng của mỗi người, giáo viên còn tham gia một số công tác đoàn thể và công tác xã hội (tham gia công tác thanh toán nạn mù chữ và dạy bổ túc văn hoá, tham gia tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và phổ biến khoa học, kỹ thuật cho nhân dân lao động).

III- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN

1- Phân phối thời gian lao động trong một năm.

Một năm có 52 tuần lễ, trừ 4 tuần nghỉ hè, 3 tuần nghỉ các ngày lễ lớn, nghỉ tết âm lịch, tiến hành các đại hội trong năm và dự trữ cho các trường hợp đột xuất, còn lại 45 tuần lễ, phân phối cho các nhiệm vụ công tác như sau:

- Nhiệm vụ giáo dục và giảng dạy: 30 tuần lễ

- Nhiệm vụ học tập và bồi dưỡng : 12 tuần lễ, trong đó có 9 tuần tổ chức trong dịp hè và 3 tuần tổ chức xen kẽ trong năm học (từ 1-9 năm này đến 31-5 năm sau).

- Nhiệm vụ tổ chức và hướng dẫn học sinh tham gia lao động sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội: 3 tuần lễ, bình quân mỗi tuần lễ 1 buổi

2- Chế độ lên lớp giảng dạy của giáo viên.

a) Giáo viên trường phổ thông:

- Cấp 1: Mỗi giáo viên phụ trách một lớp, kể cả công tác chủ nhiệm.

- Cấp 2: Mỗi tuần 18 giờ.

- Cấp 3: Mỗi tuần 16 giờ.

Riêng giáo viên xã hội của cấp 2 và giáo viên văn học của cấp 3, nếu dạy 2 lớp văn, được giảm 2 giờ/tuần, dạy 3 lớp văn, được giảm 3 giờ/tuần.

b) Giáo viên trường bổ túc văn hoá tập trung.

- Cấp 1: Mỗi tuần 18 giờ, giáo viên dạy văn: 16 giờ.

- Cấp 2: Mỗi tuần 16 giờ, giáo viên dạy văn: 14 giờ.

- Cấp 3: Mỗi tuần 14 giờ, giáo viên dạy văn: 12 giờ.

c) Giáo viên trường trung học sư phạm.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ