BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
*****
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******
|
Số: 29/2007/TT-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2007
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC
HIỆN MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU CHUNG, MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG ĐỐI VỚI CÔNG TY NHÀ
NƯỚC VÀ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC SỞ HỮU 100% VỐN ĐIỀU
LỆ
Căn cứ khoản 1, Điều 6 Nghị định số
166/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ quy định mức lương
tối thiểu chung và Nghị định số 167/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2007 của
Chính phủ quy định chức mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm
việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình,
cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động; Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung, mức lương
tối thiểu vùng đối với công ty nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ như sau:
I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG.
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh
nghiệp nhà nước, bao gồm:
- Tổng công ty nhà nước;
- Công ty nhà nước độc lập;
- Công ty mẹ là công ty nhà nước trong Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng
Chính phủ quyết định thành lập hoặc phê duyệt đề án thành lập và giao cho Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành
lập.
- Công ty mẹ là công ty nhà nước trong Tổng công ty hoặc công ty hoạt
động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
- Tổng công ty, công ty thành viên hạch toán độc lập 100% vốn Nhà nước
thuộc Tập đoàn kinh tế trong thời gian chưa chuyển đổi và đăng ký lại theo quy
định tại Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ
hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp;
- Công ty thành viên hạch toán độc lập 100% vốn Nhà nước thuộc Tổng
công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập.
b) Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ban quản
lý dự án đầu tư xây dựng và các tổ chức của Nhà nước đang áp dụng chế độ tiền
lương như công ty nhà nước.
c) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%
vốn điều lệ được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh
nghiệp.
Các công ty, tổ chức quy định tại điểm a, b và điểm c, khoản 1 mục I
Thông tư này được gọi chung là công ty.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định tại Nghị
định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động.
b) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản lý, thành
viên Ban kiểm soát, thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty),
Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc. Phó Giám đốc, Kế
toán trưởng (không bao gồm Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám
đốc, Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng).
II. THỰC HIỆN MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU CHUNG.
1. Mức lương tối thiểu chung thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2008
theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 166/2007/NĐ-CP là
540.000 đồng/tháng.
2. Công ty căn cứ mức lương tối thiểu chung
tại khoản 1 nêu trên và hệ số lương, phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP, Nghị
định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm
2004 của Chính phủ để tính mức lương, phụ cấp lương làm căn cứ tính đóng, hưởng
các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiền lương ngừng việc; nghỉ ngày lễ,
nghỉ hàng năm và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Việc tính mức lương và phụ cấp lương được thực hiện như sau: lấy hệ số
lương cấp bậc theo chức danh nghề, công việc; hệ số lương chuyên môn, nghiệp
vụ; hệ số lương chức vụ được xếp, phụ cấp lương, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu
có) nhân với mức lương tối thiểu chung 540.000đồng/tháng.
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A xếp lương ngạch chuyên viên bậc 5, hệ số 3,58 và
hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm mức 0,2 phụ cấp thu hút mức 20% theo quy định
tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP. Việc điều chỉnh mức lương, phụ cấp của Ông A
được tính như sau:
- Mức lương là: 3,58 x 540.000đồng/tháng = 1.933.200 đồng/tháng
- Mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm là: 0,2 x 540.000 đồng/tháng =108.000
đồng/tháng.
- Mức phụ cấp thu hút là: 20% x (3,58 x 540.000 đồng/tháng) = 386.640
đồng/tháng
3. Đối với người lao động dôi dư thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động,
nhận trợ cấp mất việc làm theo quy định tại khoản 4, Điều 3 và Điều
4 Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về
chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước, thì
trợ cấp mất việc làm cho thời gian làm việc trong khu vực nhà nước từ ngày 01
tháng 01 năm 2008 trở đi và trợ cấp đi tìm việc làm được tính theo mức lương
tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng. Khi thực hiện các khoản trợ cấp này thì bổ
sung thêm các cột tương ứng để tính thời gian làm việc thực tế trong khu vực
nhà nước và tính trợ cấp mất việc làm vào biểu số 9, biểu số 10 ban hành kèm
theo Thông tư số 18/2007/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Bộ Lao động –
Thương binh và Xã hội.
Đối với người lao động dôi dư thuộc diện nghỉ hưu trước tuổi thì trợ
cấp thêm theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 3 Nghị định số
110/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ, từ ngày 01 tháng 01
năm 2008 trở đi được tính theo mức lương tối thiểu 540.000 đồng/tháng.
III. THỰC HIỆN MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG.
1. Mức lương tối thiểu vùng để trả công đối với người lao động làm công
việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các công ty thực hiện
từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 theo Điều 2 Nghị định số
167/2007/NĐ-CP như sau;
a) Mức 620.000 đồng/tháng áp dụng đối với công ty hoạt động trên địa
bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
b) Mức 580.000 đồng/tháng áp dụng đối với công ty hoạt động trên địa
bàn các huyện thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; các quận thuộc
thành phố Hải Phòng, thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Biên
Hòa, thị xã Long Khánh, các huyện; Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu và Trảng
Bom thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Thủ Dầu Một, các huyện: Thuận An, Dĩ An, Bến
Cát và Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương, thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa –
Vũng Tàu.
c) Mức 540.000 đồng/tháng áp dụng đối với công ty hoạt động trên các
địa bàn còn lại.
2. Đối với công ty có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có
mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn
vùng nào áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn đó.
3. Công ty nêu tại điểm a và điểm b, khoản 1, mục I Thông tư này áp
dụng mức lương tối thiểu vùng để tính đơn giá tiền lương theo khoản
1, Điều 2 Nghị định số 167/2007/NĐ-CP như sau;
a) Công ty bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 4
Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ và điểm b, khoản 1, mục III Thông tư số 07/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05
tháng 01 năm 2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì được áp dụng mức
lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng để tính đơn giá tiền lương,
trong đó công ty được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm (Kđc) không
quá 1,34 lần so với mức lương tối thiểu chung.
Đối với công ty bảo đảm đủ các điều kiện quy định tại Điều
4 Nghị định số 206/2004/NĐ-CP và điểm b, khoản 1, mục III
Thông tư số 07/2005/TT-BLĐTBXH và có lợi nhuận kế hoạch cao hơn từ 5% trở
lên so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề thì được áp dụng hệ số điều
chỉnh tăng thêm (Kđc) không quá 2 lần so với mức lương tối thiểu
chung.
b) Căn cứ vào hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương tối thiểu
chung (Kđc) được áp dụng nêu trên, công ty lựa chọn mức lương tối
thiểu để tính đơn giá tiền lương (quy định lựa chọn mức lương tối thiểu này
thay thế quy định lựa chọn mức lương tối thiểu theo điểm b, khoản
2, mục III Thông tư số 07/2005/TT-BLĐTBXH) trong khung mức tiền lương tối
thiểu quy định như sau:
- Mức lương tối thiểu lựa chọn thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng
do Chính phủ quy định (TLminvùng).
Trường hợp công ty có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có
mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì tính bình quân gia quyền mức lương tối
thiểu vùng và số lao động của các địa bàn đó.
- Mức lương tối thiểu lựa chọn cao nhất: TLmax = TLmin
(1 + Kđc), trong đó:
+ TLmin: Mức lương tối thiểu chung.
+ Kđc: Hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương tối
thiểu chung theo điểm a, khoản 3, mục I Thông tư này, với:
hoặc 2
Căn cứ vào khung mức tiền lương tối thiểu từ TLminvùng đến
TLmax, công ty có thể chọn bất cứ mức lương tối thiểu nào phụ thuộc
khung này khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện quy định tại điểm a, khoản 3, mục I
Thông tư này để tính đơn giá tiền lương.
4. Công ty nêu tại điểm c khoản 1, mục I Thông tư này áp dụng mức lương
tối thiểu thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định để tính
đơn giá tiền lương. Trường hợp bảo đảm đủ các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 4 Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm
2007 của Chính phủ và khoản 2.1, phần A, mục III Thông tư số
15/2007/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 8 năm 2007 của Bộ Lao động – Thương binh
và Xã hội thì được áp dụng cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy
định (không hạn chế mức tối đa).
5. Mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định (TLminvùng)
thay thế mức lương tối thiểu chung (TLmin) dùng để xác định quỹ
tiền lương của công ty như sau:
a) Xác định quỹ tiền lương chế độ (Vcđ), quỹ tiền lương thực
hiện theo đơn giá tiền lương theo quy định tại điểm a, khoản 4,
mục III Thông tư số 07/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 01 năm 2005; điểm a, khoản 2.4, phần A, mục III Thông tư số 15/2007/TT-BLĐTBXH
ngày 31 tháng 8 năm 2007 của Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội;
Ví dụ 2: Theo quy định tại điểm a, khoản 4, mục III Thông tư số
07/2005/TT-BLĐTBXH: “Quỹ tiền lương chế độ (Vcđ), được xác định bằng
số lao động định mức nhân với hệ số lương theo cấp bậc công việc bình quân, hệ
số phụ cấp lương bình quân và mức lương tối thiểu chung” thì nay được điều
chỉnh như sau “quỹ tiền lương chế độ (Vcđ), được xác định bằng số lao
động định mức nhân với hệ số lương theo cấp bậc công việc bình quân, hệ số phụ
cấp lương bình quân và mức lương theo cấp bậc công việc bình quân, hệ số phụ
cấp lương bình quân và mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.
b) Xác định quỹ tiền lương kế hoạch và quỹ tiền lương chế độ của thành
viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty),
Tổng giám đốc, Giám đốc công ty không có lợi nhuận hoặc lỗ theo quy định tại điểm b, khoản 1, điểm b, d, đ, khoản 2, mục III Thông tư số
08/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 01 năm 2005 và điểm b, khoản
2.1, điểm b, d, đ, khoản 2.2, phần B, mục III Thông tư số 15/2007/TT-BLĐTBXH
của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
6. Căn cứ mức lương tối thiểu vùng quy định tại khoản 1, mục III Thông
tư này, công ty rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế trả lương, bảo đảm tiền
lương trả cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính
phủ quy định.
IV. HIỆU LỰC THI HÀNH.
1. Cán Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội
đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của công ty mẹ trong Tập đoàn kinh tế nhà
nước và Tổng công ty nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các công
ty thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này.
2. Kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu
vùng quy định tại Thông tư này do công ty bảo đảm và được hạch toán vào giá
thành hoặc chi phí kinh doanh.
3. Khi thực hiện mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng
quy định tại Thông tư này thì mức tiền chi cho cho bữa ăn giữa ca tính theo số
ngày công chế độ trong tháng đối với công nhân, nhân viên, viên chức làm việc
trong công ty quy định tại Thông tư số 15/1999/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 6 năm
1999 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, không được vượt quá 450.000
đồng/tháng.
4. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.
Bãi bỏ Thông tư số 12/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 09 năm 2006 hướng dẫn
thực hiện điều chỉnh tiền lương và phụ cấp lương theo Nghị định số
94/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và các công ty phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem
xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ
và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Các bộ, các cơ quan ngang Bộ; các cơ quan thuộc CP;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Cơ quan TW các đoàn thể và các Hội;
- Sở Tài chính tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website của Chính phủ;
- Website của Bộ LĐTHXH;
- Các tập đoàn kinh tế;
- Đăng Công báo;
- Lưu VP. Vụ TLTC. Bộ LĐTBXH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
Huỳnh Thị Nhân
|