Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 30-TTg năm 1963 quy định về yêu cầu, nội dung và biện pháp quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương trong khu vực kiến thiết cơ bản do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 30-TTg
Ngày ban hành 24/04/1963
Ngày có hiệu lực 09/05/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 1963 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ YÊU CẦU, NỘI DUNG VÀ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT CHI TIÊU QUỸ TIỀN LƯƠNG TRONG KHU VỰC KIẾN THIẾT CƠ BẢN.

Hiện nay, theo đà phát triển nhanh của cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, số tiền đầu tư của Nhà nước về kiến thiết cơ bản ngày càng lớn, trong đó chi tiêu về tiền lương chiếm khoảng từ 15 đến 20% giá dự toán xây lắp.

Tiết kiệm và quản lý tốt quỹ lương trong kiến thiết cơ bản chẳng những tiết kiệm được một số lớn vốn đầu tư Nhà nước mà còn có tác dụng  quan trọng đối với công tác quản lý vật tư, quản lý tiền tệ của xã hội. Thông tư số 49-TTg ngày 14 tháng 2 năm 1959 của Thủ Tướng Chính phủ về công tác quản lý quỹ tiền lương đã ấn định ý nghĩa và mục đích quản lý quỹ tiền lương nói chung.

Thông tư này quy định yêu cầu, nội dung và biện pháp tiến hành quản lý và kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương trong kiến thiết cơ bản.

I.  YÊU CẦU QUẢN LÝ QUỸ TIỀN LƯƠNG TRONG KIẾN THIẾT CƠ BẢN.

Yêu cầu quản lý quỹ tiền lương trong kiến thiết cơ bản là phải quản lý hết sức chặt chẽ, đưa dần việc quản lý quỹ tiền lương vào kế hoạch và nề nếp, bảo đảm chi tiêu tiền lương phải ăn khớp với kế hoạch lao động và ăn khớp với khối lượng kiến thiết thực hiện. Nhưng do việc quản lý quỹ tiền lương trong kiến thiết cơ bản  là một công tác mới và phức tạp; các công trình kiến thiết cơ bản chia ra nhiều lọai khác nhau (công nghiệp, dân dụng… trên hạn ngạch, dưới hạn ngạch… trung ương, địa phương v.v …) tiền lương cũng chia ra nhiều lọai khác nhau (như tiền lương chi vào phí tổn trực tiếp của xây lắp, tiền lương chi vào các chi phí khác về kiến thiết cơ bản v.v…), cho nên việc quản lý và kiểm sóat chi tiêu qũy tiền lương trong kiến thiết cơ bản phải tiến hành từng bước từ thấp đến cao, chú trọng quản lý hết sức chặt chẽ, trước hết đối với những công trình trọng diểm.

II. NỘI DUNG VÀ BIỆN PHÁP.

A. Lập kế hoạch tiền lương hàng quý và hàng tháng (đối với các công trình kiến thiết cơ bản thuộc vốn của Ngân sách trung ương):

1. Thủ tục lập kế koạch: hàng quý, căn cứ vào các chi tiêu kế hoạch năm về lao động, về tiền lương và về khối lượng kiến thiết cơ bản đã được Nhà nước ấn định, Ủy ban kế hoạch Nhà nước duyệt các chỉ tiêu kế hoạch quý về khối lượng kiến thiết cơ bản, lao động và tiền lương cho các Bộ và Ngành chủ quản. Các Bộ và Ngành chủ quản duyệt các chi tiêu kế hoạch quý về khối lượng kiến thiết cơ bản, lao động và tiền lương cho từng đơn vị kiến thiết và xí nghiệp xây lắp. Các Bộ và ngành chủ quản phải gửi các chỉ tiêu kế hoạch quý cho các đơn vị kiến thiết, cho các xí nghiệp xây lắp và cho Ngân hàng kiến thiết trung ương, chậm nhất vào các ngày cuối quý trước để có căn cứ quản lý quỹ tiền lương ngay từ kỳ trả lương về nửa tháng đầu cuối mỗi quý.

Nhận được các chỉ tiêu kế hoạch quý, các Bộ hay Ngành chủ quản, các đơn vị kiến thiết tự làm và các xí nghiệp xây lắp căn cứ vào đó để duyệt chỉ tiêu kế hoạch quý cho từng công trường. Một bản kế hoạch này phải gửi cho Chi nhánh Ngân hàng kiến thiết địa phương để làm căn cứ kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương.

Các công trường trực thuộc các đơn vị kiến  thiết tự làm và các xí nghiệp xây lắp, nhận được các chỉ tiêu kế hoạch quý, sẽ căn cứ vào tình hành cụ thể của mình mà chia ra từng tháng rồi phổ biến cho các bộ môn và bộ phận trong từng đơn vị mình chấp hành, đồng thời cũng gửi đến Chi nhánh Ngân hàng kiến thiết một bản kế hoạch tháng để làm căn cứ theo dõi việc sử dụng nhân lực và trả lương.

2. Nội dung của kế hoạch lao động và tiền lương:

a) Đối với bộ máy quản lý hành chính của công trường, của cơ quan xây lắp cấp trên, của đơn vị kiến thiết và bộ máy chuẩn bị sản xuất: các kế hoạch quý của các Bộ duyệt cho các đơn vị nói trên cần ghi rõ các chỉ tiêu khống chế về con số biên chế và về quỹ tiền lương.

b) Đối với tiền lương chi vào phí tổn trực tiếp và phí tổn gián tiếp khác của phần xây lắp, tiền lương chi vào phí tổn gia công chế tạo, tinh chế và vận chuyển thiết bị, tiền lương chi vào các chi phí khác về kiến thiết cơ bản ( ngoài chi phí của bộ máy của đơn vị kiến thiết và bộ máy chuẩn bị sản xuất): các kế hoạch quý của các Bộ duyệt cho các đơn vị cần ghi rõ các chỉ tiêu về lao động, về quỹ tiền lương và về khối lượng kiến thiết cơ bản, cụ thể các chỉ tiêu chủ yếu dưới đây:

- Khối lượng công trình phải hoàn thành;

- Sồ ngày công sử dụng;

- Số lượng công nhân có phân tích từng lọai chính như : Công nhân xây dựng, công nhân lắp máy, công nhân điều khiển máy móc thi công, công nhân sản xuất vật liệu và cấu kiện ( công nhân sản xuất phù trợ) v.v…

- Năng suất lao động chung và của một số loại công nhân chủ yếu;

- Tổng mức tiền lương của tất cả các loại công nhân và của riêng một số loại công nhân chủ yếu;

- Tiền lương bình quân của tất cả các loại công nhân và của riêng một số loại công nhân chủ yếu.

Đối với các đơn vị có kế hoạch sử dụng lao động nghĩa vụ thì kế hoạch phải ghi riêng  số lượng lao động, năng suất lao động, số ngày công, tiền lương và phần khối lượng công trình phải hoàn thành bằng lao động nghĩa vụ.

B. Chấp hành kế hoạch lao động tiền lương hàng quý và hàng tháng:

1. Nguyên tắc chấp hành các chỉ tiêu kế hoạch:

a) Tất cả các  chỉ tiêu về biên chế, lao động và tiền lương của kế hoạch hàng năm và hàng quý đều có tính chất khống chế. Các Bộ và các Ngành chủ quản, các đơn vị kiến thiết, các xí nghiệp xây lắp và Ngân hàng kiến thiết không được chi vượt các chỉ tiêu về quỹ lương đã được cấp có thẩm quyền ấn định (nếu không phải là hoàn thành vượt mức kế hoạch khối lượng) hoặc lấy quỹ lương của loại công nhân này dùng cho loại công nhân khác hay lấy quỹ lương thuộc khỏan mục phí tổn này của giá thành dùng cho khỏan mục phí tổn khác hoặc lấy nguồn kinh phí khác để chi lương cho kiến thiết cơ bản hay ngược lại.

b) Trường hợp cần điều chỉnh kế hoạch lao động và kế hoạch tiền lương năm hay quý thì kế hoạch điều chỉnh phải được cấp có thẩm quyền phê chuẩn.

c) Trường hợp một đơn vị ở vào hoàn cảnh phải ngừng việc lâu vì thiết kế thay đổi , nguyên vật liệu hay tiết bị về chậm hoặc vì máy móc thi công hư hỏng phải sửa chữa lâu vv…thì trước hết đơn vị phải tìm biện pháp giải quyết công việc cho phần nhân lực tạm thời thừa đó. Nếu không giải quyết được hết nên phải chi lương cho số nhân lực thừa hoặc phải chi bù tiền lương chênh lệch cho công nhân bậc cao làm việc thấp thì đơn vị phải xin Bộ hay ngành chủ quản duyệt cho một kế hoạch tiền lương “đặc biệt” để trả v.v… Khi công việc lại trở lại bình thường thì số tiền còn lại trong kế hoạch đặc biệt sẽ xóa bỏ. Kế hoạch đặc biệt không đủ thì phải xin duyệt thêm. Nếu sau một thời gian lại rơi vào tình trạng phải ngừng việc như trên thì lại phải xin kế hoạch đặc biệt khác, không được lấy phần còn thừa đã bị xóa bỏ của kế hoạch đặc biệt trước để chi.

2. Nguyên tắc cấp phát tiền lương

[...]